Khoảng thanh xuân mà chúng ta đã nuối tiếc.
Tiểu biệt ly ( A Love for Seperate) đúng như tên của nó, kể về một khoảng thời gian mà ai cũng phải trải qua- khoảng thời gian thi chuyển cấp. Đó là một khoảng thời gian căng thẳng đối với cả phụ huynh lẫn học sinh khi không chỉ bị áp lực học hành đè nặng mà còn phải lo toan đủ thứ về tiền bạc, về tương lai và cả về những sự chuyển biến trong mặt nhân thức và tâm lý của những đứa trẻ trong lứa tuổi dậy thì. Trung Quốc vốn là một quốc gia được biết đến với những áp lực cực kì nặng nề của học tập và thi cử, đặc biệt do dân số đông nên phụ huynh càng lo cho tương lai của con mình nhiều hơn bởi nỗi sợ thất nghiệp. Vì chính nỗi sợ đó mà ngay cả mọi phụ huynh cũng trăn trở giữa câu hỏi nên cho con mình học trong nước hay ra nước ngoài? Xuyên suốt bộ phim cũng là một sự trăn trở rằng liệu hệ thống giáo dục mà chúng ta vẫn học đã tốt hay chưa?
Tiểu Biệt Ly vẽ nên một bức họa về môt gia đình kiểu mẫu của mọi gia đình đó là gia đình của Văn Khiết và Phương Viên- một gia đình kiểu mẫu thời hiện đại. Một gia đình mà như tiếng Việt gọi là gia đình đình công nhân viên chức, khi cha mẹ đều bận rộn đi làm. Trong gia đình ấy người phụ nữ là đầu tàu lo tính toán, chi lí, quán xuyến gia đình, người đàn ông là trụ cột vững chắc, là mái ấm bình yên cho những người phụ nữ khi yếu đuối có thể ngả vào để tìm được sự chở che. Những tưởng gia đình ấy sẽ hạnh phúc vết rạn nứt xuất hiện khi cô bé Đóa Đóa bắt đầu cho kì thi chuyển cấp uan trọng. Cô bé với những thay đổi về mặt sinh lý đã khiến cho một gia đình khuôn mẫu mà ai cũng nghĩ hạnh phúc hóa ra lại không hạnh phúc. Bởi trước khi trưởng thành con người ta đã tranh đấu rất nhiều. Tranh đấu giành sự điềm tĩnh bằng sự nóng nảy, giây phút bốc đồng. Tranh đấu giành một tự do bằng những ràng buộc. Tranh đấu giành được thắng lợi bằng nỗ lực, cố gắng. Và trong những cuộc tranh đấu của tuổi trẻ bồng bột, của một khoàng thanh xuân trẻ thơ ta đã vô tình tranh đấu luôn với cha mẹ chúng ta- người luôn yêu thương cho chúng ta nhưng họ lại luôn sai cách yêu.
Văn Khiết cũng vậy cô luôn muốn tốt cho Đóa Đóa, nên cô bắt ép con mình học đủ điều. Cô muốn tốt cho Đóa Đóa, sợ con cô sẽ lơ là việc học nên cô ràng buộc cuộc con sống của con mình, không cho con làm những điều mình thích, không cho con nói những điều mình muốn khiến Đóa Đóa bị kiềm hãm. Văn Khiết muốn tốt cho con cố nên đã đăng ký bao nhiêu lớp học thêm chỉ để mong Đóa Đóa có thể vào trường điểm, có một tương lai áng lạng. Văn Khiết chính là điển hình của mọi người mẹ Châu Á, bị áp lực của việc thành tích khiến cô quên luôn con mình. Cô muốn tốt cho con, cô muốn tương lai con cô tươi sáng mà rốt cuộc cô quên luôn nó muốn gì, nó nghĩ gì, nó như thế nào hay nó chỉ là một cái máy để hái ra những điểm tốt chỉ cho vui lòng. Và Đóa Đóa một đứa trẻ trong tuổi dây thì, có những tâm lý phức tạp, có những góc nội tâm riêng mà cha mẹ cô không biết, khi bị những áp lực học tập, áp lực điểm số, áp lực thi cử ép cho tới kiệt quệ thì em cũng nổ tung, hệt như quả bom nổ chậm. Em và mẹ xem nhau như những kẻ thù dù họ thương nhau, họ biết mình luôn muốn tốt cho nhau, nhưng cách làm họ sai khiến cho ho trở nên căm ghét và cãi vã nhau.
Suy cho cùng Văn Khiết cũng chỉ là một đứa trẻ tập tễnh bước đi trong việc dạy con, cô không thể chấp nhận được sự thay đổi nhanh chóng của con mình, không thể chấp nhận một sự thật rằng con mình đã lớn, rồi một ngày nó sẽ phải xa mình. Cô cứ nhớ về Đóa Đóa lúc nhỏ và khi kịp nhân ra con mình thay đổi như thế nào thì cô lại không theo kịp. Văn Khiết rốt cuộc cũng giống Đóa Đóa, bị bao áp lực con cái, gia đình, công việc đè nặng đến đuối sức, đên chới vơi và hụt hơi trên quãng đường của cô. Tiểu Biệt Ly không chỉ khắc họa khoảng thanh xuân của những đứa trẻ đang lớn mà còn cho ta xem lại khoảng thời gian khó khăn của chính cha mẹ chúng ta, để nhận ra rằng quãng đường trưởng thành vốn không phải chỉ có sự cố gắng của những đứa trẻ mà còn là sự nỗ lực, sự cố gắng gắng không của những đấng sinh thành.