Màu của Đất (SE)

142 10 0
                                    

Lần đầu tiên Lưu Diệu Văn gặp Tống Á Hiên là năm bảy tuổi.

Vào lúc cuộc sống hiện đại tiện nghi của thời kỳ đổi mới đang dần xâm chiếm nông thôn yên bình, các ngôi nhà mặt phố tường vôi cũng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên những đoạn đường đất đỏ, đâu đó ở vùng thôn nghèo xa xôi vẫn còn lưu giữ lại được những giá trị truyền thống bao đời, đứng vững giữa dòng thời gian đang tàn nhẫn cuốn trôi đi những gì thuộc về xưa cũ, và thổ lâu chính là một trong số đó.

Lưu Diệu Văn là đứa trẻ lớn lên trong thổ lâu to nhất của vùng. Những đứa nhỏ sinh ra và trưởng thành nơi đây dường như đã hình thành một bản năng vô cùng kỳ lạ, giữa hàng trăm ngôi nhà ở trong vòng tròn ấy, ngay từ lúc bắt đầu nhận thức đã có thể nhớ rõ tên từng chủ hộ, chưa từng lạc đường cũng chưa từng nhầm lẫn bao giờ.

Ngày hôm ấy, vẫn như thường lệ, cha mẹ cậu lại tin tưởng giao cho con trai nhiệm vụ mang tảng thịt dê mà cha Lưu vừa mua được ở trên thị trấn sang biếu gia đình lớn tuổi nhất trong lâu - ông bà Tống. Khi đó, Tống Á Hiên tám tuổi, vừa từ thành phố chuyển về quê sinh sống cùng ông bà nội, anh ngồi trên băng ghế bằng gỗ đã cũ kỹ phai màu, mang đôi mắt to tròn yên tĩnh nhìn cậu bé gầy gầy đen nhẻm, mái đầu húi cua đang đứng nơi ngạch cửa, cùng ông bà nội của mình lễ phép trò chuyện, sau đó trong tiếng gọi của ông bà lại chậm bước đến gần, nhẹ nhàng gật đầu, mỉm cười nhìn cậu nói lời cảm ơn, cực kỳ hiểu chuyện.

Lưu Diệu Văn lớn lên tinh nghịch hiếu động, tuy đối với người lớn ngoan ngoãn nhưng vẫn khá tinh ranh, được xưng là tiểu ma vương của thổ lâu, lại lần đầu tiên bởi vì dáng vẻ công tử thành phố, trắng trẻo, đáng yêu mà mình vẫn luôn ghét phải chơi cùng nhất làm cho bối rối, đỏ bừng cả mặt. Đôi mắt của Tống Á Hiên vô cùng trong trẻo, nước da trắng cùng hai gò má bánh bao tròn mềm, khi cười phát ra ánh dương quang, trong veo bừng sáng lại cực kỳ đáng yêu, cảm giác hệt như giọt sương đọng trên những chiếc lá của cây bàng to ngoài cổng thổ lâu mà Lưu Diệu Văn mỗi lần đi học sớm, đều phải ghé lại, thích thú đưa tay hứng trọn, cứ thế nâng niu một hồi lâu ở trong lòng bàn tay của mình.

Nụ cười nọ theo Lưu Diệu Văn từ nhà ông bà Tống trở về tận đến lúc chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, vẫn còn vảng vất. Khi đã leo lên giường chui vào chăn ấm, trong lòng bạn nhỏ bảy tuổi bỗng thầm tự nói với mình, những đứa trẻ thành phố mà các anh trong thổ lâu vẫn bảo mang bộ dáng công tử bột nhà giàu chảnh chọe, hóa ra thực tế cũng không đáng ghét đến vậy.

.

Lần thứ hai Lưu Diệu Văn gặp lại Tống Á Hiên rất nhanh đã là ngày hôm sau, trong đội kịch nhỏ của trường tiểu học. Anh đứng trước hơn mười đứa trẻ, tự giới thiệu mình với tư cách là thành viên mới.

Làng quê nghèo điều kiện không có bao nhiêu, lại chỉ mới vừa bước vào thời kỳ đổi mới, cả thôn của Lưu Diệu Văn chỉ có duy nhất một ngôi trường nhỏ, dạy đủ chương trình từ cấp một đến cấp ba, cốt yếu để cho những đứa trẻ gia đình nông thôn không đủ điều kiện lên thành phố học không đến mức phải mù chữ. Vì trường rất nhỏ nên từ trước vốn không có hoạt động ngoại khóa gì cho đến hơn một năm trước, khi một thầy giáo từ tỉnh theo chương trình phổ cập giáo dục miền quê tình nguyện được phân về trường, nhìn thấy hoạt động giảng dạy nhàm chán nơi đây nên đã đề xuất mở một đội kịch nhỏ phục vụ cho các hoạt động văn nghệ, cũng để là có thêm môi trường cho các em nhỏ vui chơi, phát triển năng khiếu của mình. Ý tưởng tiến bộ lại có ích, rất nhanh đã nhận được sự đồng ý của hội đồng giáo viên và phụ huynh, đội kịch vì thế mà chính thức được thành lập. Từ khi khởi đầu đến nay, Tống Á Hiên là thành viên duy nhất mới vừa chuyển đến đã được tham gia vào đội.

[Văn Hiên] Tổng hợp shotNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ