[(1) Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc từ: "Păng" thuộc ngôn ngữ Ấn- Âu: "Pa" : chăn nuôi]
Păng là một vị thần trong đoàn tùy tùng của thần Rượu Nho Điônidôx. Cha của Păng là vị thần Hermex, Người truyền lệnh không hề chậm trễ của các vị thần Ôlanhpơ. Mẹ của Păng là tiên nữ Đriôpê (Driopé). Khi sinh ra Păng, thấy hình thù của con quái gở: đầu có sừng như sừng dê, chân cong và dài, có lông, có móng, râu ria xồm xoàm, lại thêm cái đuôi nữa nên Đriôpê sợ hãi quá, vứt con bỏ chạy. Nhưng Hermex, ngược lại, rất vui mừng vì có một đứa con trai. Thần bế ngay lấy con và đưa lên đỉnh Ôlanhpơ để nhờ các vị thần nuôi nấng dậy dỗ. Thấy Păng tướng mạo dị kỳ, thân hình kỳ khôi như thế, các vị thần đều bật cười, không một vị thần nào là nhịn được cười, tất cả, tất tất cả các vị thần đều cười, cười ngặt nghẽo, cười như nắc nẻ, vì thế cậu con trai của Hermex mới được các vị thần đặt cho cái tên: "Păng" nghĩa là "tất cả". Sống một thời gian trên thế giới Ôlanhpơ rồi sau đó Păng xuống trần sống ở núi rừng, đồng cỏ. Thần bảo vệ cho đàn gia súc của những người mục đồng, tính mạng cho những người đi săn, làm cho tổ ong của những người nuôi ong đông con, nhiều đàn lắm mật. Tuy thân hình có vẻ khó coi và dữ tợn nhưng Păng tính tình vui vẻ, cởi mở. Thần sống tha thẩn trong các khu rừng, bình thường xem ra trầm lắng song khi vui thì "bốc" đến nổ trời. Vì thế mới được Điônidôx tuyển mộ vào đoàn tùy tùng của mình và kết bạn với những Xatia, Băccăng, Xilen. Phòng khi vui "bốc" "say" như thế nào thì khi giận dữ, cáu kỉnh cũng "nảy lửa" đến mức như vậy, nhất là khi những ham muốn tình dục của phần con vật, con dê trong Păng nổi lên thì Păng gây cho các tiên nữ Nanhphơ một sự kinh hoàng, hãi hùng khôn tả. Và đó là Păng đã bị thần Tình yêu - Êrôx có đôi cánh vàng, bắn những mũi tên xuyên thấu trái tim.
Sống trong thế giới non xanh nước biếc cho nên bạn bè thân thiết của Păng là những tiên nữ Nanhphơ, Păng thầm nhớ trộm yêu một nàng Nanhphơ xinh đẹp tên là Xiranh (Syrinx). Xiranh là một tiên nữ tùy tùng của nữ thần Artêmix vĩ đại, cho nên nàng cũng nhiễm phải cái thói ham mê săn bắn và kiêu kỳ của Artêmix. Nàng khước từ mọi lời tỏ tình của các vị thần. Nàng lẩn tránh khi gặp một vị nam thần. Với cây cung bằng sừng hươu nàng len lỏi trong rừng suốt ngày theo sát gót chân nữ thần Artêmix, tìm thú vui trong việc săn muông đuổi thú. Nhiều khi thoáng thấy bóng nàng người ta tưởng nhầm là nữ thần Artêmix. Nhưng những người hiểu biết, nhiều kinh nghiệm nói rằng, nếu không nhìn thấy ánh vàng ngời ngợi từ cây cung tỏa chiếu ra thì đó đích thực là Xiranh, vì cây cung của Artêmix bằng vàng.
Một hôm Păng đang tha thẩn đi chơi trong rừng bỗng thoáng thấy bóng Xiranh, Păng liền bám theo. Nhưng Xiranh cũng kịp thời nhận thấy có người đang bám theo mình. Và người đó là thần Păng. Biết mình đang bị thần Păng bám riết, Xiranh vô cùng sợ hãi, cắm đầu chạy. Păng cũng lập tức phóng người chạy theo quyết đuổi cho bằng được Xiranh chạy, lòng tràn ngập nỗi lo sợ, hãi hùng: "Trời ơi! Nếu ta sa vào tay cái vị thần nửa người nửa dê kia thì khủng khiếp biết chừng nào...". Xiranh nghĩ thế và vừa chạy nàng vừa tưởng tượng ra cái cảnh mình bị Păng đuổi bắt được, bị Păng xiết ôm vào trong vòng tay cứng rắn như xiềng xích, bị Păng áp cái bộ mặt gớm ghiếc râu ria xồm xoàm, phả cái hơi thở hoi hoi, hôi hôi của loài dê vào khuôn mặt mình. Nhưng thôi rồi, hỏng rồi! Một con sông chắn ngang trước mặt. Chạy đâu cho thoát bây giờ? Nàng vội quỳ xương giơ tay lên trời cầu khấn thần Sông cứu giúp. Chấp nhận lời cầu cứu của người trinh nữ, thần Sông hóa phép biến nàng thành một cây sậy ở ven bờ. Sự việc kể thì dài dòng như thế nhưng thực ra chỉ diễn biến trong chốc lát. Khi thần Păng lao vào Xiranh tưởng chừng như ôm được Xiranh vào lòng thì cũng là lúc Xiranh vừa kịp biến thành một cây sậy, một bụi sậy mềm mại, bấy yếu. Và nó tưởng chừng như vẫn chưa thoát khỏi nỗi khủng khiếp bất ngờ vừa ập đến cho nên nó vẫn cứ run lên trong vòng tay của Păng. Còn thần Păng, mặt buồn thiu, thất vọng. Thần lấy dao cắt mấy ống sậy ghép lại làm một cây sáo kép. Từ đó trở đi Păng gọi cây sáo của mình là Xiranh(2). Và cũng từ đó trở đi trong các khu rừng, những người mục đồng thường nghe thấy vang lên những tiếng sáo trầm bổng khi thì nỉ non thánh thót như kể lể, giãi bầy, khi thì, rộn rã tưng bừng như đang nhảy múa say mê. Người ta bảo, thần Păng đang thổi sáo cho các nàng Nanhphơ ca múa. Do bản chất của thần Păng và tính chất chuyện này cho nên ngày nay trong tiếng Pháp có từ: panique với nghĩa: hoảng hốt, kinh hoàng, khủng khiếp(3).
[(2) Syrinx, tiếng Hy Lạp: ống
(3) Semer la panique: gieo rắc sự khủng khiếp, la terreur panique: sự khủng khiếp bất ngờ]Thần Păng còn có lần, cũng như đối với Xiranh, trong khi đi tha thẩn chơi trong rừng chợt bắt gặp nàng Nanhphơ Êkhô (Nymphe Êcho). Thần liền bám theo. Còn Êkhô thì cắm đầu chạy. Păng đuổi mãi, hết khu rừng này sang khu rừng khác mà không sao bắt được. Từ đó, Păng nuôi giữ một mối thù ghét Êkhô. Bằng pháp thuật của mình, Păng làm cho những người mục đồng hóa điên. Họ lao vào cuộc săn đuổi Êkhô và vây bắt được nàng. Trong lúc mất trí họ tưởng nàng và một con thú, họ giết chết nàng và phanh thây nàng ra hàng trăm mảnh vứt khắp nơi, khắp chỗ trên núi cao, trong rừng già. Từ đó trở đi, bất cứ chỗ nào trên mặt đất cũng có Êkhô. Và dù nàng Nanhphơ bất hạnh đó đã qua đời, nhưng chúng ta mỗi khi vào rừng vào núi, chúng ta vẫn nghe thấy tiếng nàng. Nàng theo lời nguyền xưa của nữ thần Hêra chỉ được phép nhắc lại những lời nói cuối cùng của người khác.
Thần Păng vĩ đại chết rồi! Là một điển tích bắt nguồn từ một câu chuyện của Pluytac(. Theo truyện thì, dưới triều hoàng đế La Mã Tiber ( một hôm, một con thuyền La Mã đang đi từ Pêlêpônedơ sang đất Ý bỗng có tiếng người nói với người lái thuyền, cầu xin người lái thuyền kêu lên: "... Thần Păng vĩ đại chết rồi!". Người lái thuyền băn khoăn do dự hồi lâu nhưng rồi cuối cùng làm theo lời thỉnh cầu đó. Khi người lái thuyền vừa nói dứt câu: "...Thần Păng vĩ đại chết rồi!" thì tức thời khắp nơi bỗng vang lên tiếng khóc than thảm thiết. Con thuyền về đến đất Ý. Sự kiện lạ lùng kể trên được tường trình ngay với hoàng đế Tiber. Hoàng đế ra lệnh, công bố ngay cho toàn dân được biết. Và từ đó nảy ra nhiều cách giải thích khác nhau. Khoa thần học Thiên Chúa giáo coi câu chuyện trên đây của Pluytac như là lời tiên báo sự kết thúc của đa thần giáo cổ đại, ngẫu tượng giáo cổ đại để thay thế bằng Thiên Chúa giáo. Sau này câu nói trên còn mang một ý nghĩa rộng hơn. Nó chỉ cái chết của một nhân vật kiệt xuất, sự chấm hết một giai đoạn, một thời đại, một thời kỳ lịch sử.