[(1) Vùng đất ở phía Tây đất Tiểu Á có đô thành lớn nhất ở bờ biển Êgiê là Pergam (pergame)]
Từ bán đảo Kidích, con thuyền Argô nhằm hướng Đông đi tới. Nhưng trước khi khởi hành, một trận bão nổi lên đã làm cản trở cuộc hành trình. Những người Argônôt bèn họp nhau lại để tìm hiểu nguyên nhân của tai họa. Có thể họ đã sơ suất không làm một lễ hiến tế các vị thần ở phương Đông khi họ đã đặt chân tới phạm vi cai quản của các thần. Để bày tỏ lòng tôn kính thần linh, những người Argônôt quyết định dựng trên ngọn núi Đanhđim, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Kidích, bức tượng của nữ thần Kiben (Cybèle), vị tổ mẫu vĩ đại đã sinh ra các vị thần của những người phương Đông, để cầu xin cho cuộc hành trình của mình được bình an vô sự.Cũng như khi đặt chân đến đảo Lemnôx, đến bán đảo Kidích, những người Argônôt đến Midi trong một bầu không khí hòa mục. Họ được tiếp đãi long trọng. Nhưng một chuyện khá phiền toái đã xảy ra. Chuyện xảy ra vào một hôm như thường lệ, những người Argônôt chuẩn bị nấu ăn, Hilax (Hylas) một chàng trai xinh đẹp bạn thân của Hêraclex, được anh em cử đi tìm nước ngọt. Hilax vào rừng và tìm được một lạch nước. Chàng lần theo lạch nước để tìm con suối, ngọn nguồn của nó. Một cảnh tượng kỳ diệu hiện ra trước mắt chàng. Bên bờ suối các tiên nữ Nanhphơ đang vui chơi, ca múa. Hilax ngây người ra trước cảnh đẹp có một không hai đó. Chàng đắm mình trong cảnh thần tiên đến nỗi quên bẵng đi việc lấy nước đem về. Các tiên nữ Nanhphơ thấy chàng đẹp trai đang đắm đuối nhìn mình cũng nao nao xúc động. Các nàng cũng đáp lại chàng những cái nhìn tình tứ, đắm say. Đúng là cái cảnh: "... Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa...".
Bỗng Hilax sực nhớ tới công việc của mình, chàng lần ra bờ suối kín nước vào vò thì... hấp một cái, các tiên nữ Nanhphơ kéo tuột chàng xuống dòng suối và biến luôn cả con suối của mình đi mất. Hilax chỉ kịp kêu lên một tiếng.
Cùng vào rừng với Hilax có Hêraclex, nhưng mỗi người đi một ngả, làm mỗi việc. Hêraclex, vào rừng tìm gỗ đẽo cái mái chèo, vì vừa qua do chàng chèo quá mạnh nên mái chèo bị gãy. Đang ở trong rừng sâu, nghe tiếng kêu thất thanh của Hilax, Hêraclex liền chạy bổ đến nơi đó để tìm Hilax. Tìm mãi chẳng thấy tăm hơi, lại gặp anh chàng người Lapít tên là Pôliphem được anh em ở nhà cử đi tìm Hilax. Hai người chia nhau đi sục sạo khắp nơi, gọi Hilax đến khản cả hơi, đứt cả tiếng mà chẳng thấy một lời đáp lại, chẳng thấy một đấu chân mờ.
Họ đi lang thang trong rừng thẳm suất đêm hôm đó. Rạng đông, trời sáng anh em ở nhà vẫn không thấy một ai về. Thuyền trưởng Tiphix gặp lúc thuận gió đẹp trời liền phát lệnh nhổ neo. Giadông biết vắng mất ba người nhưng làm sao mà chờ họ mãi được. Và biết chờ đến bao giờ. Cử Pôliphem đi thì mất tích luôn cả Pôliphem! Chẳng thấy, không thể trì hoãn cuộc hành trình. Chàng chuẩn y lệnh xuất phát. Thấy vậy, dũng tướng Têlamông chạy đến trước mũi con thuyền giang đôi tay rộng và dài ra, quát lớn:
- Hỡi Giadông chủ tướng! Hỡi Tiphix thuyền trưởng. Các người có đầu óc không mà lại dám phát lệnh cho khởi hành vào lúc này, khi mọi người còn đang chưa biết rõ số phận của ba chiến hữu thân thiết ra sao. Thần Dớt đã ban cho các người quyền làm chủ tướng và quyền chỉ huy điều khiển con thuyền nhưng còn tình nghĩa anh em, cái tạo ra sức mạnh gắn bó mọi người lại với nhau thì thần Dớt lại không ban cho các người. Vì thế các người mới nhẫn tâm bỏ anh em đồng đội lại. Xưa nay những người trần thế đoản mệnh con của Dớt, đấng phụ vương, ai ai cũng thương xót, cưu mang đồng đội. Hay trái tim của các người đã biến thành sắt rồi chăng? Ta nói cho các người biết, ta sẽ không đi với các người nữa. Đồ bội bạc! Đồ phản phúc! Đồ bất nghĩa bất nhân! Giadông! Có phải ngươi bỏ rơi Hêraclex để cho một mình ngươi nổi danh là người anh hùng kiệt xuất trong cuộc hành trình đi đoạt bộ Lông Cừu Vàng không? Bởi vì có Hêraclex tham dự sự nghiệp này thì ta dám chắc không một ai có thể vượt nổi chàng về chiến công cũng như sức mạnh. Hãy ra lệnh cho Tiphix dừng ngay thuyền lại và cử người đi tìm bằng được Hêraclex và những người kia về.
Têlamông vừa nói dứt lời thì bỗng nhiên trước mũi con thuyền dâng lên một cột nước. Và khi cột nước tan ra thì từ dưới biển lừng lững nhô lên một ông già râu tóc xanh sẫm, lòa xòa như rong, rêu biển. Đó là vị thần Biển Giôcôx, người có tài tiên tri, tiên đoán mọi việc. Xưa kia thần vốn là một người đánh cá nghèo ở xứ Bêôxi. Vì nhấm phải thứ cỏ thần nên chàng đánh cá nghèo này bùng cháy lên khát vọng muốn sống dưới biển khơi trong thế giới kỳ lạ của thần Pôdêiđông có cây đinh ba vàng gây bão tố. Chàng lao mình xuống biển và được các vị thần Biển cho gia nhập vào thế giới các thần Biển. Các thần đã tẩy rửa chất đoản mệnh trong con người trần tục của chàng, biết chàng thành một ông già bất tử.
Thần Glôcôx nổi lăn trên mặt biển, giơ tay ra hiệu cho con thuyền Argô dừng lại. Thần nói:
- Hỡi Giadông, người thống lĩnh và chỉ huy các chiến sĩ Argônôt! Hỡi dũng tướng Têlamông sức khỏe hơn người! Hỡi Tiphix người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm! Ta từ dưới biển sâu dội nước lên đây để truyền phán cho các người biết ý định của đấng phụ vương Dớt trong sự việc vừa qua. Các ngươi hãy dẹp mối bất hòa và tuân theo ý định của thần linh. Trước hết ta truyền đạt cho các người biết về số phận của Hêraclex, người anh hùng vĩ đại con của Dớt. Theo Số Mệnh, Hêraclex sẽ phải trở về Hy Lạp đến nộp mình cam chịu làm nô lệ cho nhà vua Ơrixtê trong mười hai năm. Chính trong thời gian mười hai năm này chàng sẽ lập nên những kỳ công thay đổi trời đất, lưu danh hậu thế, hiển hách muôn đời. Còn Pôliphem, con của Êlatôx và Hippê, theo quyết định của thần linh chàng sẽ lãnh sứ mạng sang một vương quốc trên xứ sở Midi để xây dựng nên một đô thành danh tiếng. Đô thành được đặt tên là Kiôx, Pôliphem sẽ trị vì tại đó cho đến khi hết hạn kỳ của số phận mình. Đó là đô thành của những người Khalibơ vinh quang. Còn chàng Hilax xinh đẹp, chàng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được các chiến hữu thân thiết của mình nữa. Các tiên nữ Nanhphơ cảm xúc trước vẻ đẹp của chàng đã bắt cóc chàng. Chàng sẽ sống một cuộc đời dài lâu trong thế giới tình yêu thơ mộng với những tiên nữ Nanhphơ...
Nói xong Glôcôx lên xuống biển sâu. Con thuyền Argô lại rẽ sóng tiếp tục cuộc hành trình và tình bằng hữu giữa những người anh hùng lại được khôi phục bền chặt. Truyền thuyết về việc Hilax mất tích và chuyện Hêraclex cùng với Pôliphem đi tìm rất có thể là sự giải thích một tập tục tôn giáo của cư dân quanh vùng ven biển Prôpôngtiđ. Hằng năm có tục những viên tư tế đi cùng khắp cánh đồng, chạy khắp các cánh đồng; vừa chạy vừa thét gọi: "ơi Hilax. ơi Hilax!".