Hạ được thành Tơrơa, quân Hy Lạp cướp bóc được rất nhiều của cải và bắt được rất nhiều tù binh, nhất là những nữ tù binh trẻ đẹp. Họ chỉ còn lo mỗi việc chất hết mọi thứ đã cướp bóc được xuống thuyền và nhổ neo. Tuy nhiên không phải mọi việc diễn ra đều thuận lợi êm đẹp như lòng mong muốn của người Hy Lạp. Cũng như khi xưa lúc ra đi, thần Dớt và các vị thần Ôlanhpơ và hơn nữa Số Mệnh chẳng dành cho họ toàn là niềm vui và sự may mắn.
Việc đầu tiên xảy ra đối với quân Hy Lạp sau khi hạ được thành Tơroa là vong hồn Akhin hiện lên đòi nàng Pôlixen (Polyxène). Pôlixen là người thiếu nữ đẹp nhất trong số những con gái của lão vương Priam. Người xưa kể rằng, chính Pôlixen đã gây ra cái chết của Akhin. Không rõ Akhin gặp Pôlixen ở đâu và vào dịp nào, chỉ rõ sau khi gặp người thiếu nữ đó, người anh hùng kiệt xuất của Hy Lạp bỗng thấy nhớ nhung, bứt rứt. Có người kể, Akhin gặp Pôlixen trong dịp nàng cùng với lão vương Priam và lão bà Hêquyp đến lều của Akhin xin chuộc xác Hector. Nếu như chuyện này là đúng thì ắt nó phải là lẫn đi xin chuộc xác không thành của lão vương Priam. Vì quá yêu thương, nhớ nhung Pôlixen nên Akhin tìm cách bày tỏ tình cảm của mình. Chàng hẹn gặp nàng ở đền thờ thần Apôlông. Parix biết chuyện này, mai phục, và như đã kể, với sự giúp đỡ của thần Apôlông, bắn một phát tên kết thúc cuộc đời người anh hùng con của lão vương Pêlê. Có người còn kể, cuộc hò hẹn đó là để làm lễ cưới trong đền thờ Apôlông. Lại có người kể, trong cuộc hò hẹn đó, để chinh phục được tình yêu của Pôlixen, Akhin đã hứa sẵn sàng rời bỏ hàng ngũ quân Hy Lạp chạy sang hàng ngũ quân Tơroa, hoặc trở về quê hương Hy Lạp từ bỏ cuộc chiến đấu.
Thành Tơroa bị hạ. Pôlixen bị bắt làm tù binh. Quân Hy Lạp lúc này đã chuyển nàng sang bờ phía Tây (châu Âu) của biển Henlexpông. Chính lúc đó, vong hồn của Akhin hiện lên đời phải hiến tế nàng. Nàng Caxxăngđrơ cũng bị bắt và giải đi cùng với em, tha thiết van xin quân Hy Lạp đừng giết em gái mình. Cả chủ tướng tối cao Agamemnông cũng không muốn đem người con gái trẻ đẹp như thế ra làm lễ hiến tế. Nhưng danh tướng Uylix đòi hỏi mọi người phải tuân thủ sự đòi hỏi của vong hồn Akhin. Riêng Pôlixen, nàng không hề cầu xin một sự gia ân khoan hồng. Nàng xem ra sẵn sàng đón nhận cái chết. Người ta đoán có lẽ nàng chỉ nghĩ đến thân phận phải làm nô lệ mua vui cho các tướng lĩnh Hy Lạp, một thân phận nhục nhã, ê chề thì thà rằng chết đi còn hơn. Pôlixen thản nhiên đi đến trước bàn thờ Akhin quỳ xuống phanh áo ngực. Nêôptôlem xúc động, cầm kiếm đâm mạnh vào cổ Pôlixen. Máu chảy tràn ra, ghê rợn, khủng khiếp.
Đến chuyện trở về quê hương cũng lại xảy ra lắm điều rắc rối. Nữ thần Atêna không rõ vì chuyện gì, bất bình, gây ra mối bất hòa giữa hai anh em Atơriđ. Tổng chỉ huy Agamemnông muốn quân Hy Lạp ở lại trên đất Tơroa làm một lễ hiến tế trọng thể để cầu xin nữ thần nguôi giận. Và đoàn thuyền Hy Lạp chỉ khi nào đón nhận được điềm báo tốt lành mới nhổ neo hồi hương. Nhưng tướng Mênêlax chống lại ý định đó. Ông muốn cho quân sĩ lên đường ngay, ra đi sớm ngày nào hay ngày ấy, giờ ấy. Hai người tranh cãi với nhau suốt từ sáng đến chiều. Chẳng ai chịu nghe ai và chẳng đi đến một kết luận rõ ràng như thế nào cả. Thế là hai anh em Atơriđ ra lềnh triệu tập Đại hội binh sĩ, họp ngay, mà lúc đó chiều đã tàn, nắng đã tắt. Tuân theo lệnh hai vị chủ tướng, các tướng lĩnh và quân sĩ kéo đến quảng trường. Thật ra họ chẳng muốn họp, vì họ vừa mới ăn xong, miệng còn sặc hơi men và bước đi còn chếnh choáng. Đại hội cũng chẳng đem lại kết quả gì. Nói năng cãi vã với nhau một hồi lâu rồi cuối cùng đi đến một tình hình phân liệt. Quân Hy Lạp chia thành hai phái. Phái theo Mênêlax, sáng sớm hôm sau ra đi ngay. Phái theo Agamemnông ở lại để làm lễ hiến tế. Tướng Uylix, lão vương Nextor rồi tướng Philôctet, Điômeđ gia nhập vào phái Mênêlax. Họ ra đi đầu tiên dưới sự cầm đầu của Uylix. Nhưng thần Dớt lại giáng tai họa xuống họ. Một cuộc bất hòa xảy ra khi đoàn thuyền tới đảo Tênêđôx, khiến Uylix cùng một số anh em tách ra quay trở về Tơroa, nói là để thuyết phục Agamemnông. Số còn lại đi tới đảo Lexbôx thì Mênêlax đi sau anh em, đuổi kịp và nhập bọn.