Truyện vua Xidip (Sisyphe) phải chịu cực hình

257 1 0
                                    

Xưa có nhà vua Xidip, con của thần Gió Êôn (Eole) và nữ thần Ênarêta (Enareta) nổi danh là một con người mưu mẹo và xảo quyệt. Xidip đã dựng nên đô thành Êphia (Ephyre) mà sau này gọi là Côranhtơ, đã tạo lập nên cho mình một cơ đồ mà khó có một nhà vua nào có được. Người ta thường đồn đại về các kho vàng bạc châu báu của nhà vua ở nơi này nơi khác nhiều đến mức tính không xuể. Người ta cũng thường bàn luận đến cái tài làm giàu của Xidip với một thái độ chê cười và khinh bỉ, coi đó là sự táng tận lương tâm, sự thông minh một cách độc ác, bất nhân bất nghĩa. Thật đúng như một câu tục ngữ của chúng ta: có độc mới đủ có phủ như chó mới giàu. Xidip xấu xa như thế, nhiều tham vọng bẩn thỉu như thế nhưng lại luôn luôn tỏ ra là một người đạo cao, đức trọng, coi thường tiền bạc. Ông ta hay truyền giảng về đạo đức, bàn luận về lẽ sống, đạo lý làm người. Tất nhiên không tránh khỏi có một số người bị mắc lừa, lầm tưởng. Nhưng còn với số đông người thì ông ta chỉ là một kẻ đạo đức giả. Nhưng cuộc đời còn có công lý. Lẽ nào những kẻ như Xiđip lại cứ sống nhơn nhởn ra mà không bị trừng phạt? Đúng là như vậy. Cuộc đời còn có công lý. Và chính thần Dớt là người phải điều hành công lý cho xứng đáng là bậc phụ vương của các thần và những người trần thế. Dớt không thể chịu đựng được cái tên vua vô lại giàu đến nứt đố đổ vách ra mà lại đóng vai một kẻ truyền giảng đạo lý. Và vị thần tối uy, tối linh, toàn năng toàn quyền này bữa kia nổi trận lôi đình. Thần thét vang gọi thần Chết Tanatôx đến và ra lệnh phải tóm cổ Xidip lôi tuột xuống âm phủ cho sạch sẽ thế gian.

Thần Chết Tanatôx lên trần với sứ mạng bắt Xidip về vương quốc của thần Hađex. Không rõ bằng cách nào Xidip biết được vụ công cán này của Tanatôx. Và Xidip lập mưu bắt sống Tanatôx. Truyện xưa không kể lại rõ Xidip dùng mưu gì, chỉ biết Tanatôx chưa kịp thi hành phận sự thì đã bị Xidip trói gô cổ lại. Và thế là Tanatôx bị Xidip bắt làm tù binh, chân cùm, tay xích, cổ gông, đêm cũng như ngày bị giám sát nghiêm ngặt.

Việc thần Chết Tanatôx bị bắt khiến cho trật tự trong thế giới của thần Dớt cai quản bị đảo lộn. Không có ai là người nên dương gian bắt đi các linh hồn xuống âm phủ. Vì lẽ đó trong một thời gian khá dài những người trần đoản mệnh chúng ta chẳng có ai bị chết cả. Không có người chết thì thế giới của thần Hađex trở nên vô ích, chẳng có việc gì để làm cả, từ lão chở đò Kharông cho đến chó ngao Xerber, rồi các quan tòa... Nhưng tai hại hơn nữa là không có người chết thì không có cúng lễ, hiến tế. Lễ tang cũng chẳng có mà lễ gọi hồn cũng không, do đó các vị thần bất tử từ thần Dớt trên thiên đình cho đến thần Hađex dưới âm phủ không được hưởng chút bổng lộc, lễ vật nào cả. Thậm chí có vị thần bị đói vì trong khi đi công cán dưới trần không tìm được nơi nào cúng lễ để hưởng chiêu đãi. Tình hình này quả là không thể chấp nhận được. Rối loạn hết cả. Thần Dớt sau khi nghe các chư thần tường trình, liền ra lệnh.

- Hỡi Arex, đứa con trai hung hăng, ngỗ ngược của ta! Mau xuống trần giải thoát ngay cho Tanatôx đang bị tên vua Xidip cầm tù! Ta nhắc lại phải giải thoát ngay cho Tanatôx, không được chậm trễ.

Arex hét lên một tiếng kinh động trời đất rồi bay vụt xuống trần. Chỗ này không cần kể dài dòng mọi người cũng đoán biết được tình hình diễn biến thế nào. Bởi vì khi Dớt đã đích thân ra lệnh, phái thần Chiến tranh Arex đi thì dù Xidip có binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng phải khuất phục. Arex giải thoát cho Tanatôx. Và Tanatôx không quên thực thi cái sứ mạng mà thần Dớt đã giao cho là tước đoạt luôn linh hồn của Xidip đem về vương quốc của thần Hađex. Mọi việc tưởng như thế là xong. Ấy thế mà vẫn chưa xong.

Thần thoại Hy LạpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ