Nguồn gốc cuộc chiến tranh thành Tơroa

1.1K 0 0
                                    

Nguồn gốc cuộc chiến tranh thành Tơroa: Từ "Quả táo của mối bất hòa" đến việc Helen bị Parix quyến rủ.

Thuở ấy có một hôm nữ thần đất Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, lên đỉnh Ôlanhpơ van xin với thần Dớt hãy làm cách gì cho cái gánh nặng loài người trên vai nữ thần giảm bớt đi, vì lẽ nó quá nhiều, quá nặng khiến nữ thần không thể chịu đựng nổi. Thần Dớt suy nghĩ hồi lâu không biết làm cách gì để vừa lòng nữ thần Mẹ Đất - Gaia. Loài người từ thuở khai sinh ra đến nay tuy chưa được bao lâu nhưng đã sinh sôi nảy nở khá là nhanh. Mặt đất rộng mênh mông là thế mà nay thấy đâu đâu cũng có người, đi đâu cũng gặp người, rặt những người là người. Chỉ có cách gây ra một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp với người Tơroa thì mới có thể giảm bớt được cái gánh nặng loài người mà nữ thần Gaia phải kêu ca, khiếu nại. Nghĩ thế, thần Dớt bèn nói cho nữ thần Mẹ Đất - Gaia biết để yên lòng. Tiếp đó, Dớt cho nữ thần Êrix - Bất Hòa (Éris) người em gái sinh đôi với thần Chiến tranh Arex, đến và giao cho nhiệm vụ phải gây ra một cuộc xung đột giữa người Hy Lạp và người Tơroa.

Cũng vào quãng thời gian đó, trên thiên đình xảy ra một cuộc tranh chấp giữa thần Dớt và thần Pôdêiđông. Số là hai vị thần đều muốn lấy nữ thần Biển Thêtix (Thétis), con gái của vị thần Biển già, đầu bạc Nêrê, làm vợ. Cuộc tranh chấp tuy chưa ngã ngũ song các vị thần Ôlanhpơ đều biết trước Dớt sẽ giành phần thắng. Xảy ra chuyện Prômêtê lấy cắp lửa trên thiên đình đem xuống cho những người trần thế đoản mệnh, Dớt trừng phạt Prômêtê, và lời tiên đoán của Prômêtê: Dớt sẽ bị truất ngôi vì một đứa con do một cuộc hôn nhân sinh ra. Nhưng cuộc hôn nhân ấy là cuộc hôn nhân nào? Dớt lấy ai? - thì Prômêtê quyết không nói. Cuối cùng Dớt phải nhượng bộ Prômêtê, cởi bò xiềng xích cho Prômêtê để biết được điều bí mật: Thêtix. Phải! Đúng! Nếu Dớt lấy nữ thần Biển Thêtix thì sẽ sinh ra một đứa con, đứa con này sẽ có sức mạnh và quyền uy hơn bố nó. Và nó sớm muộn sẽ truất ngôi của bố nó. Để trừ khử hậu họa, theo lời khuyên của Prômêtê, các vị thần Ôlanhpơ nên gả nữ thần Biển Thêtix cho người anh hùng Pêlê. Và cuộc hôn nhân này sẽ sinh ra một người anh hùng danh tiếng vang dội trời xanh, một người anh hùng vĩ đại mà chiến công có thể sánh ngang với thần thánh.

Có chuyện lại kể, không phải thần Prômêtê tiên đoán mà chính là nữ thần Công Lý - Thêmix (Thémis) phải can thiệp vào cuộc tranh chấp. Nữ thần Thêmix đã tiên đoán cho hai vị thần Dớt và Pôdêiđông biết, đứa con trai của cuộc hôn nhân này, cuộc hôn nhân nếu xảy ra với bất cứ ai, Dớt hay Pôdêiđông đi nữa, thì sau này đứa con đó lớn lên sẽ mạnh hơn bống, sẽ lật đổ uy quyền của bố nó.

Nhưng việc gả một nữ thần cho một người trần thế đoản mệnh đâu có phải dễ dàng. Các vị thần phải họp bàn cái đã. Và Hội nghị thần thánh quyết định: Pêlê muốn cưới được Thêtix thì phải chiến thắng được nàng trong một cuộc giao đấu tay đôi.

Tới đây hẳn chúng ta ai cũng muốn biết về Pêlê. Chàng là người ở đâu? Lai lịch, dòng dõi như thế nào mà lại được kết hơn với một vị nữ thần? Kể ra nếu truy xét tận ngọn nguồn thì Pêlê mang trong mình dòng máu của thần vương Dớt tối uy tối linh. Thần Dớt kết duyên với tiên nữ Nanhphơ Êgin (égine) con gái của thần Sông Adôpôx (Asopos) sinh ra một người con trai tên là Ơac (đúng hơn phải nói là bắt cóc nàng đưa đến đảo Oinône). Ơac trị vì ở hòn đảo Êgin. Ông sinh được ba con trai: Pêlê, Têlamông và Phôcôx. Trong một cuộc thi đấu, hai anh em Pêlê và Têlamông ghen tức với Phôcôx. Ơac nổi giận đuổi thẳng hai đứa con vô đạo. Pêlê sang trú ngụ ở Phtiôtiđ (Phtiotide) được nhà vua xứ này tên là Ơrixiông làm lễ rửa tội. Hơn nữa, nhà vua lại gả con gái là nàng Ăngtigôn cho làm vợ. Trong cuộc săn con lợn rừng Caliđông, Pêlê vô tình đã gây ra cái chết thảm thương cho ông bố vợ. Chàng lại phải ra đi sang xứ Iôncôx xin nương nhờ dưới trướng nhà vua Acaxtơ (Acaste) con của Pêliax. Nữ hoàng Axtiđami (Astydamie) vợ vua Acaxtơ đem lòng yêu mến chàng, đã nhiều lần tỏ tình nhưng bị chàng khước từ. Tức giận, Axtiđami trả thù. Bà ta viết một bức thư gửi cho Ăngtigôn bịa chuyện Pêlê đã phụ bạc nàng kết duyên với một người khác. Bị xúc phạm, Ăngtigôn treo cổ tự tử. Chưa hết, Axtiđami còn tâu với chồng rằng, Pêlê có tình ý với mình, mưu toan ve vãn, quyến rũ mình. Vua Acaxtơ nổi giận đẩy Pêlê lên ngọn núi Pêlicông. Trước khi Pêlê bị áp giải đi, nhà vua trong một cuộc đi săn, lợi dụng lúc Pêlê ngủ, lấy trộm thanh kiếm thần của Pêlê giấu đi với hy vọng rằng mất vũ khí này thì Pêlê khi bị đày lên ngọn núi Pêlicông sẽ bị bầy Xăngtor xé xác. Nhưng thần Xăngtor thông thái và hiền minh Khirông biết được chỗ giấu thanh kiếm đã giúp Pêlê tìm lại. Vì thế khi bầy Xăngtor man rợ và hung dữ lao vào chàng đã bị chàng đánh cho thất điên bát đảo, bỏ chạy tán loạn. Sau đó chàng trở về Iôncôx trừng phạt Acaxtơ và Axtiđami, rồi lên làm vua.

Thần thoại Hy LạpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ