Ở đảo Síp có một vị vua đồng thời lại là một nhà điêu khắc đại tài tên gọi là Pigmaliông (Pygmalion). Không rõ trong đời riêng có gặp chuyện gì bất hạnh mà Pigmaliông, lại theo như những người chung quanh nhận xét, nuôi giữ một mối ác cảm với phụ nữ nói chung, không phân biệt kẻ hay, người dở, vì thế mà quyết định sống độc thân suốt đời. Pigmaliông quả thật chẳng hề bận tâm suy tính đến những chuyện mà người mất tình yêu của chàng đối với nghệ thuật điêu khắc. Chàng thường nghĩ, chỉ cần yêu nghệ thuật cũng đủ rồi. Tình yêu đó thật cao thượng đẹp đẽ, thật lớn lao và phong phú. Nó cũng đem lại sự say mê đắm đuối, nhớ nhung, khắc khoải, thao thức, sướng vui chẳng khác chi tình yêu đối với một người phụ nữ. Và, cũng theo chàng nghĩ, nó cũng đem lại cho chàng những phút dằn vặt, khổ đau, bực bội, quằn quại, day dứt trong lòng. Nhưng kỳ lạ sao, chàng lại tìm thấy ở đó một hạnh phúc lớn lao, một niềm tin trong sáng vào cuộc đời và con người, một khát vọng được sống say mê, sôi nổi hơn nữa, được suy nghĩ, được khổ đau vì nghệ thuật hơn nữa. Còn phụ nữ, chàng thở dài, đàn bà thì dù sao cũng cứ là đàn bà!
Nhưng chàng lại đang say mê tạc bức tượng một người đàn bà, đúng hơn, tạc bức tượng một thiếu nữ, một người thiếu nữ xinh đẹp bằng ngà voi trắng muốt. Chàng làm việc quên ăn, quên ngủ. Hết đêm lại đến ngày, hết ngày này lại sang ngày khác. Pigmaliông cặm cụi với bức tượng của mình. Chàng vui sướng khi bức tượng từ một chiếc ngà voi khổng lồ cong vút dần thành hình, thành dáng như người thiếu nữ trong trí tưởng tượng của chàng. Chàng xót xa trước mỗi nhát gọt, nhát đục không chính xác như xót xa đã phạm tội bất kính với thần thánh. Nhưng rồi bàn tay khéo léo của chàng đã làm cho người thiếu nữ ngày càng đẹp hơn lên. Dường như chàng muốn tạo ra một người phụ nữ thật đẹp đẽ, thật hoàn thiện để nói với người đời rằng, người phụ nữ đích thực phải đẹp như thế, phải hoàn thiện như thế, như bức tượng chàng sáng tạo ra đây này. Bức tượng được hoàn thành, Pigmaliông hết sức hài lòng và sung sướng trước thành công của mình. Chàng say sưa ngắm nghía nó và càng ngắm nghía, suy tưởng trước vẻ đẹp của tác phẩm chàng lại càng yêu quý, say mê người thiếu nữ ngà voi do chàng sáng tạo ra. Có những lúc chàng tưởng chừng như đây là một con người thật, một người thiếu nữ bằng da bằng thịt có một sắc đẹp chiếm đoạt tâm hồn con người mà trong đời chàng có một đại lần thoáng gặp song nhớ mãi. Nhiều lúc chàng tưởng như người thiếu nữ ấy đang muốn nói với mình nhiều điều lắm, nhiều lắm, nhưng nói những gì thì chàng cũng không rõ nữa. Và cứ thế ngày này qua ngày khác, Pigmaliông bị sắc đẹp diệu kỳ, bí ẩn của bức tượng người thiếu nữ chinh phục. Chàng đeo vào bộ ngực trần của người thiếu nữ chuỗi ngọc, chàng mặc thêm cho người thiếu nữ tấm áo lụa mỏng, chàng đội lên đầu bức tượng vòng hoa nguyệt quế, vòng lá ôlivơ. Và chàng tưởng như nàng, người thiếu nữ bằng ngà voi đó hết sức cảm động trước tình yêu chân thành của chàng mà không nói được nên lời. Nhiều lúc Pigmaliông đứng lặng hồi lâu trước bức tượng và từ trái tim chàng cất lên những tiếng thì thầm như gió thoảng:
- Em! Em!... Có thể nào như thế được không? Em! Em! Em nhìn đi đâu? Kìa em, sao em không nói?...
Nhưng nghệ thuật vẫn là nghệ thuật và cuộc đời vẫn là cuộc đời. Nghệ thuật dẫu sao cũng chẳng thay thế được cuộc đời và đẹp đẽ, sinh động như cuộc đời thực. Pigmaliông đặt bàn tay nóng ấm của mình lên vai người thiếu nữ. Một cảm giác khô cứng, giá lạnh thực sự truyền vào người chàng, thức tỉnh ảo mộng của chàng. Chàng thất vọng gục đầu xuống chân bức tượng. Tất cả những gì diễn ra trong căn nhà của người nghệ sĩ điêu khắc giàu trí tưởng tượng ấy, không ai biết cả. Duy chỉ có nữ thần Aphrôđitơ biết. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp hết sức xúc động trước tình yêu mãnh liệt và sự rung động nồng cháy của tâm hồn người nghệ sĩ Pigmaliông.
Ngày lễ nữ thần Aphrôđitơ tới như thường lệ. Đảo Síp tưng bừng trong cảnh những đại trai gái nô nức kéo nhau đến đền thờ nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp để cầu nguyện cho tình yêu và hạnh phúc. Người ta đem đến đền thờ những con bò cái có bộ lông trắng muốt như tuyết, có bộ sừng vàng để làm lễ hiến tế. Hương thơm bay ngào ngạt, lan tỏa đi khắp mọi nơi trên đảo, Pigmaliông cũng đem những lễ vật tới dâng lên bàn thờ nữ thần Aphrôđitơ. Chàng thì thầm cầu nguyện:
- Hỡi nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp! Nàng Aphrôđitơ tóc vàng! Cầu xin nữ thần với quyền lực vô biên của mình ban cho tôi một người vợ xinh đẹp, duyên dáng như người thiếu mà tôi đã sáng tạo ra, như bức tượng bằng ngà voi trong căn phòng vắng vẻ của tôi!
Chàng chẳng thể cầu xin gì thêm nữa, nhiều nữa vì chàng e sẽ phạm tội bất kính đối với thánh thần. Nhưng nữ thần Aphrôđitơ đã chấp nhận lời cầu xin của chàng. Ba lần ngọn lửa thiêng liêng trước bàn thờ dưới chân bức tượng nữ thần Aphrôđitơ bùng cháy bốc lên cao, rực sáng thì cũng là ba lần Pigmaliông nhìn thấy với biết bao hồi hộp.Pigmaliông trở về nhà. Chàng đẩy cửa. Kìa lạ lùng sao, người thiếu nữ của chàng nhìn chàng đăm đắm và đẹp đẽ hơn lên gấp bội phần, tươi tắn, sinh động hơn lên gấp bội phần! Chàng tiến đến bên nàng, đặt tay lên vai nàng. Một cảm giác nóng ấm, mềm mại, hấp dẫn truyền nhanh vào người chàng khiến chàng ngỡ ngàng, lùi lại một bước. Nhưng người thiếu nữ đã nhoẻn miệng cười. Nàng rời khỏi bệ và ngả người vào trong vòng tay của chàng. Ước nguyện của Pigmaliông đã được thực hiện. Bức tượng đã được Aphrôđitơ biến thành người thật. Pigmaliông đặt tên cho vợ mình là Galatê(1). Đôi vợ chồng sống với nhau thật đầm ấm, hạnh phúc. Họ sinh được một con trai đặt tên là Paphôx(2) lớn lên kế nghiệp cha làm vua. Chàng cho xây dựng Galatée, Galatéa, một đô thành trên đảo Síp và lấy tên mình đặt tên cho đô thành. Chàng cũng cho xây một đền thờ khá nguy nga để hiến dâng cho nữ thần Aphrôđitơ. Và vì lẽ đó nữ thần Aphrôđitơ có một (trong những) biệt danh là Paphôx. Ngày nay trong văn học thế giới, Pigmaliông chuyển nghĩa, chỉ một con người quá say sưa, yêu mến, tán thưởng công trình tác phẩm, công việc của mình đến nỗi mất cả sự tỉnh táo khách quan.
[(1) Galatée, Galatéa
(2) Paphos, tiếng Hy Lạp nghĩa là "cảm hứng, xúc động, nhiệt tình"]