LÀNG - KIM LÂN

2 1 0
                                    

LÀNG - KIM LÂN

A. Tác giả

- Kim Lân là nhà văn có sở trường viết truyện ngắn

-Ông sống gần gũi và có sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống nông thôn và người nông dân. Vì lẽ đó, các tác phẩm của Kim Lân chủ yếu tập trung ở đề tài nông dân và nông thôn.

B .Tác phẩm

1. Giới thiệu khái quát

- Truyện làng được viết năm 1948 trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Truyện khai thác một tình cảm bao trùm và phổ biến trong con người thời kháng chiến: tình yêu quê hương, đất nước. Nhân vật chính ông Hai vừa mang những nét riêng của cá nhân vừa điển hình cho tâm lí chung của người nông dân lúc bấy giờ.

2. Phân tích

a. Tình yêu làng ở nhân vật ông Hai

- Trong kháng chiến chống Pháp, tình cảm yêu quê hương, đất nước là một tình cảm mang tính cộng đồng. Nhưng thành công của Kim Lân là đã diễn tả tình cảm, tâm lí chung ấy ở một con người - nhân vật ông Hai, vì thế nó là tình cảm chung mà lại mang màu sắc riêng, in rõ cá tính nhân vật.

+Trước tản cư, ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông bằng một tình cảm thật đặc biệt. Những biểu hiện tình cảm ấy ở ông cũng rất đặc biệt: ông say mê kể về làng trong niềm tự hào bất tận, đi đến đâu ông cũng khoe làng ông nhà ngói san sát, đường lát đá xanh, khoe cả cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông...

+ Khi buộc phải đi tản cư, ông vẫn luôn nhớ, luôn tìm cách nghe ngóng tin tức tình hình ở làng mình bằng việc ngày ngày đến phòng thông tin đọc báo ( thực chất là nghe lỏm) và lại tiếp tục khoe về cái làng chợ Dầu không chỉ giàu đẹp mà còn có tinh thần kháng chiến kiên cường. Mỗi khi nhắc đến "hai con mắt ông sáng hẳn lên".

à Làng chợ Dầu như trở thành một phần máu thịt của ông Hai.

b. Diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

- Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay gắt để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông. Tình huống ấy là cái tin làng ông theo giặc.

- Cái tin ấy đến với ông vào một buổi trưa giữa lúc tâm trạng ông đang rất phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta đánh thắng giặc. Cái tin ấy đến với ông quá đột ngột .Ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: "cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được". Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy". Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ "vừa ở dưới ấy lên" làm ông không thể không tin.

- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt, đau đớn tủi hổ tột cùng. Ông tìm cách lảng tránh những lời bàn tán và cúi gằm mặt xuống ra về. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông "cúi gằm mặt mà đi", về đến nhà ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân nhìn đàn con, "nước mắt ông lão cứ giàn ra". Bao nhiêu câu hỏi dồn về xoắn xuýt, bủa vây làm tâm trạng ông rối bời trong cơn đau đớn, hụt hẫng đến mê dại, dữ dằn và gay gắt.. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy.

- Suốt mấy ngày ông không dám đi đâu. Ông quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. "Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến "cái chuyện ây". Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam -nhông... là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!"

- Tình thế của ông Hai và gia đình càng khốn đốn hơn khi mụ chủ nhà ngỏ ý không co gia đình ông ở trọ nữa. Nhưng chính lúc này, tình cảm đẹp trong con người ông Hai lại càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Trong lúc dường như đã tuyệt đường sinh sống, ông Hai thoáng có ý nghĩ: "Hay là quay về làng". Nhưng rồi ông cảm thấy "rợn cả người". Ông đã từng nhớ làng da diết, từng ao ước được trở về làng. Nhưng "vừa chớm nghĩ, lập tức ông lão phản đối ngay" bởi vì "về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ". Cuối cùng ông đã quyết định: "không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù".Có thể thấy ở ông Hai, tình yêu nước rộng lớn đã bao trùm lên tình cảm với làng quê . Nhưng dù đã xác định như thế, tận sâu đáy lòng, ông vẫn không thể dứt bỏ cái làng chợ Dầu của mình, vì thế, nỗi đau trong ông càng giằng xé tâm can.

- Trong tâm trạng bị dồn nén, bế tắc, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con nhỏ.

+ Qua những lời tâm sự với con mà thực chất là tâm sự với mình, ta thấy rõ ở ông Hai tình yêu sâu nặng với cái làng chợ Dầu. Dù thế nào, ông vẫn cứ yêu, cứ nhớ và muốn đứa con nhỏ của mình khắc ghi cái gốc rễ thiêng liêng "Nhà ta ở làng chợ Dầu".

+ Khi tâm sự với đứa con nhỏ còn rất ngây thơ, nghe con nói: "Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh", nước mắt ông Hai cứ giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má, giọng ông như nghẹn lại: "ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ. Ông nhắc con- cũng là tự nhắc mình "ủng hộ cụ Hồ Chí Minh". Tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng: "Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ đám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ đám đơn sai".

c. Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai khi nghe tin làng kháng chiến (Niềm vui của ông Hai khi tin đồn được cải chính)

- Đến khi biết đích xác làng Dầu yêu quý của ông không phải là làng Việt gian, nỗi vui mừng của ông Hai thật là vô bờ bến: "Ông cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người", mặt ông "tươi vui, rạng rỡ hẳn lên". Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời, vậy mà ông sung sướng hể hả loan báo cho mọi người biết cái tin "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ" một cách tự hào như một niềm hạnh phúc thực sự của mình. Đó là nỗi lòng sung sướng trào ra hồn nhiên như không thể kìm nén được của người dân quê khi được biết làng mình là làng yêu nước dẫu cho nhà mình bị giặc đốt. Tình yêu làng, yêu nước vô cùng sâu sắc đã được thể hiện theo cái cách mộc mạc đậm chất nông dân...Niềm vui, nỗi buồn của ông đều gắn bó với làng. Lòng yêu làng của ông chính là cội nguồn của lòng yêu nước.

3.Đánh giá về nội dung và nghệ thuật

-Làng là một trong những truyện ngắn thành công nhất khắc hoạ vẻ đẹp của người nông dân thời chống Pháp.

- Nghệ thuật:

+ Truyện xây dựng theo cốt truyện tâm lí. Tác giả sáng tạo tình huống có tính căng thẳng, thử thách ở nội tâm nhân vật, từ đó bộc lộ đời sống tình cảm và tư tưởng của nhân vật.

+Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, sinh động cụ thể.

+Ngôn ngữ nhân vật sống động

+ Cách trần thuật linh hoạt, tự nhiên

tài liệu ôn thi vào 10 ( văn )Where stories live. Discover now