I. Một số điều lưu ý giúp học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội:
1. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ:
- Thí sinh phải trình bày theo đúng hình thức của một đoạn văn. Tức là không được xuống dòng hay gạch đầu dòng.
- Tránh tình trạng viết quá sơ sài hoặc quá dài dòng. Dung lượng hợp lý nhất là khoảng 20-25 dòng (2/3 tờ giấy thi). Tuy nhiên các em không nên cứng nhắc chỉ viết đúng 200 chữ và ngồi đếm lại. Các em có thể viết thêm vài dòng cũng không ảnh hưởng đến kết quả. Giám khảo sẽ không ai ngồi đếm số câu, số chữ nên các em có thể hoàn toàn yên tâm miễn sao là bài viết đủ ý, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả.
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần / câu mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề nên có một câu gắn gọn nêu ý nghĩa, nội dung, ý nghĩa hoặc quan điểm cá nhân của người viết để bài văn được sâu sắc hơn. Nếu như đề thi yêu cầu viết bài văn thì các em trình bày đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
2. Chú ý về mặt nội dung viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
- Cần xác định kiểu bài/ đoạn NLXH thuộc dạng tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống để viết cho đúng:
+ Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tư tưởng đạo lý cần có các ý cơ bản sau: Giải thích tư tưởng, đạo lý; biểu hiện cụ thể; phân tích và chứng minh vấn đề; mở rộng vấn đề; nêu ý nghĩa và bài học nhận thức...
+ Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về đời sống cần nêu được: Nêu hiện tượng đó (biểu hiện, mức độ...). Phân tích nguyên nhân, tác động tích cực/tiêu cực của hiện tượng đó. Bài học suy ngẫm của bản thân...
- Học sinh có thể viết linh hoạt theo ý của mình, cần có yếu tố sáng tạo. Tuy nhiên, các em cần bám sát vấn đề trọng tâm đề cho để tránh viết lan man, máy móc, sáo rỗng.
- Dẫn chứng không nên quá dài dòng, mơ hồ chung chung. Chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu để bài làm sâu hơn và thuyết phục hơn.
3. Thời gian: viết đoạn văn NLXH tích hợp từ đọc hiểu các em nên phân bố thời gian hợp lý (thường khoảng 20 -30 phút) để dành thời gian cho đọc hiểu và viết chỉn chu bài nghị luận văn học.
II. Các dạng đề cơ bản:
1. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.
a. Mở đoạn:
Sử dụng một đến hai câu để dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận. ( Nếu vấn đề được đưa ra từ một tác phẩm văn học thì cần giới thiệu từ tác phẩm rồi khái quát vấn đề trong xã hội).
b. Thân đoạn: ( Tùy theo nội dung mà có thể giải thích ngắn gọn hoặc đưa ra khái niệm)
Cần đảm bảo các nội dung sau:
- Giải thích khái niệm( nếu có)
- Nêu được thực trạng của vấn đề (có dẫn chứng, số liệu cụ thể)
- Nguyên nhân của vấn đề (vận dụng kiến thức để giải thích rõ nguyên nhân của vấn đề)
- Hậu quả (hoặc kết quả) của vấn đề ( kết hợp đưa dẫn chứng, số liệu để làm rõ hậu quả hoặc kết quả của vấn đề)
- Đưa ra các giải pháp để thực hiện vấn đề. Trình bày các biện pháp để khắc phục hạn chế hoặc phát huy mặt ưu điểm (thường xoay quanh các nguyên nhân đã nêu)
- Nêu lên những việc cần thiết bản thân cần thực hiện cũng như trách nhiệm của cộng đồng, của thế hệ trẻ hiện nay.
c. Kết đoạn: Sử dụng một câu văn để khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng của vấn đề.