Ngày ... tháng ... năm ...
Kỷ Lăng trong mắt của ông bà Kỷ là một đứa trẻ hiếu thảo, anh luôn yêu thương họ theo cách của mình.
Anh từng nói, không phải vì sợ sau này quả báo, con anh sẽ không hiếu thảo mà là sợ anh không đủ sức để hiếu thảo với cha mẹ cho tới ngày họ nhắm mắt xuôi tay.
Vì thế mỗi ngày Kỷ Lăng đều gọi về hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ ở London dù là ở công ty hay ở nhà.
Có hôm anh ốm nặng, đến nỗi sốt liên tục trong 24h. Chuyện đầu tiên sau khi anh mở mắt dậy chính là gọi cho cha mẹ mình. Đến bây giờ, đó đã là một thói quen không thể bỏ.
Tiểu Mạch luôn hiểu được tầm quan trọng của ông bà đối với cha ra sao, vì vậy thằng bé chưa từng cũng không dám nghĩ đến chuyện khiến ông bà buồn lòng.
Có một dịp mẹ chồng tôi bệnh nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi. Ba Kỷ gọi điện đau khổ kêu anh sang nhìn mặt lần cuối, nhưng vì thời tiết xấu nên chuyến bay phải hoãn lại, đành chờ đến sáng ngày hôm sau.
Đêm đó với anh dường như là vô tận, tôi thức cùng anh. Cả đêm anh không ngủ, mắt đỏ hoe, cả tuần nay anh thức khuya không ít. Được năm phút lại lật đồng hồ ra xem, rồi lại nhíu mày vò đầu bứt tóc, trán anh mồ hôi chảy nhễ nhại.
Nhìn thấy anh tôi không biết phải làm sao, lần đầu tiên anh trở nên yếu đuối đến vậy, chỉ biết giữ anh ngồi bên cạnh lau mồ hôi trấn an, "Anh ngủ một chút đi, đến giờ em gọi anh dậy, cả tuần nay anh không có ngày nào ngủ đủ giấc cả."
Anh lắc đầu, đôi mắt anh dường như lộ vẻ sợ hãi khó tả, anh không dám ngủ, anh sợ khi anh nhắm mắt ngủ, lúc tỉnh dậy sẽ nhận được hung tin.
Anh run rẩy, "Anh không thể để mẹ chịu đựng cơn đau như vậy, anh không thể ngủ, cũng không muốn ngủ."
Tôi bất lực ôm lấy anh mà khóc, cũng không dám khóc lớn, sợ anh lại thêm phiền não.
Kỷ Lăng của tôi cũng yếu đuối như bảy tỷ người trên thế giới, chỉ là anh có sức chịu đựng tốt hơn những người xung quanh mà thôi.
Khi chúng tôi qua đến London thì bệnh tình của mẹ Kỷ khá hơn rất nhiều, bác sĩ nói, bệnh của bà là do thương nhớ con mà ra. Từ đó, một tháng Kỷ Lăng đều về thăm ông bà vài lần.
Có lần anh sang London công tác, đưa tôi và Tiểu Mạch theo cùng. Khoảng thời gian đây tôi thường hay đưa mẹ chồng đi dạo ngoài vườn, bác sĩ nói cỏ cây hoa lá sẽ làm cho bệnh tình của bà khá hơn.
Mẹ Kỷ là một phụ nữ lai Tây, tuổi của bà xấp xỉ chín mươi nhưng nét đẹp vẫn còn đọng lại trên gương mặt đầy vết chân chim ấy. Tôi thực sự ngưỡng mộ vẻ đẹp này.
"Mẹ là người lai nhưng sao Kỷ Lăng lại không có nét lai chút nào nhỉ?" tôi thắc mắc từ lâu, bây giờ có dịp ngắm kỹ người phụ nữ này câu hỏi ấy lại một lần nữa nhảy múa trong đầu tôi.
Mẹ Kỷ cười, "Không giống cũng phải, nó có phải con ruột của chúng ta đâu."
Tôi hoàn toàn bất ngờ về chuyện này, anh chưa bao giờ kể cho tôi nghe. Nhìn thấy tôi ngạc ngiên, mẹ lại cười.
"Con đừng trách thằng bé, chuyện này không một ai biết cả, nó cũng không muốn cho bất kỳ ai biết."
Tôi nói nhỏ, "Anh ấy sợ mọi người cười chê ạ?"
"Không, nó không muốn mọi người nhìn ta và cha nó bằng đôi mắt cảm thông. Ngày còn trẻ ta từng xảy thai, và từ đó ta không còn khả năng làm mẹ nữa, ta trở nên điên loạn phải vào viện điều trị dài hạn. Cho đến khi gặp được thằng bé, Kỷ Lăng là do ta quá khao khát được làm mẹ mà nhận nuôi."
Cuối cùng tôi đã hiểu vì sao ngày tôi xảy thai anh lại sợ hãi như vậy, không phải vì tôi mất đứa con mà là vì sợ nhìn thấy tôi lại đau khổ như mẹ anh. Và cũng nhận ra suy nghĩ của tôi thực quá đơn giản, tất cả những việc anh làm kể cả giấu tôi không phải vì anh mà là vì mẹ.
Kỷ Lăng ngày trước là một đứa trẻ bốn tuổi xin ăn ngày ngày đi ngang qua cổng bệnh viện, ở đây anh gặp mẹ Kỷ. Tối tối anh đều đi đến trước cổng chào mẹ, cho đến một ngày mẹ giữ anh lại, hỏi có muốn làm con của mẹ không? Anh gật đầu rồi ôm chặt lấy mẹ.
Tôi lại cảm thán, "Anh ấy thực sự rất hiếu thảo với mẹ, con thật ngưỡng mộ."
Bà nói, "Nó vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, cho tới khi gặp được con."
Lần đầu tiên Kỷ Lăng uống rượu và đi qua đêm.
Mẹ Kỷ lo sốt vó, sợ anh bỏ nhà ra đi, bỏ bà ở lại, bà đã khóc cả đêm ấy, sáng hôm sau trông bà gầy đi rất nhiều vì đau buồn. Anh về đến nhà, thấy mẹ như vậy liền đau lòng quỳ trước mặt mẹ mà tạ lỗi, sau đó lại ôm chân mẹ khóc lớn, thì ra anh thất tình, mà kẻ khiến anh thất tình đó lại là tôi. Khi đó anh chưa kịp tỏ tình thì tôi đã nhận lời yêu Minh Hạo mất rồi.
Khi làm thủ tục giấy khai sinh, anh đã thể hiện mình là một đứa trẻ đầy hiểu biết.
Mẹ Kỷ: "Con muốn chọn tên gì?"
Tiểu Lăng: "Con muốn tên nghe thật oách."
Mẹ Kỷ: "Tên Thiên nhé? Tên Thiên rất oách."
Anh lắc đầu nguầy nguậy nói, "Chẳng oách tý nào."
"Vậy tên gì mới oách?"
"Tôn Ngộ Không."
"..."
Thời đó Tây Du Ký đang là một bộ phim tung hoành ngang dọc. Bây giờ tôi mới nhận ra, thì ra Kỷ chủ tịch anh cũng từng có tư duy của một đứa trẻ trước khi dậy thì thành công.
Tôi nghe mẹ chồng kể lại, ngày xưa anh cực kỳ ngoan, ngoan đến nỗi có một lần đi chơi quên xin phép mẹ. Lúc về ba Kỷ có răn dạy vài câu, anh đã cúi đầu tụt quần nằm úp lên ghế chờ ăn đòn của mẹ.
Tôi thật không thể hiểu nổi, một đứa trẻ ngoan như anh tại sao lại nặn ra một Kỷ Túc Mạch tính cách khác hẳn anh lúc nhỏ như vậy?
Sau này tôi trách anh tại sao không nói tôi nghe chuyện anh là con nuôi. Anh nhìn tôi cười nói, "IQ của em kém lắm rồi, anh không muốn đả kích thêm nữa."
Tôi tức giận, "Cũng không bằng kẻ chỉ vì muốn một cái tên thật oách vào giấy khai sinh mà chấp nhận làm khỉ!"
Anh: "..."
Lần đầu tiên trong lịch sử anh chấp nhận thua tôi, thật đáng ghi tên vào sử sách của dân tộc, cuộc đời tôi xem như Cách mạng thắng lợi mỹ mãn.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Hiện Đại] Hồi Ức Của Chúng Ta
RomanceHỒI ỨC CỦA CHÚNG TA Tác giả: Bún Thể loại: hài, HĐ, HE, sủng. Nam chính: Kỷ Lăng Nữ chính: An Hạ