Chương 2: Mẫu đơn Triệu Phấn

288 7 0
                                    

Mùa hè năm Lập Nguyên thứ sáu, kinh thành trời nóng như đổ lửa, ngay cả nhà ta vườn cây tỏa bóng cũng không ngăn nổi cái nóng hừng hực đến khó chịu, chậu hoa thanh tú cạnh bậu cửa sổ là loài chịu nóng tốt vậy mà héo úa hơn nửa. Cha dẫn ta đến thôn Yên Thùy tránh nóng.

Nằm ở phía nam ngoại thành Đại Mạc dưới chân núi Tử Sơn, vào hạ gió thổi từ biển băng qua bình nguyên rộng lớn của Nam Chiếu mang theo hơi ẩm bị Tử Sơn chặn lại tạo thành từng đợt mưa lớn tưới mát cho Yên Thùy nên đây là nơi mà tầng lớp quý tộc khắp cả nước thường đến tránh nóng.

Tuy nhiên năm ấy tin tức Đại Phù chuẩn bị tấn công lan rộng khắp kinh thành, bọn họ chỉ lo thu dọn tài sản mà chạy giặc chứ làm gì có tâm trạng nghỉ mát như cha ta.

Sau khi giúp Xương Long đế giành lại Đại Mạc từ tay Liễu thái hậu, cha ta được phong làm thừa tướng nhưng tính cách thô lỗ của kẻ đồ tể đã từ lâu ăn sâu vào máu thịt ông, sợ bản thân làm quan thì hỏng cả bộ mặt quốc gia. Rõ ràng là ông lười biếng, suy nghĩ cổ hủ kỳ thị những lão già văn chương đầy mình trên quan trường nên mới kiếm cớ từ chối. Người ta nói cha nào con nấy quả không sai, ta lớn lên cũng nhiễm thói xấu chây lười của ông ngày ngày chỉ biết chạy chơi đầu đường xó chợ nhưng ông tuyệt đối không thể làm gì ta vì mỗi lần có ý định chửi mắng là ta lại lôi chuyện cũ ra chọc khoáy.

"Nếu ngày xưa cha cũng chăm chỉ cần cù ra làm thừa tướng giúp dân thì ít nhất bây giờ con cũng là thư đồng của thái tử rồi."

Thế là cha ta im bặt, trợn trừng mắt tức tối nhìn ta không đáp lại được. Ta cũng chỉ học hỏi ông thôi mà.

Ngày trước hành quân qua Yên Thùy cha ta có quen một người họ Dương có kỹ nghệ thêu đứng đầu cả nước về lối thêu chặn truyền thống của thôn. Khi cùng cha đến thăm người đó ta thật sự kinh ngạc đến không nói nên lời vì "người bạn" trong lời kể của cha ta đã bạc trắng cả đầu rồi, lúc đó chỉ có một cảm nghĩ không lẽ cha ta đã già đến mức ấy rồi hay sao, không đúng ông suốt ngày ngoài chặt thịt thì là uống rượu với Bàng thúc đến đứa con là ta mà còn chẳng quan tâm chứ nói gì đến lo nghĩ sinh bạc đầu.

"Lão Dương hơn ta nhiều tuổi nhưng trí tuệ minh mẫn tinh thần sảng khoái, kết làm bằng hữu chủ yếu là dựa vào cái tinh thần đó, tính tuổi tác làm cái khỉ gì?"

Lão Dương đứng đó cười hiền, phong thái thanh tao nhã nhặn, nhấc tay nhấc chân mang đầy khí chất. Nhìn lại cha ta đang ngửa mặt cười ha hả, giọng nói thì oang oang, ta lòng đầy nghi ngờ là ông hòng quỵt nợ mới nhận làm bạn chứ trước giờ ông ghét nhất là loại người đứng cạnh làm nổi bật cái sự thô tục của ông, mặc dù nó được viết rõ ràng trên mặt rồi.

Nhà lão Dương ở có một mảnh sân nhỏ trồng đủ loại cây thoạt nhìn giống hệt sân nhà ta ở kinh nhưng ở đây trồng nhiều loại hoa hơn nên màu sắc cũng sặc sỡ hơn nhiều, không giống nhà ta chỉ trồng mỗi cây xanh dù có nở hoa thì hoặc là màu cũng xanh nốt chẳng có gì đẹp hoặc là chỉ thấy mỗi quả lủng lẳng sai trĩu. Thật ra cũng có ra hoa nhưng chỉ mỗi Bàng thúc là nhìn thấy vì thúc ấy ngày nào cũng tưới cây đều đặn, còn ta thì chỉ để ý đến mỗi khi nó ra quả thôi, ngắm hoa cũng chẳng được lợi ích thiết thực gì ăn quả vẫn là tốt nhất. Tuy nhiên không có nghĩa là ta không ngắm hoa, trong sân bên cạnh bàn trà có trồng một cây hoa đào mà mẹ ta thích nhất, cả năm ta chỉ đợi mỗi khoảnh khắc nó nở, dù tuyết có rơi dày ba thước ta cũng phải lội ra ngắt một cành đặt trước bàn thờ mẹ.

Vạn dặm hoa đào trong mưa hạNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ