"Con làm sao đấy An Thư? Sao lại khóc, nói ra ông bà bố mẹ nghe xem nào?" - thầy Tuấn lên tiếng hỏi.
An Thư nghe bố hỏi đích danh mình, trong lòng không khỏi run sợ, em không dám trả lời bố, chỉ biết nhìn qua các anh. Tùng Bách đang đứng sau lưng bố, lắc đầu ra hiệu cho em im lặng còn mình thì lên tiếng: "Em Thư đang sợ thôi bố ạ. Gió đột nhiên thổi lửa bùng lớn lên, tất cả tụi con đều phản ứng không kịp"
Thầy Tuấn quay lại nhìn cậu con trai rồi nhìn qua các cháu một lượt rồi ánh nhìn dừng lại ở bé con. Không hiểu sao nghe thì hợp lý nhưng vẫn thấy lấn cấn trong lòng, thầy tiến lại gần An Thư, cúi xuống trong tư thế quỳ một chân để vừa tầm nói chuyện với con: "Có đúng như anh Bách nói không hả con?"
An Thư cố nén tiếng nấc, không dám nhìn bố, em chỉ nhìn về phía anh Bách, miệng mấp máy run run. Tùng Bách thương em quá, mở miệng nói đỡ em không biết gì đâu bố ạ thì liền bị quát: "Con yên đấy, bố đang hỏi em". Thầy Tuấn bất ngờ quát lớn một tiếng làm ai nấy đều giật bắn mình. An Thư quýnh quáng không giấu được nữa, òa khóc to: "Do con ạ...huhu...con xin lỗi...". Cô An tròn mắt nhìn từ con sang nhìn chồng. Ánh mắt cô và thầy chạm nhau, lúc này cô mới tờ mờ vỡ lẽ ra mọi chuyện. Sao mình có bằng tiến sĩ tâm lí giáo dục hẳn hoi mà độ nhạy còn thua ông chồng già vậy nhỉ. Từ đầu đến giờ cô chỉ đơn giản cho rằng con gái mình bị hoảng sợ thôi chứ không mảy may nghi ngờ nguồn cơn mọi chuyện là do bé con gây ra.
Thầy Tuấn ngay lập tức gỡ hai bàn tay của vợ trên vai An Thư, đưa con ra gần giữa nhà, trầm giọng hỏi: "Nào, con nín khóc nói rõ ràng xem". An Thư trong tiếng nấc nghẹn ngào khó khăn lắm mới kể lại được. Trái ngược với cô An càng nghe càng tròn mắt, đôi lông mày của thầy Tuấn chỉ kém chút nữa là dính chặt vào nhau.
Thầy Tuấn hít một hơi đứng phắt dậy, hai bàn tay chắp ra sau, quay lưng về phía bé con vẫn đang sụt sịt. Thầy muốn tranh thủ một chút thời gian suy nghĩ và áp chế lửa giận trong lòng. Cho đến khi thực sự không thể nhịn được nữa, thầy quay lại, đối diện nhìn An Thư bé bỏng đang run sợ, thầy thật sự không biết xử lý cơn giận này như thế nào.
"Tại sao vậy hả An Thư?
Tại sao con rất nhiều lần không nghe lời người lớn dặn dò như vậy, hả? Bố dặn con không tự ý nghịch lung tung thì y như rằng con vẫn kiếm trò phá phách cho bằng được. Anh Bách nói nguy hiểm thì con vẫn cố tình làm, anh lấy đem đi vứt thì con giở trò nhõng nhẽo. Tại sao vậy hả An Thư?
Hôm nay may mắn Phong không bị gì nghiêm trọng, chứ nếu bị bỏng phải nhập viện thì con tính như thế nào? Tại sao bao lời khuyên ngăn thì con không chịu lắng nghe, cứ phải để đến khi hậu quả bày ra trước mắt thì khóc lóc xin lỗi là sao?
An Thư, trả lời bố!"
Câu cuối thầy Tuấn gần như bùng nổ quát lên, An Thư đang khóc cũng giật bắn mình nín lặng. Thầy Tuấn kiên quyết hôm nay trừng trị đứa con này một trận ra trò, thầy quay sang nói với ông bà: "Con xin phép bố mẹ ạ." rồi sải hai bước đến bên bàn thờ, nhanh như cắt rút ra cây roi tre "huyền thoại", cây roi đã để lại bao vết lằn trên mông cô An, cây roi mà mỗi lần ông Trung cầm lên thì chỉ có xác định là nát đít. Dưới cây roi ấy, 3 anh em nhà cô An lần lượt nên người. Đã từ rất lâu nó được "nghỉ hưu" ấy vậy mà không ngờ hôm nay lại được dùng để phạt An Thư.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Huấn văn] Nhà mình đây rồi, bé con!
Truyện NgắnTổng hợp những câu chuyện nhỏ về gia đình của An Thư, có vui, có buồn, có sủng, có huấn. Hy vọng thông qua những câu chuyện này các bạn có thể tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó, sẽ càng yêu thêm gia đình nơi mình sinh ra và lớn lên. *Truy...