15

409 13 0
                                    

An Thư sinh ra vào một buổi chiều đầu mùa hạ. 

Lúc đó em đỏ hỏn, da nhăn nheo lại nhẹ cân do sinh non. 

Những đứa trẻ khác vừa lọt lòng đã được da kề da với mẹ, còn em phải nằm lồng kính suốt 2 tuần sau đó.

Ngày đầu tiên em được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ sợ làm em đau đến mức run rẩy mãi không dám bế, bố thì khóe mắt thoáng ngấn lệ, cố phải cong vai để giữ em không lọt thỏm trong vòng tay rộng lớn.

Từ khi biết tin gia đình sắp chào đón một sinh linh bé nhỏ, bố mẹ em ngày đêm đều nghĩ ngợi những cái tên, trai có, gái có, ngữ nghĩa đều có, ông bà thậm chí còn tra gia phả để tránh bị trùng lặp phạm úy các cụ bề trên. Thế rồi giây phút thật sự được đón em vào lòng, mẹ lại nói ra một cái tên trước giờ chưa từng nghĩ đến.

"An Thư?"

"Ừm" - mẹ An ánh mắt ngời sáng gật đầu - "Vợ chồng mình đều làm ngành giáo dục. Mà đối với nhà giáo thì còn gì quý hơn sách đâu. Gọi con là An Thư, em chỉ mong con một đời an yên đọc sách"

"Được. Vậy con gái chúng mình tên là Vũ Hoài An Thư"

"Sao lại có chữ 'Hoài' nữa vậy anh? Vũ An Thư ngắn gọn và can tịnh vậy mà?"

"Để sau này dù đi đâu làm gì, mỗi khi được người khác xướng tên, con phải luôn nhớ về công ơn sinh thành của mẹ Hoài An"

Thầy Tuấn vừa dứt lời, cô An liền vỡ òa trong nước mắt của hạnh phúc.

*    *    *

Quả không phụ sự kì vọng của thầy Tuấn, bé con nhà thầy sau này lớn lên có ý chí tiến thủ nỗ lực học nhiều hiểu rộng được như mẹ Hoài An hay không thì chưa biết, nhưng trước mắt thì cái tính nói nhiều hay lý sự và cực kì thích mè nheo với thầy là học được rồi =))

An Thư quả thực có vài phần tình cách khá giống với cô An: em hay nói, hay cười, hướng ngoại và rất giỏi xã giao. Em giao thiệp tốt và cởi mở với mọi người đến mức đôi khi khiến thầy Tuấn phải cau mày lo lắng những điều tiêu cực hay xấu xa ngoài xã hội kia sẽ lợi dụng trái tim trong sáng và tâm hồn phóng khoáng của con. Vậy nên hầu như mọi lúc thầy đều để mắt tới đứa con gái tâm can bảo bối bé bỏng của mình, ngay cả mỗi khi vợ muốn dẫn theo con đi qua hàng xóm ở tầng trên hay xuống sân chơi thầy đều dặn đi dặn lại không an tâm. Từ khi An Thư lên 3 thầy đã không còn tắm rửa hay thay quần áo cho con nữa, những việc như vậy chỉ giao lại cho cô An. Và dù vợ mình tốt nghiệp tiến sĩ ngành tâm lý giáo dục, mỗi đêm thầy vẫn cùng vợ tìm hiểu tài liệu về giáo dục giới tính cho con trẻ. Dù sao với một bé gái lớn lên trong thời buổi đô thị hóa tốc độ nhanh và tệ nạn xã hội dần len lỏi vào học đường, mọi sự lo lắng của thầy Tuấn chưa bao giờ là thừa.

Đừng nghĩ rằng thầy Tuấn chỉ biết xem con gái là bảo bối tâm can mà gói vào lòng chiều chuộng đến tận trời mây. Bé gái dĩ nhiên cần nhẹ nhàng uyển chuyển hơn với bé trai, nhưng khi cần nghiêm khắc thì vẫn phải nghiêm khắc, cần quy củ thì vẫn phải được rèn dũa đàng hoàng. Nhiều gia đình vì quá thương con mà mọi việc đều thay con cái làm hết, sợ con không vui sợ nghe con khóc nháo ăn vạ nên đành tặc lưỡi chiều theo ý thích, tự nghĩ rằng bảo bọc được đến đâu hay đến ấy. Gia đình cô An thầy Tuấn thì không nghĩ như vậy. Xã hội bây giờ bố mẹ nhiều lắm cũng chỉ có thể ở cạnh con đến 18 tuổi, vậy hỏi năm sáu mươi năm nữa không có bố mẹ thì ngoài kia có ai chiều chuông, có ai soi đường chỉ lối cho không hay lại sa ngã vì không biết tự lập? An Thư tuy không như anh Bách được bố quản giáo nghiêm ngặt nhưng không phải hoàn toàn tránh được sự trách phạt, chỉ là ở mức độ nhẹ nhàng hơn, kiên nhẫn hơn. Sinh ra là em út trong nhà có lợi thế là vậy đó, vì dường như bố mẹ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ đứa con đầu lòng nên phương pháp giáo dục có vẻ phóng khoáng và tân tiến hơn nhưng cái cốt lõi của mục đích răn dạy vẫn phải giữ được. An Thư hướng ngoại hoạt báo nên cũng lắm trò hơn hẳn anh trai, tuy nhiên vẫn là đứa trẻ biết chừng mực biết tiếp thu, đến năm 9 tuổi chỉ có đôi ba lần bị bố bắt phạt khoanh tay úp mặt vào tường tự kiểm điểm chứ cũng chưa phải dùng đến đòn roi bao giờ.

Dịp lễ 30/4 năm ấy rơi vào thứ 7 vậy nên tính cả nghỉ bù thì kì nghỉ lễ kéo dài tận 4 ngày, thầy Tuấn quyết định đưa cả nhà về thăm bà nội. Tùng Bách lúc này đã là sinh viên trường y, việc học vô cùng bận rộn, lại là thành viên cốt cán trong đội tuyển huấn luyện của chương trình đào tạo bác sĩ từ xa liên kết với đại học y dược Hàn Quốc nên ngày lễ cũng chỉ là ngày nằm trên giấy mà thôi. Thứ 6 tuần đó sau khi sinh hoạt tập thể xong An Thư liền được bố mẹ đón thẳng ra sân bay. Sau chuyến bay 1 tiếng rưỡi còn phải đi xe thêm 2 tiếng để về đến quê nội nhưng em dường như chẳng biết mệt là gì, cả dọc đường cứ luyên thuyên kể chuyện trường chuyện lớp rồi lại chuyện phim hoạt hình hôm qua mới xem. Líu lo chán chê rồi lại thỏ thẻ xin bố cho dùng điện thoại chơi game nhưng dĩ nhiên chỉ nhận được cái lắc đầu cương quyết từ bố, kèm theo đó là một tràng những tác hại của việc dùng thiết bị điện tử khi di chuyển trên tàu xe...v...v...nên chỉ đành hậm hực nhẹ rồi ngủ vùi vào lòng mẹ. 

Thầy Tuấn sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nhỏ tại vùng đất nổi tiếng hiếu học. Cư dân ở đây nổi tiếng với nghề làm chè xanh và chủ yếu kiếm sống thêm bằng đánh bắt cá đổ về từ thượng nguồn. Những năm gần đây nhờ có chính sách nông thôn mới nên diện mạo của ngôi làng cũng dần dần được thay đổi: đường làng đều được trải bê tông bình phẳng và thẳng tắp, các hộ dân cũng không còn trồng chè rải rác mà đã được phân đất quy hoạch, có nơi còn trở thành địa điểm du lịch đồi chè sông nước,...tuy nhiên đi kèm với đó cũng là những công trình ngổn ngang chưa kịp tiến độ, để trơ ra dây điện, cột thép, những "hố tử thần" gây bất an cho những gia đình có trẻ nhỏ. Hiện đại hóa vốn dĩ luôn đi kèm những mắt trái như vậy.

Xe dừng trước cổng làng vào chạng vạng tối. An Thư đang say ngủ như một chú mèo con nhưng chỉ cần nghe bố bảo "Đến nhà bà nội rồi" thì liền bật dậy, vội đến mức suýt quên cả cặp sách. Không sai đâu, là cặp sách với ba quyển bài tập toán và Anh vì ngay sau nghỉ lễ có bài kiểm tra đánh giá năng lực. Vậy mới nói trẻ em sinh ra trong thời hiện đại sớm được tiếp cận nhiều thứ mới mẻ tạo điều kiện để phát triển bản thân nhưng song song luôn là áp lực học hành. Lâu ngày mới được rời khỏi thành phố lắm bụi nhiều xe, nhìn được đường chân trời khuất sau những ngọn núi thay vì các tòa cao ốc san sát nhau, An Thư vui vẻ nhảy chân sáo vừa đi vừa chạy mong nhanh nhanh đến nhà bà nội, mặc cho cô An gọi với theo khản cả cổ nhắc nhở con cẩn thận rồi cũng bất lực mặc kệ luôn. Dù sao những dịp như này không nhiều, chỉ mong mấy ngày tới con có thể vui vẻ chơi đùa thật thoải mái mà thôi.

[Huấn văn] Nhà mình đây rồi, bé con!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ