Lê Tư Thành giỏi tề gia, giỏi trị nước, giỏi bình thiên hạ. Hắn thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Bồn Man, Lan Xang để mở rộng lãnh thổ, mang lại bình yên cho người dân chốn biên ải. Hắn tự vi hành đến tận những làng xóm, lắng nghe từng khẩn cầu của những người dân. Hắn cân bằng hậu cung, không để các thế lực trong triều mượn hậu cung của hắn để làm rối loạn lòng người.
Có những đêm dài trong cung Gia Hoà, khi vừa bừng tỉnh giấc sau cơn ác mộng, Diễm Quý lại thơ thẩn nghĩ về những chuyện đã qua. Trong những trang sử sau này, cuộc đời của Lê Tư Thành chắc hẳn sẽ chiếm một vị trí rất đặc biệt, rất quan trọng mà ngàn đời sẽ phải nhắc tới. Sử quan chắc hẳn cũng không tiếc tài sức văn chương cùng những lời lẽ hùng hồn nhất để ghi lại những chuyện mà hắn đã trải qua, hắn hùng tài vĩ lược ra sao, hắn khéo léo kính cẩn như thế nào. Vẫn trong những trang sử ấy, chắc hẳn sử quan sẽ viết về một Lê Bang Cơ cuộc đời truân chuyên, li kì từ khi được sinh ra đến khi chết đi, cùng lắm sẽ khen người ấy thêm một câu vua hiền đức độ, biết lo cho dân chúng. Mờ nhạt nhất chắc hẳn sẽ là những trang sử về Lê Khắc Xương, về cuộc đời của một thân vương không màng thế sự, về cái chết oan nghiệt mà không ai dám khẳng định là vì sao. Còn về Lê Nghi Dân, nàng không biết sử quan sẽ viết gì về hắn. Đã dành hết lời ngợi khen Lê Tư Thành, vậy thì còn đâu bút lực để ghi lại những điều Lê Nghi Dân đã đóng góp cho Đại Việt kia chứ. Trong mắt người đời sau, hắn âu cũng chỉ là một thân vương bạo tàn, bất trung, bất nghĩa, bất nhân, bất hiếu như lời sỉ vả vào mặt hắn của Đinh Liệt.
Nhưng dù những người từng chứng kiến tất thảy mọi việc đều dần dần chết đi, thì Nghi Dân, Khắc Xương và Bang Cơ đều vẫn sẽ sống trong kí ức của nàng. Chỉ cần nàng còn sống bao lâu, họ cũng sẽ vẫn còn sống bấy lâu.
Nàng cũng từng nghĩ, không biết trăm năm sau, nghìn năm sau, liệu cung Gia Hoà và cả toà thành rộng lớn này có còn ở đây không. Khi ấy, bất kể ai cũng đã trở thành những mảnh xương trắng trên cánh đồng, nàng cũng không phải ngoại lệ. Vậy liệu nơi đây còn thành quách dọc ngang, còn tiếng người cười nói xôn xao, còn lấp lánh đèn kết hoa giăng khắp lối, hay chỉ còn là đồng cỏ xơ xác, là bãi đất hoang vu không ai lui tới? Đến lúc ấy, người ta sẽ không còn biết nàng là ai nữa. Nàng cũng sẽ như bao đoá hoa khác trong chốn cung cấm này, chỉ là một nét hoạ mờ nhạt trong cuộc đời rực rỡ của Lê Tư Thành. Người ta có viết nhiều, cũng chỉ là về vị quý phi của hắn mà thôi. Cuộc đời nàng cứ bình lặng trôi qua như thế này, vừa không phiền đến ai, vừa là thời gian để nàng chầm chậm nhớ lại những việc đã qua và từ từ trả giá cho lỗi lầm của mình.
Xuân sang, gió bấc vẫn hun hút thổi qua từng khe cửa hở. Tường thành càng cao, gió càng mạnh, ù ù bên tai ngăn cách con người với mọi thứ âm thanh khác bên ngoài. Tết Nguyên tiêu, khắp trong nhà, ngoài phố người ta kéo nhau ra đường thả đèn trời. Những ngọn đèn lấp lánh bay lên không trung, mang theo bao hoài bão, khát vọng, ước mơ của từng người. Ngoài dân gian sao, trong cung cũng vậy. Cung nữ, nội thị trong này già thì ngoài hai mươi, nhỏ thì năm, sáu tuổi cũng có, nói cho cùng vẫn chỉ là những đứa trẻ, vẫn ham thích những trò vui mà cả năm trời mới được động đến. An Sơn ra rả nhắc nhở chúng cẩn thận củi lửa, vì trời khô, mọi thứ đều dễ bắt cháy, mà thời tiết đang cuối đông nên vẫn phải dự trữ củi sưởi. Chúng nghe thấy tiếng quát của y, chỉ nhanh nhanh chóng chóng gật đầu rồi tiếp tục tô tô, vẽ vẽ, cắt cắt, dán dán ngọn đèn trời của riêng mình. An Sơn cũng dần giống An Hải, đã lười cất tiếng đến mức chỉ lườm chúng một cái sắc lẹm, rồi quay ngoắt người, tiến đến các cung điện khác.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Dã sử Việt] Đông Kinh năm ấy - Lê Thánh Tông, Phùng Chiêu nghi
Fiksi Sejarah- Tác giả: Bonnie Nguyen - Thể loại: truyện ngắn lấy cảm hứng lịch sử - Tình trạng: Đã hoàn thành - Nhân vật chính: Lê Thánh Tông, Phùng Chiêu nghi - Giới thiệu ngắn: "Đông Kinh năm ấy" lấy bối cảnh Đại Việt nửa cuối thế kỉ XV (khoảng từ cuối những...