Chương 40: Dạo phố

57 1 0
                                    

Sáng sớm hôm sau, Vương Tự Bảo búi tóc con trai, thay trang phục của nam, màu trắng hoa nhạt, Tưởng thị cũng mặc một bộ váy áo hoa gấm bình thường, cài chiếc trâm gài tóc bình thường, ngồi trên chiếc xe ngựa bình thường nhất trong phủ đi tới cổng trong, đứng chờ Vương Tử Nghĩa.

Vương Tử Nghĩa bước ra từ thư phòng ngoài, rồi cùng vợ con lên xe ngựa rời Hầu phủ, đi về phía Bảo Mặc Hiên, là phố lớn Ung Hòa, cũng chính là khu Đông Thành mà người Ung Đô xưng tụng.

Khu Đông Thành là chốn giàu có của Ung Đô.

Nơi đây cửa tiệm mọc lên san sát, vô cùng phồn hoa. Các cửa tiệm trang sức ở mặt tiền hoặc là độc đáo, hoặc là xa hoa. Đồ ăn, trang phục, đồ dùng cần gì sẽ có nấy.

Kẹo hồ lô, kẹo giấy, kẹo hình*, màn thầu, bánh bao, còn có một số thứ rẻ thường xuất hiện trong tiểu thuyết nhất, xin mời tới khu Tây Thành và các hội chùa. Mặc dù ở đây cũng bán màn thầu, bánh bao giống vậy nhưng đều được dán nhãn là cửa hiệu lâu đời nào đó. Tất nhiên giá cả cũng sẽ khác với những thứ bình thường rồi.

(*) Một loại kẹo thủ công dân gian truyền thống, lấy đường làm nguyên liệu để tạo hình dạng chiếc kẹo theo ý muốn.

So với tiếng rao hàng không ngớt ở những nơi khác thì nơi đây ngược lại yên tĩnh hơn rất nhiều. Đây là con đường xa hoa đẳng cấp, nếu ồn ào thì hạ thấp đẳng cấp quá rồi.

Một người kinh doanh phải tốn không ít bạc mới có thể mở được cửa tiệm làm ăn ở nơi này.

Thời trẻ Vương Tử Nghĩa cũng nhờ sự khuyến khích của bằng hữu mà tự dùng bạc của mình để mua lại một cửa tiệm không quá lớn.

Nói không quá lớn, đó cũng là so với những tửu lầu lớn kia mà thôi. Thật ra Bảo Mặc Hiên cũng có hai lầu, diện tích mỗi lầu ít nhất cũng phải một trăm hai mươi, ba mươi mét vuông.

Mấy năm đầu, bởi vì không biết xử lý nên Vương Tử Nghĩa giao cho quản sự cho người ngoài thuê. Hằng năm ông chỉ thu một ít tiền cho thuê để tiêu vặt mà thôi.

Sau này cũng bởi vì học làm sang thế là đổi thành tiệm bán văn phòng tứ bảo*.

(*) Văn phòng tứ bảo thời xưa là 4 thứ quý giá gồm bút, nghiên, giấy, mực của các nhà nho thời xưa.

Tuy không thể so được với những cửa tiệm lớn kia nhưng mỗi năm ít nhất cũng có thu nhập vài nghìn lượng bạc.

Lần này, dựa theo ý tưởng của Vương Tự Bảo, và ý muốn thu xếp cho con trai thứ hai là Vương Dụ Phố theo học Tam đệ Vương Tử Liên quen dần với việc vặt trong mấy năm, ông mới cho sửa lại mặt ngoài cửa tiệm, cũng tương đương với việc mở lại một tiệm mới vậy.

Tuy vẫn chưa biết lợi nhuận cuối cùng sẽ thế nào nhưng Vương Tử Nghĩa vẫn nhạy bén nhận thấy được rằng lần này làm như thế, không chỉ có thể khiến cửa tiệm này có danh tiếng hơn, không chừng còn có thể kiếm được một khoản lớn.

Hôm qua Bảo Muội đã nói rồi, nam nhân kiếm tiền thật ra là để thê tử và con cái mình tiêu, ông không để ý tới lợi nhuận đạt được của cửa tiệm này, tất cả đều dùng để lấy lòng thê tử và các con mình.

Tiểu thư Hầu PhủNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ