Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cô ấy là cách đây ba năm, bấy giờ cô mới ra trường, ngồi lọt thỏm giữa một đống hồ sơ, giấy tờ cao nghễu nghện, vùi đầu đọc những dòng chữ trong một cuốn sổ. Cuốn sổ bọc bìa da nâu, đầy những vệt đen như bị quẹt nhọ nồi, ruột sổ bên trong cũng không sạch sẽ với những nét chữ như gà bới. Ấy vậy mà cô, một người luôn ưa sự sạch sẽ và thích những thứ ngay ngắn, lại ngồi chăm chú đọc một quyển sổ nhếch nhác với một vẻ mặt như thể đang thực hiện một nghi lễ linh trang trong điện thờ.
Cô thích những thứ sạch sẽ, một tính cách mà bác sĩ nên có. Áo blouse trắng, găng tay trắng, đệm nằm trắng, drap trải giường đến cái vỏ gối và rèm che cho bệnh nhân cũng phải trắng nốt. Tôi nhìn cô như nhìn một công chúa đang khoác trên mình chiếc váy muslin trắng, ngồi đọc sách trên ghế tựa, nhìn xinh đẹp và cao quý. Tôi không hỏi tên cô bởi không muốn cô bị cắt ngang mạch đọc. Hay có lẽ do hồi đó, tôi không đủ can đảm để bước vào căn phòng ấy. Được vài ngày liền như vậy, tôi nhận được thông báo chuyển công tác sang đơn vị mới. Tôi sắp đồ đạc của mình và ra đi, tính đến vài năm sau, tôi không gặp lại cô một lần nào nữa.
Nếu không phải lần này chuyển lại về đơn vị cũ thì tôi cũng quên cô đi mất. Trong những năm tháng cũ, chưa bao giờ tôi có đủ thời gian để nghĩ xem ngày mai mình liệu mình có còn chườn được cái mặt về cho cha mẹ ngó hay không. Mặt nạ dưỡng khí, bình ô-xy, mũ bảo hiểm, kính, áo chống lửa, bộ đàm và vân vân những thứ khác, tổng trọng lượng lên tới bốn mươi kilogram. Tôi có thể tròng chúng lên người và chạy như khi chỉ khoác một tấm áo mỏng manh, vượt qua những cảnh đổ nát hay nơi khói bay mù mắt có khi chỉ để cứu một con mèo. Cũng không thiếu những lần tôi lãnh đủ. Trần nhà bê tông rơi từng mảng xuống, tôi tỉnh dậy trong viện Quân y một tuần sau đó với cái đầu quấn băng cứng ngắc. Hoặc không thì các ông bố ông chú dộng nắm đấm, các bà các chị gào thét không ngừng. Nhưng những bà mẹ mới là người làm tôi sợ nhất. Tôi đứng như trời trồng, cố gắng ghìm cho mình không điên lên, mặc cho những giọt nước mắt của họ tuôn rơi trong tiếng van xin nghẹn ngào. Xung quanh tôi đầy những tạp âm. Tiếng người ta nói chuyện qua máy bộ đàm. Những tiếng khóc la. Những câu trấn an của các nhân viên y tế. Tất cả chúng xoắn vào nhau như một mớ bòng bong. Nếu như họ bổ não tôi ra, hẳn hình dạng của bộ não tôi trông sẽ xoắn như một mớ chỉ rối.
- Anh không thể cứu hết 100% đâu, - Tiếng cô vang lên bên tai. Tôi giật mình khi đầu ống nghe lành lạnh chạm lên vùng da ngực chằng chịt những vết sẹo. Cô cúi đầu, chăm chú lắng nghe, mái tóc hơi nâu búi thành một búi thấp lỏng lẻo trên cái cổ trắng nõn, gầy như sắp gãy tới nơi. Một cái cổ gợi tình. Xấu hổ vì những ý nghĩ bậy bạ, tôi đánh mắt bao quát căn phòng. Nó vẫn trắng tinh như hồi tôi gặp cô lần đầu. Giọng cô bình thản lại vang lên bên tai, êm dịu tựa một nốt trầm trong quãng đời nhiều phen suýt chết của lính: - Anh nên cứu hết 100% những gì khả năng anh cho phép.
- Tôi biết. - Đó là bài học đầu tiên mà một người tiền nhiệm đã dạy cho tôi. Thường thì các bác sĩ sẽ động viên tôi rằng Cậu đã cố hết sức rồi, nên khi cô nói thế, thú thật tôi hơi bất ngờ. Tôi đã để ý trên mặt cô in hằn một dấu tay với năm ngón chỗ tím chỗ đỏ. Đáng ra cô nên lo cho bản thân mình, thay vì lại gợi ra một trong những bài học căn bản của lính cứu hộ. - Còn cô, chỉ đi xin lỗi người nhà bệnh nhân thôi mà đã te tua xơ mướp vậy sao?
- Tôi lại thấy nhẹ nhõm. - Cô thu ống nghe về, trả lời. Bình thản như không. - Chào mừng anh quay lại, dù tình cảnh này không hợp để nói câu đó. Nhưng coi như chúng ta có quen, phải không?
Cô mỉm cười nhìn tôi. Tôi thì đớ người ra.
- Anh cứ đứng đó nhìn suốt, khi mà tôi ngồi đọc sách. Mặc dù đó không phải là sách.
- Tôi biết nó không phải sách.
Cô khẽ nghiêng đầu.
- Cũng khó nói, nó vừa giống nhật ký, lại vừa giống di chúc. Nhưng tôi thích đọc nó, mặc dù nó không phải là của tôi. Lạ nhỉ?
- Cũng không hẳn, - Tôi đáp: - Đã là con người, ai rồi cũng có chỗ kỳ lạ cả thôi.
- Cảm ơn anh.
Cô ngồi xuống ghế, lướt tay nhập số liệu vào máy tính một cách máy móc. Tôi nhìn chòng chọc vào hồ sơ dữ liệu đang hiển thị trên màn hình. Tên tôi, hình chụp và số đăng ký quân nhân, kèm một mớ gì đó phía dưới về sức khỏe mà tôi không hiểu. Dưới thanh công cụ, hàng chục tab hồ sơ khác vẫn đang chờ được dùng đến. Cô chong chong nhìn lên màn hình, rồi nói mà không buồn quay đôi mắt mỏi mệt lại.
- Anh về được rồi. Tuần sau, nhớ đến nhận kết quả nhé.
- Cảm ơn cô.
Tôi đứng dậy, mặc áo rồi bước ra khỏi phòng. Rồi như sực nhớ điều gì, tôi quay lại. Cô liếc nhìn tôi, một thoáng tò mò xẹt qua đáy mắt.
- Cô này, vậy lần sau, cô có thể kể cho tôi nghe về cuốn sách-không-phải-sách đó chứ?
Cô nhếch môi thành một nụ cười mỏi mệt.
- Vâng. Một ngày nào đó.
- Cảm ơn cô, bác sĩ.
Tôi gật đầu chào, rồi quay lưng đi. Kể cả thế, tôi vẫn có cảm giác như đôi mắt thâm quầng của cô đang bám theo lưng mình. Cảm giác ấy, khá lạ, nó không hề khó chịu, ngược lại còn ấm áp giống như một cái ôm.
BẠN ĐANG ĐỌC
Diary
Action- khi cứu người, cậu hãy nhớ tới bản thân mình nữa, bởi mạng sống của nhân viên cứu hộ và người cần cứu là như nhau -- 1 vs 1 p/s: truyện được viết dựa theo doujinshi HQ! Nhật Ký Cứu Hộ