LỜI NÓI ĐẦU

108 1 0
                                    


Câu hỏi của Yali

Tất cả chúng ta đều biết, lịch sử đã diễn ra rất khác nhau đối với từng dân tộc ở những phần khác nhau trên trái đất. Trong vòng 13.000 năm kể từ cuối Kỷ Băng hà sau cùng, một số vùng trên thế giới đã phát triển được thành những xã hội công nghiệp có chữ viết, công cụ bằng kim loại, một số vùng khác chỉ phát triển được những xã hội chăn nuôi không chữ viết, nhiều vùng khác nữa vẫn chỉ là các xã hội săn bắt hái lượm dùng công cụ bằng đá. Những sự bất quân bình lịch sử này đã hắt những cái bóng dài lên thế giới hiện đại, bởi các xã hội có chữ viết và sử dụng công cụ bằng kim loại đã chinh phục hoặc tiêu diệt các xã hội khác. Tuy những khác biệt này vẫn là nhân tố cơ bản nhất của lịch sử thế giới, song nguyên nhân của chúng vẫn chưa rõ ràng và đang gây tranh cãi. Câu hỏi hóc búa về nguồn gốc của những khác biệt đó đã đặt ra trước mắt tôi từ 25 năm trước, trong một dạng đơn giản và mang tính cá nhân.

Vào tháng 7 năm 1972, có lần tôi đi bộ dọc bờ biển trên hòn đảo xích đạo New Guinea nơi tôi đang nghiên cứu sự tiến hóa của chim với tư cách nhà sinh vật học. Tôi từng nghe nói về một chính trị gia nổi tiếng người địa phương tên là Yali, lúc đó ông này đang đi kinh lý trong vùng. Hôm đó tình cờ Yali và tôi lại đi cùng một hướng, và ông ta bắt kịp tôi. Chúng tôi đi bên nhau trong khoảng một tiếng đồng hồ và nói chuyện suốt thời gian đó.

Con người Yali đầy lôi cuốn và nghị lực. Cặp mắt ông ngời sáng đầy mê hoặc. Ông nói năng hết sức tự tin về bản thân mình, nhưng ông cũng đặt nhiều câu hỏi thấu đáo và biết chăm chú lắng nghe. Cuộc đàm đạo của chúng tôi bắt đầu với chủ đề mà lúc đó người New Guinea nào cũng canh cánh trong lòng: nhịp độ nhanh chóng của diễn tiến chính trị. Papua New Guinea, theo cách mà hiện nay người ta gọi dân tộc của Yali, lúc đó còn là lãnh thổ do Australia cai quản theo ủy trị của Liên Hợp Quốc, nhưng chẳng bao lâu nữa ắt sẽ giành được độc lập. Yali giải thích cho tôi về vai trò của ông trong việc giúp người dân địa phương chuẩn bị cho việc tự mình nắm chính quyền.

Sau một hồi, Yali chuyển hướng cuộc trò chuyện và bắt đầu "quay" tôi. Ông ta chưa hề đi đâu ra khỏi New Guinea và chưa hề học quá bậc trung học, nhưng không gì có thể thỏa mãn được nỗi tò mò của ông. Trước hết ông ta muốn biết về công việc nghiên cứu chim của tôi ở New Guinea (kể cả chuyện tôi được trả bao nhiêu tiền). Tôi giải thích cho ông ta rằng có những nhóm chim rất khác nhau đã di cư đến New Guinea trong vòng hàng triệu năm qua. Rồi ông ta hỏi tôi tổ tiên của chính dân tộc ông ta đã đến New Guinea bằng cách nào trong mấy vạn năm trở lại đây, và người châu Âu đã biến New Guinea thành thuộc địa như thế nào trong 200 năm qua.

Cuộc đối thoại vẫn khá thân thiện, mặc dù cả hai chúng tôi chẳng lạ gì về sự căng thẳng giữa hai xã hội mà Yali và tôi là đại diện. Hai thế kỷ trước đây, tất cả người New Guinea hãy còn "sống trong Thời đại Đồ đá". Nghĩa là, họ vẫn dùng những công cụ bằng đá tương tự những gì mà ở châu Âu đã bị thay thế bằng công cụ kim loại từ hàng ngàn năm trước; và họ sống trong những ngôi làng không được quản lý dưới một chính quyền có tính tập trung. Người da trắng đã đến, áp đặt chính quyền tập trung và mang lại những hàng hóa vật chất mà người New Guinea lập tức nhận ra giá trị, từ rìu thép, diêm và thuốc men cho tới quần áo, rượu và ô. Ở New Guinea, tất cả các vật phẩm này được gọi chung là "hàng" (cargo).

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now