Trước kia, mọi dân tộc trên trái đất đều sống bằng săn bắt hái lượm. Vậy thì bởi lý do gì một số dân tộc đã chuyển sang sản xuất lương thực? Cứ cho là họ có ắt phải vài lý do để làm như vậy, song tại sao họ lại làm vậy vào khoảng 8.500 năm tr.CN ở các môi trường ven Địa Trung Hải của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, chỉ 3.000 năm sau đó mới làm vậy ở các môi trường tương tự về khí hậu và cấu trúc ở tây nam châu Âu, và chẳng bao giờ làm vậy ở các môi trường tương tự như môi trường Địa Trung Hải ở California, tây nam Australia và vùng Cape ở Nam Phi mà phải đợi tới khi du nhập sản xuất lương thực từ nơi khác? Và thậm chí tại sao dân vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu phải đợi mãi tới 8.500 năm tr.CN mới chuyển sang sản xuất lương thực chứ không làm vậy vào khoảng 18.500 hay 28.500 năm tr.CN?
Từ điểm nhìn hiện đại của chúng ta, tất cả các câu hỏi đó thoạt nghe có vẻ xuẩn ngốc, bởi những nhược điểm của lối sống săn bắt hái lượm hình như là quá hiển nhiên. Các nhà khoa học thường dẫn một cụm từ của Thomas Hobbes để mô tả lối sống săn bắt hái lượm là "bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi". Những người săn bắt hái lượm dường như luôn phải làm quần quật, luôn bị quay cuồng bởi nhu cầu cái ăn hằng ngày, thường xuyên bữa đói bữa no, không có những tiện nghi vật chất sơ đẳng như giường êm, quần áo ấm và thường chết yểu.
Trên thực tế, chỉ đối với những công dân no đủ của Thế giới Thứ nhất ngày nay, những người không phải tự nuôi trồng lương thực cho mình, thì sản xuất lương thực (nhờ kỹ thuật canh tác từ xa) mới có nghĩa là ít phải làm việc tay chân hơn, tiện nghi hơn, không phải lo ăn từng bữa và sống lâu hơn. Còn thì hầu hết các nhà nông và người chăn nuôi hiện đại, vốn chiếm đại đa số những người sản xuất lương thực trên thế giới, vị tất đã có nhiều lợi thế hơn so với những người săn bắt hái lượm. Các nghiên cứu về quỹ thời gian cho thấy, có khi nhà nông và người chăn nuôi phải dành nhiều thời gian hơn trong ngày để làm việc chứ không phải ít hơn so với người săn bắt hái lượm. Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng các nhà nông đầu tiên ở nhiều khu vực vốn dĩ nhỏ con hơn và thiếu ăn hơn, mắc nhiều bệnh nặng hơn và thường chết yểu hơn so với những người săn bắt hái lượm mà họ đã giành chỗ. Giá như những người làm nông đầu tiên ấy có thể tiên đoán các hậu quả của việc chuyển sang sản xuất lương thực thì có khi họ đã chẳng chuyển sang làm gì cho khổ. Thế thì tại sao, dù không thể lường trước kết quả, họ vẫn chọn làm như vậy?
Trên thực tế, có nhiều trường hợp những người săn bắt hái lượm, tuy đã nhìn thấy các dân tộc láng giềng chuyển sang sản xuất lương thực, vẫn từ chối nhận những phúc lợi được cho là sẽ có được nhờ nó và vẫn cứ làm dân săn bắt hái lượm. Chẳng hạn, những người săn bắt hái lượm bản địa ở đông bắc Australia từng buôn bán suốt hàng ngàn năm với các nông dân ở các đảo Eo biển Torres, giữa Australia và New Guinea. Những người săn bắt hái lượm châu Mỹ bản địa từng trao đổi với các nông dân châu Mỹ bản địa ở thung lũng sông Colorado. Ngoài ra, những người chăn nuôi Khoi ở phía tây Sông Cá (Fish River) ở Nam Mỹ vẫn trao đổi với những nông dân Bantu ở phía đông Sông Cá, nhưng bản thân họ vẫn không cần tự chuyển sang làm nông. Tại sao?
Lại có những người săn bắt hái lượm khác nữa do giao tiếp với những người làm nông mà rốt cuộc cũng chuyển sang làm nông, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian lần lữa mà đối với chúng ta là kéo dài một cách bất thường. Chẳng hạn, mãi sau 1.300 năm kể từ khi các dân tộc thuộc văn hóa Linearbandkeramik truyền bá sản xuất lương thực đến các miền nội địa Đức chỉ cách đó 125 dặm (khoảng 200 km) về phía nam thì các dân tộc miền duyên hải bắc Đức mới chịu chuyển sang sản xuất lương thực. Tại sao các dân Đức miền duyên hải đó phải đợi lâu đến vậy, và điều gì đã khiến họ rốt cuộc cũng đổi ý?
YOU ARE READING
SUNG VI TRUNG VA THEP
Historical FictionJared Diamond ngay từ đầu trang sách đã đặt vần đề: Tại sao lịch sử Thế giới giống như một củ hành? Và ông lấy việc bóc từng lớp vỏ kia là công việc hấp dẫn, đầy thử thách. Jared Diamond đã đặt ra cho mình nhiệm vụ giải thích tiến trình lịch sử loài...