PHẦN IV. VÒNG QUANH THẾ GIỚI TRONG NĂM CHƯƠNG SÁCH

22 0 0
                                    

CHƯƠNG 15: Dân tộc của Yali

Khi tôi cùng với vợ là Marie đi nghỉ mát ở Australia vào một mùa hè nọ, chúng tôi quyết định đến thăm một nơi có những bức họa trên đá của người châu Úc bản địa được bảo quản tốt, ấy là sa mạc gần thị trấn Menindee. Dù tôi vẫn biết sa mạc Australia vốn khét tiếng là khô hạn và nóng kinh người vào mùa hè, nhưng tôi đã từng làm việc suốt một thời gian dài trong điều kiện nóng khô của sa mạc California và thảo nguyên New Guinea thành thử tôi cho rằng mình đã đủ dạn dày kinh nghiệm để đối phó với những thử thách nhỏ nhặt đó khi sang Australia với tư cách người du lịch. Mang theo đầy nước uống, tôi và Marie lên đường lúc trưa, đi bộ trên khoảng đường vài dặm đến chỗ các bức tranh.

Con đường mòn dẫn từ trạm bảo vệ rừng dẫn lên đồi, dưới bầu trời không mây, băng qua vùng đất trống tuyệt không một bóng râm nào. Bầu không khí nóng hầm hập, khô rang mà chúng tôi hít thở làm tôi nhớ khi ngồi trong phòng tắm hơi kiểu Phần Lan cũng khó thở đến thế nào. Cho tới khi chúng tôi đến được vách đá nơi có các bức tranh thì cũng đã hết sạch nước. Chúng tôi cũng chẳng hứng thú tranh triếc gì nữa hết, chúng tôi chỉ còn lặc lè leo lên đồi, vừa leo vừa thở đều, chậm chạp. Chẳng mấy chốc tôi nhìn thấy một con chim, không nghi ngờ gì nữa chính là một loài chim hét cao cẳng, nhưng con này có vẻ to lạ lùng so với bất cứ loài chim hét cao cẳng nào người ta đã biết. Ngay lúc đó tôi nhận ra rằng lần đầu tiên trong đời tôi đang bị chứng ảo giác vì nóng. Marie và tôi quyết định tốt hơn hết là nên quay lại.

Hai chúng tôi chẳng nói gì với nhau nữa. Chúng tôi vừa đi vừa lắng nghe tiếng mình thở, tính toán xem còn bao xa mới đến điểm mốc kế tiếp và đoán già đoán non xem còn phải đi bao lâu nữa. Miệng và lưỡi tôi giờ khô không khốc, mặt Marie thì đỏ phừng phừng. Khi rốt cuộc cũng về lại được trạm kiểm lâm có điều hòa không khí, hai chúng tôi ngồi phịch xuống ghế bên cạnh tủ lạnh, nốc cạn gần 2 lít nước cuối cùng trong tủ xong lại còn hỏi người kiểm lâm có chai nào nữa không. Tôi ngồi đó, hoàn toàn kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần, mà nhớ lại rằng những người châu Úc bản địa từng làm ra các bức họa kia đã xoay xở cách nào đó để sống được cả đời trong cái sa mạc kia, tìm thức ăn nước uống mà không hề có chỗ nghỉ điều hòa không khí nào cả.

Đối với người Australia da trắng, sa mạc Menindee nổi tiếng bởi là nơi mà hơn một thế kỷ trước có hai người da trắng đã phải hứng chịu những điều tồi tệ hơn nhiều chứ không chỉ cái khô nóng của sa mạc: viên cảnh sát người Ailen Robert Burke và nhà thiên văn học người Anh William Wills, những người chỉ huy bất hạnh của đoàn thám hiểm châu Âu đầu tiên băng qua Australia từ nam lên bắc. Khởi hành với sáu con lạc đà chất đầy lương thực đủ dùng trong ba tháng, Burke và Wills hết sạch thức ăn dự trữ khi đang ở sa mạc phía bắc Menindee. Ba lần liên tiếp họ gặp những thổ dân bản địa no đủ đang lấy chính sa mạc đó làm nhà, những người này cứu sống họ, tiếp tế cho họ nào cá, nào bánh làm bằng cây dương xỉ, nào những con chuột rán béo mẫm. Thế nhưng Burke lại ngu ngốc đi nổ súng vào một trong số các thổ dân, thế là cả nhóm thổ dân bỏ chạy. Mặc dù Burke và Wills có ưu thế lớn so với thổ dân vì có súng để săn mồi, nhưng họ vẫn đói ăn, gục ngã và chết chỉ trong vòng một tháng sau khi nhóm thổ dân kia bỏ đi.

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now