CHƯƠNG 7. Làm ra một quả hạnh bằng cách nào?

27 0 8
                                    

Nếu bạn đang đi bộ đường dài mà đã quá chán với những lương thực trồng ở trang trại, hãy thử ăn lương thực dại xem, thú vị đấy. Bạn vẫn biết một số loài cây dại như dâu hay việt quất dại ăn vừa ngon lại vừa vô hại. Các loại quả mọng này giống những loại cây trồng quen thuộc đến nỗi bạn có thể dễ dàng nhận ra mặc dù chúng nhỏ hơn nhiều so với quả trồng. Những người đi bộ đường dài có máu phiêu lưu cũng ăn cả nấm tuy rằng phải thận trọng bởi [ai cũng] biết rằng có nhiều loại nấm ăn vào là chết. Thế nhưng ngay những người mê quả hạch nhất cũng không dám ăn những quả hạnh dại bởi chỉ vài tá quả này cũng đã chứa lượng cyanide (loại chất độc mà phát xít Đức đã dùng trong phòng hơi ngạt) đủ để giết người. Rừng đầy rẫy những loại cây khác không ăn được như vậy.

Thế nhưng mọi thứ cây trồng đều xuất phát từ các loài cây dại. Làm thế nào một số loài cây dại đã trở thành cây trồng? Câu hỏi này đặc biệt rắc rối đối với nhiều loại cây trồng (như quả hạnh) mà những loài cây dại tổ tiên của chúng vốn rất độc hoặc chẳng ngon gì, cũng như với những loại cây trồng khác (như ngô) trông chẳng giống chút nào với loài cây dại tổ tiên. Những người sống trong hang động nào đã nảy ra ý tưởng "thuần hóa" một loài cây, và điều đó đã được thực hiện ra sao?

Thuần hóa cây trồng có thể định nghĩa là trồng một loại cây và do đó, một cách hữu thức hoặc vô tình, làm cho nó biến đổi về mặt di truyền so với loài cây tổ tiên theo những cách làm cho nó trở nên hữu ích hơn cho kẻ tiêu thụ nó - con người. Việc phát triển các loại cây trồng ngày nay là một công việc có ý thức, được chuyên môn hóa cao độ, do những nhà khoa học chuyên môn đảm nhiệm. Họ đã biết hàng trăm loài cây trồng hiện có và bắt tay phát triển thêm những loài mới. Nhằm đạt mục đích đó, họ trồng nhiều hạt hay rễ khác nhau, chọn phôi tốt nhất rồi trồng hạt của cây đó, áp dụng kiến thức di truyền học để phát triển những giống tốt có thể sinh sản đúng, thậm chí còn có thể dùng các kỹ thuật di truyền mới nhất để chuyển một số gen có ích cụ thể. Tại trại Davis thuộc Đại học California có cả một khoa (Khoa Cây quả, Department of Pomology) chuyên nghiên cứu các loài táo, lại có một khoa khác (Khoa Trồng nho và Làm rượu nho, Department of Viticulture and Enology) chuyên nghiên cứu về nho và rượu nho.

Nhưng thuần hóa cây trồng đã có lịch sử trên 10.000 năm. Những nông gia đầu tiên chắc chắn đã không dùng các kỹ thuật di truyền phân tử để làm ra kết quả. Họ thậm chí còn chưa có một loại cây trồng nào có sẵn làm mẫu, gây cảm hứng cho họ phát triển những loại cây trồng khác. Vì vậy họ không thể biết rằng mình có đang làm gì đi nữa thì trái quả thu được cũng là quả ngọt.

Thế thì các nhà nông đầu tiên đó đã thuần hóa cây trồng một cách không chủ ý như thế nào? Chẳng hạn, làm cách nào họ đã chuyển những cây hạnh độc thành cây hạnh lành mà chẳng hề biết mình đang làm gì? Họ đã thực sự gây ra những biến đổi nào ở các loài cây dại ngoài việc làm cho một số loài to ra hoặc bớt độc đi? Ngay cả với những loài cây trồng có giá trị, thời điểm thuần hóa cũng thay đổi rất nhiều: chẳng hạn, đậu được thuần hóa vào trước năm 8.000 tr.CN, ôliu khoảng 4.000 năm tr.CN, dâu mãi đến thời Trung cổ mới được thuần hóa, cây hồ đào pecan thì mãi tới năm 1846. Nhiều loài cây dại cho những thức ăn mà hàng triệu người coi là của quý, chẳng hạn như cây sồi vốn có quả ăn được mà ở nhiều vùng trên thế giới người ta luôn lùng kiếm, thế nhưng mãi đến ngày nay cây sồi vẫn chưa được thuần hóa. Điều gì khiến một vài loài cây rất dễ thuần hóa hoặc hấp dẫn hơn, khiến người ta muốn thuần hóa hơn so với các loài khác? Tại sao cây ôliu chịu khuất phục những nông dân Thời đại Đồ đá trong khi cây sồi mãi đến ngày nay vẫn đánh bại những nhà nông học thông minh sáng láng nhất của chúng ta?

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now