CHƯƠNG 12. Bản gốc và những chữ cái vay mượn

20 0 0
                                    


Các tác giả thế kỷ mười chín có xu hướng lý giải lịch sử như là sự hành tiến từ dã man đến văn minh. Những cột mốc chủ yếu trong quá trình chuyển hóa này là sự phát triển nông nghiệp, nghề luyện kim, công nghệ tinh vi, chính phủ tập trung hóa, và chữ viết. Trong số đó, chữ viết xưa nay vẫn được coi là cột mốc có tính giới hạn nhất về địa lý: mãi đến khi đạo Hồi bành trướng và người châu Âu bắt đầu đi chinh phục thuộc địa, chữ viết vẫn hoàn toàn vắng mặt ở châu Úc, các đảo Thái Bình Dương, châu Phi hạ xích đạo và toàn bộ Tân Thế Giới ngoại trừ một phần nhỏ Trung Mỹ. Do hậu quả việc chữ viết phân bố không đồng đều đó, những kẻ tự hào là kẻ văn minh vẫn cho rằng chữ viết là sự khác biệt rõ ràng nhất nâng họ lên vị trí cao hơn so với những lũ người "dã man" hay "mọi rợ".

Tri thức mang lại quyền lực. Thế nên chữ viết mang lại quyền lực cho xã hội văn minh, bởi nhờ chữ viết mà tri thức có thể được truyền tải chính xác hơn nhiều, với số lượng lớn hơn nhiều và chi tiết hơn nhiều, từ những vùng xa xôi hơn và những thời đại xa xưa hơn. Dĩ nhiên, một số dân tộc (đặc biệt người Inca) đã từng cai quản được cả một đế quốc mà không cần đến chữ viết, và các dân tộc "văn minh" không phải bao giờ cũng đánh bại được các dân tộc "dã man" - các đạo quân La Mã khi đương đầu với các tộc Hung nô đã học được bài học đó. Nhưng việc người châu Âu chinh phục được châu Mỹ, Siberia và châu Úc đã minh họa cho hệ quả điển hình của việc sở hữu chữ viết trong lịch sử.

Chữ viết song hành cùng vũ khí, vi trùng và tổ chức chính trị tập trung hóa như một trong các tác nhân chinh phục ở thời hiện đại. Mệnh lệnh của các tu sĩ và thương gia, những kẻ tổ chức các đoàn tàu chinh phục thuộc địa, đều được truyền đạt bằng chữ viết. Các đoàn tàu chinh phục thuộc địa xác định hải trình nhờ các bản đồ và văn bản hướng dẫn đi biển đã được lập từ những chuyến đi trước đó. Những báo cáo thành văn về các chuyến đi trước đó là tác nhân kích thích cho những chuyến đi sau, bằng cách mô tả sự giàu có và những vùng đất màu mỡ đang đợi người chinh phục. Những báo cáo đó cảnh báo cho các nhà du hành tiếp bước về những khó khăn họ sẽ phải đối mặt và giúp họ chuẩn bị sẵn sàng. Các đế quốc ra đời từ những chuyến đi này được cai quản nhờ chữ viết. Tuy toàn bộ các loại thông tin kể trên cũng được truyền tải bằng những phương tiện khác trong các xã hội chưa có chữ viết, song chữ viết giúp cho việc truyền tải đó dễ dàng hơn, chi tiết hơn, chính xác hơn và giàu thuyết phục hơn.

Nếu vậy thì tại sao chỉ một số dân tộc này chứ không phải những dân tộc khác đã tạo ra chữ viết một khi nó đã có giá trị áp đảo như vậy? Chẳng hạn, tại sao các xã hội săn bắt hái lượm truyền thống đã không phát minh ra hoặc tiếp thu chữ viết? Cùng là đế quốc hải đảo như nhau, song tại sao chữ viết chỉ phát sinh ở nền văn minh Minoa đảo Crete chứ không phải ở đảo Tonga thuộc Polynesia? Chữ viết đã phát sinh bao nhiêu lần cách biệt nhau trong lịch sử loài người, trong những hoàn cảnh nào, vì những mục đích nào? Trong các dân tộc đã phát minh ra chữ viết, tại sao một số dân tộc làm việc đó sớm hơn nhiều so với các dân tộc khác? Chẳng hạn, ngày nay hầu như tất cả người Nhật và người Scandinavia đều biết đọc còn hầu hết người Iraq thì không, thế nhưng tại sao chữ viết đã phát sinh ở chính Iraq gần bốn ngàn năm trước?

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now