CHƯƠNG 8. Táo hay người Anh-Điêng?

41 0 0
                                    


Chúng ta vừa thấy các dân tộc ở một số khu vực đã bắt đầu trồng các loài cây dại, một bước đi có những hệ quả to lớn không ngờ đối với lối sống của họ và vị trí của hậu duệ họ trong lịch sử. Giờ ta hãy quay lại những câu hỏi của chúng ta: Tại sao nông nghiệp đã không hề phát sinh độc lập ở một số khu vực màu mỡ và thích hợp nhất cho việc đó như California, châu Âu, Australia ôn đới và châu Phi hạ xích đạo? Trong các khu vực nơi mà nông nghiệp đã phát sinh độc lập, tại sao ở một số khu vực nó đã phát triển sớm hơn nhiều so với ở những khu vực khác?

Có hai cách giải thích trái ngược nhau: hoặc vấn đề nằm ở bản thân các dân tộc bản địa, hoặc vấn đề nằm ở các loài cây dại có ở khu vực đó. Một mặt, có lẽ hầu như bất cứ khu vực nào trên thế giới mang khí hậu ôn đới hay nhiệt đới và có nước tưới đầy đủ thì đều có đủ những loài cây dại thích hợp cho việc thuần hóa. Trong trường hợp đó, nguyên nhân khiến cho nông nghiệp đã không phát triển ở một vài khu vực trong số này ắt phải nằm ở đặc tính văn hóa của các dân tộc sinh sống ở đó. Mặt khác, có thể ít nhất là một số người ở các khu vực lớn trên thế giới vốn mang đầu óc cởi mở nên đã sẵn sàng thử nghiệm, nhờ vậy mà dẫn đến việc thuần hóa. Nếu quả đúng vậy thì chỉ vì thiếu những loài cây dại thích hợp mà nền sản xuất lương thực đã không tiến hóa ở một vài khu vực.

Như ta sẽ thấy ở chương sau, câu hỏi tương tự đối với việc thuần hóa các loài hữu nhũ lớn tỏ ra dễ lý giải hơn, bởi số loài hữu nhũ lớn ít hơn nhiều so với số loài cây. Thế giới chỉ có chừng 148 loài hữu nhũ lớn sống trên đất liền ăn cỏ hoặc ăn tạp, những loài hữu nhũ đủ lớn để có thể coi là ứng viên cho việc thuần hóa. Chỉ có một vài nhân tố quyết định liệu một loài hữu nhũ có thích hợp để thuần hóa hay không. Vì vậy, không khó để khảo sát các loài hữu nhũ hiện hữu ở một vùng và kiểm chứng xem có phải ở một vài khu vực người ta đã không thuần hóa các loài hữu nhũ lớn là do thiếu những loài hoang dã thích hợp hay là bởi những vấn đề nằm ở chính con người.

Cách làm đó sẽ khó áp dụng hơn nhiều đối với cây trồng, đơn giản vì có quá nhiều - những 200.000 - loài cây dại có hoa, những loài cây thống trị toàn bộ cây cỏ trên đất liền và cung cấp hầu như mọi thứ cây trồng của chúng ta. Chúng ta không thể mong đủ sức khảo sát toàn bộ các loài cây dại dù chỉ ở một vùng khu biệt như California đặng đánh giá xem bao nhiêu loài trong số đó có thể thuần hóa được. Nhưng ta sẽ xem làm cách nào giải quyết được vấn đề đó.

Khi nghe nói có quá nhiều loài cây nở hoa đến vậy, phản ứng đầu tiên của người ta ắt sẽ là: hẳn rồi, với ngần ấy loài cây dại trên Trái đất thì bất cứ khu vực nào mà khí hậu đủ ôn hòa thì ắt phải thừa đủ những loài có thể thuần hóa thành cây trồng chứ.

Nhưng ta hãy nhớ lại rằng đại đa số các loài cây dại là không thích hợp, vì những lý do hiển nhiên: chúng có nhiều gỗ, chúng cho ra quả không ăn được, lá và rễ của chúng cũng không ăn được. Trong số 200.000 loài cây dại, chỉ có vài ngàn là con người có thể ăn được, trong số đó chỉ vài trăm loài đã được ít nhiều thuần hóa. Thậm chí trong số vài trăm loài đó, hầu hết chỉ cung cấp những phần bổ sung nhỏ nhoi vào thực đơn của chúng ta và bản thân chúng hẳn không đủ để hỗ trợ cho việc phát sinh các nền văn minh. Chỉ có vỏn vẹn một tá loài chiếm tới trên 80% sản lượng hàng năm của toàn bộ cây trồng trên thế giới hiện nay. Một tá loài "chủ lực" đó là các cây ngũ cốc lúa mì, ngô, lúa gạo, lúa mạch và lúa miến; cây đậu nành; thân hoặc rễ của cây khoai tây, sắn và khoai lang; cây mía và củ cải đường cung cấp nguyên liệu làm đường; và quả chuối. Riêng các cây ngũ cốc đã chiếm hơn một nửa lượng calori mà dân số toàn thế giới tiêu thụ. Với quá ít loài cây trồng chính trên thế giới như vậy, tất cả đều đã được thuần hóa cách đây hàng ngàn năm, chẳng có gì lạ rằng nhiều khu vực trên thế giới không có loài cây dại bản địa nào có tiềm năng đặc sắc. Trong thời hiện đại chúng ta đã không thể nào thuần hóa thêm dù chỉ một loại cây lương thực chính mới, điều đó cho thấy các dân tộc cổ đại có lẽ đã thử nghiệm hầu hết các loài cây dại có ích và những loại nào đáng được thuần hóa thì họ đã thuần hóa cả rồi.

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now