CHƯƠNG 13. Mẹ đẻ của nhu cầu

23 0 0
                                    

Vào ngày 3 tháng bảy năm 1908, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật cung điện Minoa thời cổ đại ở Phaistos trên đảo Crete và tình cờ bắt gặp một trong những mẫu vật đặc sắc nhất trong lịch sử công nghệ. Thoạt trông nó chẳng có gì đặc biệt: chỉ là một chiếc đĩa tròn nhỏ, phẳng, không vẽ vời gì, làm bằng đất sét nung kỹ, đường kính 6 inch rưỡi (khoảng 16,5 cm, ND). Song khi quan sát kỹ người ta phát hiện rằng mỗi mặt đĩa đều phủ đầy những chữ viết nằm trên một đường cong xoáy trôn ốc theo chiều kim đồng hồ tạo thành năm vòng từ mép đĩa vào trung tâm đĩa. Tổng cộng có 241 ký hiệu, được phân chia rõ rệt thành vài nhóm ký hiệu (có lẽ là bao gồm những từ), ngăn cách nhau bởi những vạch khắc thẳng đứng. Người viết ắt đã trù tính trước và thực hiện cái đĩa này một cách cẩn trọng, viết lên toàn bộ không gian trống bắt đầu từ mép đĩa, men theo đường xoáy trôn ốc sao cho khi vào đến chính giữa đĩa thì vẫn không thiếu chỗ.

Ngay từ khi được khai quật, chiếc đĩa đã là một bí ẩn đối với các sử gia chuyên về chữ viết. Số lượng ký tự riêng biệt (45) gợi ý rằng đây là một hệ chữ biểu vần chứ không phải hệ chữ cái ghi âm, nhưng người ta vẫn chưa giải mã được nó, và hình dạng các ký hiệu cũng chẳng giống bất cứ hệ chữ viết nào người ta đã gặp. Người ta cũng không hề phát hiện được thêm một mẩu nào của loại chữ lạ này trong suốt 89 năm từ khi phát hiện ra nó. Do vậy vẫn còn chưa rõ liệu đây có phải là chữ viết bản địa của Crete hay là một chữ viết từ nơi khác du nhập đến.

Một mặt chiếc đĩa Phaistos gồm hai mặt.

Đối với các nhà lịch sử công nghệ, chiếc đĩa Phaistos thậm chí còn khó hiểu hơn; niên đại dự đoán là 1.700 năm tr.CN làm nó nghiễm nhiên trở thành văn bản in sớm nhất trên thế giới. Thay vì được khắc bằng tay như tất cả các văn bản bằng chữ viết Kẻ vạch A và Kẻ vạch B, các ký hiệu trên đĩa này được dập lên đất sét mềm (sau đó được nung cứng) bằng những con dấu có khắc nổi các ký hiệu. Rõ ràng là người in đã có một bộ gồm ít nhất 45 con dấu, mỗi con cho một ký hiệu xuất hiện trên đĩa. Chế tác những con dấu đó ắt hẳn đòi hỏi rất nhiều công sức, và chắc chắn người ta làm ra những con dấu đó không phải chỉ để in mỗi một văn bản này. Dù người sử dụng chúng là ai, có lẽ họ đã viết và in nhiều thứ. Với những con dấu đó, chủ nhân chúng có thể sản xuất các bản sao nhanh và gọn hơn nhiều so với nếu phải hì hụi viết từng ký hiệu một vốn dĩ phức tạp của thứ chữ viết này.

Đĩa Phaistos là một bước tiên phong trong kỹ nghệ in. Đến khi loài người nỗ lực phát minh nghề in vào những lần sau, họ cũng khắc các con chữ hay khối chữ in theo cách tương tự, song dùng mực in lên giấy chứ không phải in lên đất sét không dùng mực. Tuy nhiên, mãi 2.500 năm sau người ta mới lại nỗ lực phát minh nghề in ở Trung Hoa còn ở châu Âu Trung cổ thì phải đến tận 3.700 năm sau. Tại sao kỹ thuật chế tác chiếc đĩa này phát triển từ sớm như vậy song lại không được áp dụng rộng rãi ở Hy Lạp hay nơi nào khác ở Địa Trung Hải thời cổ đại? Tại sao phương pháp in đĩa đó đã được phát minh ở Crete vào khoảng 1.700 năm tr.CN chứ không phải vào một thời nào khác ở vùng Lưỡng Hà, Mexico hay bất cứ trung tâm chữ viết cổ đại nào khác? Tại sao phải mất hàng ngàn năm sau người ta mới nảy ra thêm ý tưởng dùng mực và máy để rồi đi đến giải pháp máy in? Vậy nên chiếc đĩa này là một thách thức to lớn cho các nhà sử học. Nếu mọi phát minh đều tương tự như có thể suy ra từ trường hợp chiếc đĩa này - độc nhất vô nhị và bất khả đoán - thì mọi nỗ lực hòng khái quát hóa về lịch sử công nghệ có nguy cơ thất bại ngay từ đầu.

SUNG VI TRUNG VA THEPWhere stories live. Discover now