Chu Xung và Lục Lục xuống xe, tìm đến phòng 106 nhà 3, gõ cửa.
Một bà già ra mở cửa cho họ. Đứng sau bà là một ông già. Cả hai đều ăn mặc bình dị như những người già bình thường về hưu, Chu Xung và Lục Lục vẫn tỏ ra rất kính trọng họ.
Chu Xung nói luôn: "Chào bác, cháu là bạn của Khúc Thiêm Trúc, đây là Lục Lục bạn gái cháu."
Bà già có vẻ ân cần: "Ừ, hai cháu vào đây!"
Chu Xung và Lục Lục thong thả bước vào, họ nhìn một lượt. Căn hộ rất chật, đèn điện cũng không sáng mấy, nhà có rất nhiều đồ đạc, đều là đồ cũ kỹ đã dùng nhiều năm, bộ ghế đệm cũng bạc phếch.
Cả hai ngồi xuống đi-văng, hai ông bà già rót nước mời, rồi cũng ngồi xuống. Ánh mắt họ có nét ngóng chờ, không biết hai người này đến có việc gì.
Chu Xung vào thẳng vấn đề: "Cháu xin hỏi bác trai quý danh là gì ạ?"
Ông già hơi ngạc nhiên, đáp: "Vương Hải Đức."
Lục Lục lập tức cho rằng họ là cha và mẹ của Điền Phong.
Chu Xung lại hỏi bà già: "Còn bác gái..."
Bà già đáp: "Tôi là Diệp Tử Mi."
Chu Xung nhìn Lục Lục, rồi lại hỏi: "Hai bác biết anh Điền Phong chứ?"
Hai ông bà nhìn nhau, và đều im lặng.
Lát sau, ông già nói: "Tôi đoán ra rồi, hai người đến vì nó..."
Chu Xung hỏi: "Chuyện là thế nào ạ?"
Vương Hải Đức thở dài, rồi ông kể về đứa con trai Điền Phong yêu thương của mình. Ông nói rất chậm rãi, vẻ mặt vừa hạnh phúc vừa có nét bi thương. Chu Xung và Lục Lục cũng dần hình dung được sự thật về con người bất tử kia với bao tình tiết buồn vui trải dài theo dòng thời gian. Cả hai thấy người bỗng ớn lạnh như đang ở trong cái nóng gay gắt của mùa họ, bất chợt cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông tràn về.
Vương Hải Đức và Diệp Tử Mi đều làm ở xưởng dược phẩm Hoa Đức, chuyên sản xuất thuốc tây, đây là xưởng dược lớn nhất Bắc Kinh thời đó. Hải Đức làm về bảo quản nguyên liệu, Tử Mi làm công nhân nạp thuốc, đóng gói.
Năm 1972 họ kết hôn, nhưng rất lâu sau Tử Mi không sinh nở, hai vợ chồng đã chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn không có kết quả.
Năm 1977, mồng 7 Tết âm lịch, xưởng dược lại hoạt động như mọi ngày. Hai vợ chồng họ không thể ngờ đó lại là ngày họ gặp nhân vật oan gia ấy.
Vừa nghỉ tết xong, công việc của xưởng rất bề bộn. Hải Đức vốn cần cù, nên hôm đó sau khi tan tầm vẫn ở lại dọn dẹp nhà kho. Bỗng nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc, ông bèn đi tìm. Ông thấy trong cái thùng nguyên liệu có một đứa bé được bọc trong bộ đồng phục nữ công nhân xưởng dược. Mở ra nhìn kỹ, thấy tay trái của nó thiếu ngón cái, tay phải của nó thiếu ngón giữa (ngón cái tượng trưng nữ tính, ngón giữa tượng trưng nam tính). Không có dấu hiệu bị thương tích, chứng tỏ bẩm sinh đã thiếu ngón.
Hải Đức đoán rằng một cô gái nào đó của xưởng dược đã sinh ra đứa bé, thấy nó bị khuyết tật bèn lén vứt đi. Ông thấy xót thương cho một sinh linh bé nhỏ đã bị ruồng bỏ khốn khổ. Ông lại nghĩ đến Tử Mi, vợ ông không thể sinh con. Hải Đức nghĩ bụng, nếu Tử Mi đồng ý thì vợ chồng ông sẽ nuôi. Nó bị vứt ở trong nhà kho, âu cũng là duyên phận.
YOU ARE READING
Cưới Ma (Minh Hôn)
Horror"... Dù cùng ai người nguyện cầu vĩnh viễn, Sau vĩnh viễn người lại thuộc về anh. Dù người hẹn với ai cả lai sinh, Thì kiếp này cũng cho anh kỉ niệm." Có những câu chuyện kinh dị ám ảnh người đọc vì câu từ, hình ảnh miêu tả, tình tiết v.v... và có n...