Phần 6. Bậu ơi, em buồn chi

456 84 8
                                    

Buổi trưa hè nắng chói chang, lâu lâu lại có đợt gió mùa thổi qua, ngoài đồng đám nhỏ đang tíu tít chạy sau lưng má, giữa cái nắng hè mà chúng nó mang theo cả diều ra thả, cánh diều bay vút lên khoảng trời xanh thẫm. Má nó làm cơm sẵn, múc cho thằng Vũ một phần, còn lại thì má nó với con ba Ngọc ăn vội cho kịp giờ đem cơm ra đồng cho thằng Vũ, nó đang đào cái mương cho ông bảy Đinh ở xóm trong. Tám năm qua đi, con ba Ngọc trổ mã con gái, mặt mũi con gái nhà nông mà, tuy không xinh xắn như bao cô gái nhà giàu khác nhưng có cái nụ cười duyên. Vì cái tính cần cù siêng năng của con ba, khiến cho biết bao chàng trai trong làng thầm thương trộm nhớ. Vậy mà ba Ngọc vẫn bám thằng Vũ, bám theo má như đứa trẻ. Cái mùa gặt lần trước má cùng với mấy dì xóm trên đi qua đồng bên gặt thuê cho ông hội đồng Nguyễn, con ba xin vào giúp má gặt lúa, chỉ lấy công của má còn con ba thì không cần, ấy thế mà lọt vào con mắt xanh của cậu hai Minh Phương nhà ông hội đồng Nguyễn. Chiều hôm đó về được cậu hai Minh Phương kêu bà mối qua ngỏ lời, muốn hỏi ý em ba có chịu không, nếu chịu thì nó qua mùa gặt năm sau mang trầu cau sang dạm hỏi. Con ba Ngọc nghe nói lại, lắc đầu nguây nguẩy, nghẹn ngào như thể ăn phải cái gì đó mắc ở cổ họng vậy. Tối đến con ba nằm ôm má khóc, nói.

" Má ơi, má đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Vả lại con có yêu thương gì người ta mà cưới hả má? Con xin má... "

Má chúng nó nào muốn gả con mình sớm như vậy, nhớ lại cái cảnh khốn khổ cùng cực của má khi trước là hiểu. Nhưng mà ở cái chốn này, con gái khi lớn không có học thức, không có công ăn chuyện làm ổn định thì gả chính là cách tốt nhất. Không phải ông bà ta hay nói " con gái hơn nhau tấm chồng " sao? Còn để quá thì lỡ duyên bà con làng xóm nói ra nói vào, họ đánh giá đủ điều. Mà nhiều năm nay má nó sống trong lời chì chiết quá đủ, không muốn tới đời con mình như thế. Con ba Ngọc nghe má nói xong buồn lắm, má cực khổ chăm chút cho hai anh em gần hai mươi năm nay, ngậm đắng nuốt cay, khổ trăm đường mà còn không thoát được cảnh nghèo hèn, bất quá hiện tại có ăn có mặc hơn, không sợ bữa đói bữa no. Con ba Ngọc hứa đền công ơn má, nên nào có dám cãi, nhưng mà trong lòng vẫn không thể vui vẻ chấp nhận.

Tối đó thằng Vũ đi giăng câu tới chập tối mới về, về tới nơi thì tay lắm chân bùn, mặt mũi phờ phạc hết do gió đêm ngoài ruộng lạnh, nó ăn mặc phong phanh, còn có cả mấy con đỉa to to rình lấy cơ hội mà cắn lấy. Con ba Ngọc nghĩ thế mình có giống con đỉa không? Thì bình thường không phải mấy người nhà giàu hay nói bọn dân đen là đỉa sao? Đợi cơ hội mà bám lấy mấy tên đấy, đổi đời. Thằng Vũ thấy ba Ngọc ngồi trông ngốc ngoài cửa thẫn thờ, nhìn trăng, nhìn trời. Thằng Vũ về đã lâu mà con nhỏ vẫn chưa phát hiện ra. Nó mới tằng hắng một tiếng, ba Ngọc giật mình. Thấy anh hai liền toe toét cười, nhanh chạy vào nhà lấy rổ đựng mớ cá. Gần đây nước lớn sớm, cá vào cũng nhiều, ba Ngọc thầm nghĩ sáng mang ra chợ bán chắc đổi được nhiều ngon lắm, nếu còn dư...còn dư thì...

" Mai em mang cá ra chợ bán, được nhiêu thì được, không cần đổi gạo. Cầm lấy tiền đó sang tiệm vải mua khúc vải đẹp, về mai áo mới mà bận. "

Thằng Vũ vừa nói vừa đem mớ lưới giăng cá máng lên cây xào để gỡ, con ba Ngọc nghe xong gật đầu. Trước giờ toàn như vậy, nếu em ba không vui đều thể hiện ra mặt hết, mà thằng Vũ chưa từng thấy cái dáng vẻ trầm tư suy nghĩ của em mình, nó dằn lòng muốn hỏi xuống, dẫu sao ba Ngọc đã lớn, không còn là đứa nhỏ chạy theo sau lưng anh mình đòi mua bánh ú, cũng không vì một cái bánh trung thu mà cười ngây ngô như trước. Thằng Vũ buồn, không hiểu buồn vì cái gì. Có lẽ do cơn gió đêm thổi qua lạnh quá, cũng có thể tiếng dế kêu nghe não lòng làm sao hoặc do chính nó trước giờ vẫn luôn chưa từng có ngày yên lòng. Con ba cứ nghĩ làm không tập trung cái bị cá chốt đâm chảy máu, thế mà vẫn không kêu la gì, cắn răng chịu đựng, sang buổi sáng thì sưng vù lên.

Nguyên Châu Luật | Ầu Ơ Dí Dầu Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ