Lời mở đầu

1.2K 42 4
                                    

Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng trí nhớ con người sẽ kéo dài bao lâu chưa? Vì sao có những chuyện xảy ra khi ta còn bé tí mà vẫn có thể nhớ được? Thậm chí ngay cả khi về già, những mảnh ký ức chắp ghép về một thời đã xa vẫn in đậm trong tâm trí ta?

Tôi là một cô gái yêu thích khoa học. Nếu xét theo góc độ khoa học mà lý giải thì đây là một việc hết sức bình thường. Não bộ là một trong những cơ quan lớn nhất và phức tạp nhất của cơ thể con người, nó đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như duy trì sự sống, phản xạ hằng ngày, học tập nghiên cứu hoặc điều khiển cảm xúc cá nhân. Và quan trọng nhất, não bộ lưu giữ ký ức người còn sống.
 
Vâng, tôi xin nhấn mạnh ba chữ "người còn sống", bởi chỉ khi còn tồn tại trên đời, con người mới có "ký ức". Mà một khi đã hoàn toàn biến mất khỏi thế gian này, "ký ức" của người đó cũng tan vào hư vô, chẳng một ai có thể biết và thấu hiểu được những chuyện mà người đó đã từng trải qua.
 
Cũng giống như một đoạn trong bài hát "Nobody loves you" của John Lennon.
 
"Nobody loves you when you're old and grey
Nobody needs you when you're upside down
Everybody's hollerin' 'bout their own birthday
Everybody loves you when you're six foot in the ground..."
 
(Chẳng còn ai yêu thương khi bạn úa tàn già cỗi
Cũng chẳng có ai bên bạn khi sóng gió thăng trầm
Người ta còn đang bận hò hét vui vẻ trong bữa tiệc sinh nhật của mình
Và người ta chỉ yêu thương khi bạn đã nằm sâu sáu thước dưới mặt đất mà thôi...)
 
Như bạn đã thấy, ngoài việc yêu thích khoa học, tôi còn là người có hứng thú rất lớn với âm nhạc và văn chương. Vậy, quay trở lại chủ đề chính, trí nhớ con người có giới hạn nào không?
 
Một lần nữa xét trên góc độ khoa học thì ký ức là quá trình tâm lý phản ánh lại trong não bộ những hình ảnh của sự vật, hiện tượng đã tri giác được hoặc những tư tưởng, tình cảm, hành động của chúng ta với những sự vật, hiện tượng đó. Nghe thì có vẻ khô khan, khó hiểu nhưng mong bạn đọc chỉ chú ý đến hai chữ duy nhất cho tôi: TÌNH CẢM!
 
Với thâm niên hơn 20 năm hành nghề trong giới, khoa học có thể lý giải hành vi, cử chỉ hay những thay đổi bất ngờ của não bộ nhưng không có ai dám công bố nghiên cứu về hành động của trái tim cả. Cảm xúc hay quyết định xuất phát từ trái tim thường rất khó phán đoán, không dễ gì nắm bắt được. Cho dù đối phương có là người thông minh nhất thế giới đi chăng nữa thì việc thấu hiểu tâm ý lẫn nhau là một chuyện hiếm khi nào xảy ra.
 
Từ vấn đề "tình cảm" này, sự việc và hiện tượng trong quá khứ được phân ra làm hai loại: ký ức tốt đẹp và ký ức... không được tốt đẹp cho lắm! Từ hai loại ký ức này, não bộ con người lại chia ra làm hai trạng thái: NHỚ và QUÊN!
 
Đến đây, tôi lại có câu hỏi muốn đặt ra để cùng nhau bàn luận: vì sao chúng ta cứ nhớ mãi những ký ức không vui? Lần bạn bị điểm kém, lúc bạn bị trách phạt hay khi người yêu/ chồng của bạn phạm phải lỗi lầm khiến hai bên xích mích cãi vã? Có biết bao nhiêu ký ức để chọn nhưng vì sao chúng ta cứ "chiếu lại" những thước phim không đẹp của cuộc đời mình như vậy?
 
Xin thưa, đó là tính dai dẳng của trí nhớ (persistence), đây được coi là một trong 7 đại tội của trí nhớ khiến chúng ta cứ bị đeo bám bởi những ký ức không mong muốn kia.
 
Điều này xảy ra do chức năng lưu trữ ký ức của hạch hạnh nhân (amygdala) và chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter). Hạch hạnh nhân có chức năng điều chỉnh cảm xúc (sợ hãi, tức giận, kinh hoàng) và góp phần vào việc lưu trữ ký ức dài hạn, đặc biệt là những sự kiện KHƠI DẬY CẢM XÚC.

Còn các chất dẫn truyền thần kinh lại đảm nhận việc hình thành những ký ức mới, lưu trữ chúng thành ký ức dài hạn, đặc biệt khi trải qua một sự kiện với cảm xúc mạnh, những chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng nhiều hơn, khiến chúng ta NHỚ VỀ SỰ KIỆN ĐÓ LÂU HƠN.
 
Cũng theo một nghiên cứu của McGaugh, glutamate là một chất dẫn truyền khiến bộ não nhớ về những trải nghiệm căng thẳng rất rõ ràng và sinh động. Vì thế mà ta ghi nhớ những sự kiện không tốt lâu hơn và cũng giành thời gian suy nghĩ về nó nhiều hơn một chút. Điều này vô tình dẫn đến hàng loạt hệ lụy, đặc biệt khi đón nhận điều gì đó trái ngược với mong đợi, con người ta luôn tìm lý do để có thể chấp nhận nó. Tuy nhiên, câu trả lời thường quy tụ thành những suy nghĩ tiêu cực, rồi lại lo lắng, trầm cảm và càng khiến chúng ta suy nghĩ về nó nhiều hơn.
 
Dĩ nhiên, trên đây chỉ là những nghiên cứu của các nhà khoa học, nó vốn không phải là thực tế. Bởi chỉ khi bạn được trải nghiệm ngoài đời, bạn sẽ biết trí nhớ con người khi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng thường sẽ lựa chọn LÃNG QUÊN. Không phải hoàn toàn lãng quên tất cả, mà càng giống như một câu nói của Gabriel Garcia Marquez.
 
"Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp!"
 
Vâng, một lần nữa tôi lại phải nhấn mạnh hai chữ TRÁI TIM ở đây, bất kỳ thứ gì liên quan đến trái tim đều vô cùng phức tạp và rắc rối nhỉ? Nhưng chúng ta phải học cách chấp nhận nó, phải biết hài hòa giữa hai yếu tố trái tim và lý trí trong mọi hoàn cảnh, có vậy mới không khiến mọi chuyện đi quá xa so với dự định ban đầu.
 
Tôi chưa bao giờ dám nhận mình tài năng, cũng không muốn coi bản thân là một kẻ dạy đời, giảng giải dăm ba thứ đạo lý vớ vẩn để mọi người chê cười. Bởi căn bản tôi chỉ là một kẻ thất bại đáng thương mà thôi, sao có tư cách chỉ bảo ai phải làm gì cơ chứ?
 
Nếu bạn đã đọc đến đây, xin hãy nhớ cho rằng, tôi chỉ đơn thuần muốn lưu trữ ký ức, muốn nhắc lại câu chuyện thuộc về quá khứ, muốn ghi lại cảm xúc chân thật về những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Và nếu may mắn được mọi người đón nhận, được những người đã từng đi qua cuộc đời tôi để ý tới, xin gửi một lời cảm ơn chân thành nhất đến bạn đọc đã dõi theo đến tận những dòng này.
 
Cảm ơn và chân thành xin lỗi...
 

[ShinShi] Lan Nhân Nhứ QuảNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ