Chương 2-1: Ngô đồng

229 5 6
                                    


Khi mũi thuyền lướt chậm chạp trôi đến ngã ba sông Châu, con mắt nhìn của Mục Huyền như không tài nào dứt ra được khỏi cây cổ thụ mọc trên bờ. Chàng đưa tay cuộn cao mành trúc che khung cửa sổ mà hướng về phía tán cây xum xuê đứng sừng sững, vươn tán rộng án ngữ cả một góc trời. Trận rét mướt của tháng Ba kéo mây đen giăng kín vòm cao xanh, rồi nổi gió mà giũ mưa lạnh rải khắp vùng Đọi Sơn. Cổ thụ hiện lên giữa một dải cỏ cây lẫn làng mạc bị sương trắng xóa nhòa. Chàng không nhìn được ra tán cây có màu xanh thẫm hay xanh tươi mơn mởn, cũng chẳng rõ có bông hoa nào đương bung nở trên tán đấy hay không. Chàng chỉ thấy dáng dấp của cái cây ấy vươn cao, xòe rộng ra mọi hướng nom tựa như cánh chim giương lên ngông nghênh giữa nền mây xám ngoét. Đấy là cây gì? Mục Huyền hỏi anh hầu đang đứng mài mực cho chàng. Người hầu ngẩng đầu ngó ra ngoài khung cửa rồi lại cúi đầu tiếp tục miết nhẹ thoi mực xuống lòng nghiên ngọc. Anh ta tỉ mẩn với cái chất đen đặc đang hòa dần vào nước, miệng se sẽ đáp bằng giọng nghiêm cẩn. Xa quá, nhìn bằng mắt thường không đoán được. Mục Huyền tiu nghỉu, chàng đành bóng cổ thụ trôi dần qua mà quay về thư án. Mực đã mài xong, giấy bút đã bày sẵn, bên góc tả có bày thêm một tờ sớ dễ là của quan tri huyện dâng lên. Theo lệ thường, chàng đọc sớ trước. Đúng thật của quan tri huyện. Nét bút cũng khá, chàng tán thưởng, trong lòng khoan khoái mà đưa mắt lướt dọc từng hàng chữ tấu trình những sự cắt đặt của dân chúng ở xứ này cho cái lễ tịch điền sắp đến vào dăm hôm nữa. Kể từ cuối tháng Chạp, dân vùng này đã kháo nhau về cái lễ to mà sang tháng Ba năm nay đất ấy được hưởng. Vụ chiêm năm trước, khoảnh ruộng làng Đọi nhận khoán từ cửa quan gặt về hai bông lúa ba nhành vàng ruộm. Quản giáp đem trình lên thánh thượng, người cho đấy là điềm lành nên hạ chỉ chọn ruộng ở Đọi Sơn làm lễ tịch điền năm nay. Dễ phải đến cả gần chục niên thánh thượng ngự giá về Bố Hải Khẩu, mãi đến giờ vùng này mới được hưởng phúc phần ấy. Dân cả một huyện Duy Tiên nhận chiếu thì mừng, nhưng mừng rồi lại đâm lo, sợ không làm được tươm tất như người ta. Vậy là họ bận bịu sắm sửa từ tận trong năm. Mục Huyền khẽ cười, chàng lấy làm thương cho cái mối lo âu chân chất dân quê này nhưng cũng thấy đẹp lòng trước sự sốt sắng công việc như thế. Hẵng còn thiếu trâu cày, chàng chau mày khi đọc đến đây. Làng đã phân phó nhà nuôi trâu, có điều ngày hăm chín tháng trước nó lại lăn đùng ra chết rét, người nhà chủ trâu đang chạy vạy khắp nơi tìm cho được một ông trâu thế vào. Viên quan sợ bị khép tội cũng không dám giấu chuyện tày đình như thế, mới dâng sớ thỉnh ý của chàng. Mục Huyền thả tờ sớ xuống mặt bàn, chàng nghĩ một lúc mới nhấc bút thảo mấy chữ cho viên quan, dặn dò sớm lo liệu việc tìm trâu, chớ chùng chình thêm kẻo lại đến tai thánh thượng. Vừa đưa bút, chàng vừa hỏi anh hầu Thận đang đứng nghiêm cẩn ở mé bên hữu án thư về viên quan. Thận theo hầu chàng đã được chục năm, sau khi chàng nhận sắc phong, trở thành Đông Cung hoàng thái tử Duệ Văn, anh ta cũng nhận lĩnh cái chức cận hầu, làm tai mắt nghe ngóng thay chàng từng chuyện lớn nhỏ trong ngoài cung Long Đức. Trước lúc chàng phụng mệnh đến Đọi Sơn đốc thúc kẻ dưới sắm sửa cho lễ tịch điền, Thận đã dâng lên độ mươi cái tên của quan viên vùng này. Ai là hạng nhiệm tử (1), ai thăng tiến nhờ tài thi thố, anh đều bẩm lên rành rọt. Nghe chàng hỏi, Thận nhẩm lại trong đầu, đoạn chắp tay thưa viên quan ấy đỗ kỳ thi năm Kiến Hưng thứ mười chín, mới ngoài hăm lăm, từ lúc nhậm chức vẫn chưa có điều tiếng gì. Chân mày của Mục Huyền chỉ hơi nhướn lên rồi lại dãn ra như cũ. Lời anh hầu tả cũng chẳng khác mấy hình dung trong đầu chàng. Viên quan cũng là tay có tài, tính tình ngay thẳng. Chàng hỏi thêm về thân thế, anh hầu lại nhắc đến nhà thượng thư bộ hộ, Lý Khiêm. Ra là học trò của Châu Giang phu tử, nghe đến đây nét mặt Mục Huyền lộ rõ ý mừng. Chàng đoán nếu lễ này thành thì ắt viên quan trẻ tuổi cũng sẽ sớm được triệu lên kinh phụng mệnh. Đột nhiên, án thư và cả ghế chàng ngồi rung lên, rồi cả khoang thuyền chao đảo. Phía bên ngoài vọng vào tiếng phu thuyền hò nhau vững tay chèo vượt qua xoáy nước dữ. Cả con thuyền lắc lư thêm một hồi theo từng đợt, nước bị khua loạn thành sóng vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Mục Huyền ngồi trong khoang, chàng sốt ruột mỗi bận nghe tiếng phu thuyền hò lấy sức để đẩy được mái gỗ. Cuộc vật lộn giữa đám phu với xoáy dữ nơi lòng sông giằng co quần thảo dễ đến nửa tuần hương, lúc dòng nước phẳng lặng trở lại, chàng bước đến gần khung cửa, mắt dõi nhìn về phía bờ kè đá xanh ở sát bờ. Từ đằng xa, những chiếc lọng che, cờ phướng đã được giương cao. Cả đoàn người ngựa quần là áo lượt đội mưa bụi chờ đón rước hoàng thái tử. Các quan viên đứng chỉnh tề chắp tay vái vọng lại mũi thuyền của chàng, lui về phía sau lưng họ là các cao niên, xa thêm một đoạn độ vài chục trượng nữa, lính canh chặn bước, dân chúng trong vùng đứng dàn thành hàng, chen chúc nhau cố rướn người lên, đưa mắt nhìn vượt ra con thuyền đang chậm rãi tiến lại gần. Ai nấy đều ngóng được xem tận mắt dung mạo trữ quân, trẻ con thì reo hò, người lớn lại rủ rỉ những chuyện nghe phong thanh.

[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ