Đến mùa sen tàn, khắp kinh thành râm ran có tin sang tháng Chạp, nam đinh ở các lộ sẽ phải tòng quân. Chúa động họ Can dấy binh làm phản, chiếm một châu Thảng Do rồi lập thành nước riêng, ắt rằng ra Giêng có đánh nhau to trên mạn ngược. Người ta rủ rỉ thế, lại bảo nhau lo liệu đủ đường để đón lõng cái lệnh tòng quân mười mươi sắp được ban xuống, rồi cũng theo đấy, nam phụ lão ấu đều ngóng quan thái úy hồi kinh chăm chú hơn hẳn những bận khác. Ngày Thìn quan vào thành, thì từ tối hôm trước, đã có người í ới hẹn nhau đón quan lúc tinh mơ. Quan thái úy hốc hác thấy rõ, dân chúng xì xào khi thấy ông ngồi lắc lư trên yên ngựa, hai vai hơi rủ làm bộ giáp trên người trông như đang đè nặng lên ông. Rời mắt khỏi Đoàn thái úy, người ta nhìn sang vị đang cưỡi ngựa chậm rãi đi ngang hàng với ông. Chàng còn trẻ, chỉ độ ngoài hăm mươi, nhưng tướng mạo lẫn phong thái đều nghiêm nghị, đĩnh đạc hơn hẳn người thường ở cái tuổi đấy. Tấm áo màu chàm của chàng, cả khăn đội, những ngón tay đeo chồng đến hai ba nhẫn bạc, cổ tay lồng mấy cái vòng rung lên theo nhịp vó ngựa gõ xuống đường, tất cả đều khác lạ trong mắt người ở thành Thăng Long. Đâu đấy giữa đám đông đứng dạt sang hai bên vệ đường, có cụ già khẽ dạy đứa cháu nhỏ đang giơ ngón tay bé tí chỉ trỏ chàng thanh niên, đấy là chúa động trên lộ Thượng Nguyên. Giọng nói thều thào ấy lọt vào tai, chàng thanh niên hơi ngoái đầu, cặp mắt màu nâu đồng nhìn một lượt những người đang đứng lố nhố rồi dừng lại trên khuôn mặt ngơ ngác của đứa trẻ con đầu để tóc quả đào. Nó không lảng tránh đôi mắt như mắt mèo rừng của chàng, nó cứ nhìn, nhìn xong lại nhe răng sún ra. Chàng cũng hừ một tiếng, cố nén cơn buồn cười. Đúng là trẻ con, chúng nó chẳng biết uy chúa động gì cả, dẫu thánh thượng ngự ngôi cao cũng còn phải nể cái uy đấy. Lần này chàng nghe lời mẹ, theo Đoàn thái úy về kinh, tự tay giao đứa con trai lớn của Can Lộc cho thánh thượng để người biết chàng có tài thế nào, nhà chúa động Giáp một lòng với triều đình chứ không nghe theo họ Can làm loạn. Chàng từng đến đất Kẻ Chợ đôi lần, lúc còn nhỏ và lúc mãn tang bố, lần thứ ba này cơ hồ thấy cảnh trí lẫn dân ở đây cũng chẳng khác là mấy. Trừ mỗi việc tiết trời vào đông, cả kinh đô trông u ám đến buồn. Thánh thượng long thể bất an, thế nên người cho triệu cả chàng và quan thái úy lên gác Long Đồ.
"Tôi vâng lệnh thánh thượng đợi hai ông ở đây từ cuối giờ Mẹo. Sáng nay thấy long thể bất an nên người miễn chầu cho quan viên, chỉ dặn tôi bao giờ quan thái úy vào cung cùng ông Quý Thiện đây thì phải đưa đến gác Long Đồ để hai ông diện thánh." Viên nội thị phụng lệnh dẫn đường cho hai người đợi sẵn ở trước điện Thiên An vừa hơi cúi đầu vừa đưa tay ra hiệu mời đi theo.
Chúa động ngần ngừ, nhưng thấy quan thái úy đã theo bước viên nội thị, chàng cũng xuôi theo. Gác Long Đồ nằm phía sau tòa điện to, là chỗ thánh thượng hay ngự mỗi bận nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Quan viên trong triều, đến cả các cung tần lẫn hoàng nam hoàng nữ đều phải có lệnh cho vời mới được vào hầu. Lúc Quý Thiện và quan thái úy theo chân nội thị vào diện thánh, người đang ngồi nhàn nhã trên sập gỗ, tay cầm quyển, tay chống nhẹ lên gối gấm. Bên cạnh người, hoàng thái tử đứng hầu, chàng dặn dò các cung nữ sửa soạn bữa thiện và mang ra thêm hai cái áo ấm. Vừa thấy Quý Thiện, Mục Huyền đã nở một nụ cười, đoạn chàng cho tả hữu lui xuống, rồi khẽ bẩm để thánh thượng hay là người đã đến.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ
عاطفيةChớ tham ngồi mũi thuyền rồng Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta Chớ ham vóc lĩnh trìu hoa Lấy chồng làm lẽ người ta giày vò. - Lời chèo cổ, trích "Những làn điệu chèo cổ chọn lọc", NXB Văn hóa thông tin, 2007 - Một vài lưu ý gửi đến bạn đọc: ...