Tinh hoa của những bông hoa

14 2 0
                                    

Có một thống kê vui rằng người Việt ăn nhiều loại hoa nhất thế giới.

Tôi không biết thống kê này của tổ chức WorldKings có chính xác không, bởi họ đếm ra đến tận 272 món ăn làm từ hoa. Cá nhân tôi thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay những loại hoa mà dân mình thường ăn, nhưng loại nào thì cũng đặc biệt cả.

Việc xem hoa như rau trong ẩm thực Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam.

Ngoài hoa chuối, ở miền Bắc còn có hoa hiên để nấu canh ăn rất mát. Xin thú thật là tôi chưa từng được ăn loại hoa này, nhưng có nghe một số người bảo rằng hoa hiên ngon nhưng hiếm và rất đắt. Ban đầu khi nhìn hoa hiên, tôi còn tưởng là loại hoa này không ăn được – bởi thường thì hoa càng đẹp, màu càng tươi thì càng khó nuốt. Hoa hiên màu vàng cam, thoạt trông thì chỉ để trưng bày, thế mà lại ăn được.

Nhưng hoa để ăn thì thường là chưa nở bung, bởi nở đến mức đấy rồi thì sẽ chát. Điển hình như hoa bí – hoa nở bung rồi thì trông giống như hoa trang trí, và khi ấy thì cũng chẳng ai ăn. Món hoa bí xào trứ danh chỉ có một chút màu vàng của những nụ hoa chưa nở, còn lại phần thân thì xanh như rau như lá. Đã đẹp thì người ta có nỡ ăn bao giờ?

Cái thú ăn hoa cũng vì thế mà thanh cảnh lắm. Đành rằng mình ăn hương ăn sắc, nhưng chỉ là khi hương sắc ấy chưa thành hình mà thôi. Mình ăn cái non, cái mát, như là một loại rau ngày hè chứ không phải để tàn phá vẻ đẹp nào của thiên nhiên.

Rau ăn mát, giòn; nhưng cái giòn mát của những bông hoa thì khá khác biệt.

Ai đã mê hoa bí, hoa thiên lý thì sẽ hiểu trong cái giòn của hoa còn có một vị nhân nhẫn khó diễn tả bằng lời. Chỉ hơi nhân nhẫn thôi để nhắc mình rằng đây là hoa đấy, không phải là thân, là lá chúng ta thường hay ăn đâu. Nhưng hậu vị sau cùng vẫn là vị ngọt lành thường gặp của những loại rau vườn.

Có người cho rằng, chúng ta thích ngắm hoa bởi vì hoa là bộ phận sinh dục của cây trái. Giả thuyết này dựa trên tính phồn thực của nghệ thuật, từ nghệ thuật tranh ảnh, điêu khắc đến ẩm thực. Tôi thì nghĩ đơn giản, rằng cái gì càng đẹp, càng tươi thì người ta càng mê đắm mà thôi.

Lá xanh cũng đẹp, nhưng chỉ có một màu xanh thì hơi đơn điệu. Một đĩa rau cũng vậy, nếu có thêm vài bông hoa điểm xuyết thì lại càng bắt mắt hơn.

Những bông hoa mà người Việt thường ăn, vô tình lại thường có màu vàng. Hoa hiên vàng cam, hoa bí vàng tươi, còn hoa điên điển vàng dịu (hoa thiên lý khi nở cũng màu vàng, nhưng nở bung như thế thì không ai ăn nữa). Màu vàng này không dễ tìm từ những nguyên liệu tự nhiên khác, tất nhiên nếu không kể đến màu nghệ hay màu từ quả dành dành mà các cụ dùng làm xôi xéo.

Ngoài những bông hoa màu vàng thông thường, người miền Tây Nam Bộ còn dùng hoa phượng đỏ thắm để làm nộm (hay gỏi). Món gỏi gà hoa phượng có một dạo trở thành hiện tượng lạ trên mạng xã hội. Đĩa gỏi trông rất đẹp mắt, nhưng nhìn những cánh hoa đỏ rực thì tôi băn khoăn không biết ăn vào có chát quá không?

Cuối cùng, còn một màu sắc nữa, vô cùng kỳ lạ và quý hiếm, đấy là màu xanh tím của hoa đậu biếc thường dùng để pha nước. Trà hoa đậu biếc không phải là thức uống quen thuộc của dân mình, nhưng ai thử rồi thì cũng thích thú vì màu xanh lam tuyệt vời. Đặc biệt, sau khi có tí cốt chanh, ly nước lại chuyển sang màu tím rất huyền ảo.

Cá nhân tôi có thử dùng hoa đậu biếc trong món mọc vân ám của Hà Nội xưa. Món ăn thanh tú này đại điện cho ngũ hành, nhưng ngày xưa các cụ không có màu xanh lam – chỉ có màu vàng từ quả dành dành đại diện cho Kim, xanh lục từ lá nếp đại diện cho Mộc, mọc trắng nâu như nguyên bản đại diện cho Thủy, đỏ cam từ gấc gợi nhắc đến Hỏa, và màu đen của mộc nhĩ dành cho Thổ. Đến lúc thử làm, tôi lại thấy màu trắng nâu đơn điệu quá nên thử ngâm mọc trong nước hoa đậu biếc, tạo ra màu xanh lam rất hợp với Thủy.

Tầm kiến thức hạn hẹp của tôi cũng dừng lại ở màu lam này, còn những món ăn thức uống khác từ hoa thì có lẽ tôi phải tìm hiểu thêm. Duy có một điều tôi chắc chắn, đấy là chỉ cần ngắm nhìn những món ăn từ hoa thôi cũng đã khiến ta mãn nhãn đến "no" cả mắt rồi.

[Tùy bút] Lòng mình xanh mát rau quêNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ