Hoa đào nở rồi tàn trong gió xuân xanh biếc, dâu bể đổi thay, đời người biến động, thấm thoắt đã lại sáu năm qua.
Ở nơi hoang vu yên ắng, cây cỏ đầy màu xanh, dương liễu lả lướt. Gió xuân hây hây phẩy qua khóm hoa đủ loại trên đất. Tiếng suối róc rách như tiếng nhịp phách của thiên nhiên. Trên ngọn cây cao vút, có chú chim cánh trả đang líu lo ca hát, khiến cho cả không gian dịu nhẹ này càng thêm dạng phong tình vô hạn. Trong làn nước trong vắt, mưa hoa lả tả, cánh hoa lê trắng mịn màng nhẹ nhàng đáp xuống mặt nước rồi từ tốn chảy đi, vô cùng đẹp mắt.
Bỗng từ trong dòng nước, một cánh tay trong ngọc trắng ngần vươn lên, rồi tiếp sau đó là một dáng người linh lung mỹ miều đứng lên khỏi dòng nước. Tí ta tí tách, từng giọt từng giọt nước rỏ xuống mặt suối, rung nhè nhẹ, vang dìu dịu.
Mái tóc đen được vén ngang tai, khuôn mặt trắng mịn như sứ như ngọc hiện ra. Chính giữa trán là một cái bớt hình đóa hoa đào, làn da như hoa như phấn, đôi lông mày lá liễu nằm gọn trên hai con mắt đen như trời đêm với làn thu ba lóng lánh nét dịu dàng vô hạn, hai cánh môi đỏ như son, khuôn gương đầy đặn, lộ ra vẻ thông minh sáng lạn, thanh tú vô ngần.
Vân Khinh từ tốn ngả người dựa vào một tảng đá dưới nước. Ở đây đồng không mông quạnh, cô không lo có người bắt gặp. Ngẩng đầu nhìn trời cao xanh ngăn ngắt, Vân Khinh khẽ cong khóe môi hồng. Ngày mai bà bà sẽ quay lại, một tháng không gặp, cô thật nhớ bà bà.
Phải, Vân Khinh chính là Đinh Đinh năm đó rời khỏi Đinh gia. Lúc bà bà đưa cô bỏ đi, có đặt cho cô một cái tên mới: Vân Khinh, vân đạm phong khinh (lạnh nhạt như mây, nhẹ nhàng như gió). Từ nay về sau bỏ qua quá khứ, bắt đầu lại từ đầu, không cần lưu luyến.
Thiếu nữ trẻ khẽ mỉm cười, đi về phía bờ suối. Mấy năm nay, bà bà mang cô đi khắp vào Nam ra Bắc, khắp bảy nước chỉ còn mỗi Tần quốc lớn mạnh nhất với Hàn quốc ngay cạnh đó chưa qua. Vừa đi vừa nghỉ, thoáng chốc họ đã đặt chân tới cả Sở, Triệu, Yến, Ngụy bốn nước, chỉ vì cô cần tìm thần y.
Cánh tay phải của Vân Khinh năm đó bị ngân châm đâm nát kinh mạch chính mà không phải đánh gãy. Cũng may người xuống tay có lòng thương cô khi đó còn nhỏ, nương nhẹ một chút, nên sáu năm qua cầu danh y vô số, cuối cùng cánh tay ấy cũng đã có thể hoạt động như thường.
Mà trong lúc ngao du thiên hạ này, cô cũng có dịp hiểu thêm về thời về thế. Bảy nước cùng tồn tại, trong đó Tần là mạnh nhất, Sở Tề hai nước tiếp theo. Nếu tính thiên hạ được mười phần, Tần độc chiếm mất ba, Sở Tề hai nước cộng lại là bốn, còn lại ba phần do bốn nước Hàn Triệu Yến Ngụy chia nhau hưởng. Kế sách Hợp tung Liên hoành (*) thay nhau bất tận, lửa chiến tranh không ngớt nơi nơi. Ai cũng đều mang dã tâm thống nhất thiên hạ, nhưng ai cũng chưa đủ năng lực để thâu tóm toàn bộ thiên hạ vào tay. Khổ nhất, xét cho cùng cũng chỉ là dân đen thấp cổ bé họng mà thôi.
(*) Hợp tung và Liên hoành: hai học thuyết của Tô Tần (Hợp tung) và Trương Nghị (Liên hoành), hai nhà ngoại giao lớn thời Chiến quốc (cũng chính là thời bảy nước như trong truyện), học trò của Quỷ Cốc Tử (học trò ông này còn có Tôn Tẫn và Bàng Quyên, hai nhà chiến lược lớn thời đó). Hợp tung nghĩa là kết hợp theo chiều dọc, chỉ việc sáu nước Tề Sở Hàn Yến Triệu Ngụy cùng liên minh với nhau chống Tần, do Tô Tần đi sáu nước thuyết khách (miệng lưỡi Tô Tần, và việc Tô Tần làm Tướng quốc sáu nước cũng từ đây mà ra!). Còn Liên hoành chỉ việc Trương Nghị, cũng đi khắp sáu nước, nhưng là để thuyết phục sáu nước thôi liên minh chống Tần, mà đồng lòng thần phục nước Tần. Hai chiến lược này nằm trong học phái Tung Hoành gia đương truyền là của Quỷ Cốc Tử, nội dung là luyện cho con người khả năng ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ để làm phương tiện sinh sống và lập thân. (theo Wikipedia)
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cổ đại] Thú Phi - Chu Ngọc
RomantizmTác giả: Chu Ngọc Biên tập: Lãnh Vân & MDH Thể loại: Cổ đại http://macdichhoi.wordpress.com/ Độ dài: 174 chương Tình trạng bản gốc: hoàn Tình trạng bản edit: hoàn Notes: Thật ra bộ này cũng khá nhiều nhà đăng rồi, nhưng toàn gộp mấy chục chương...