Hôm nay là lần thứ hai tôi đến thăm bà kể từ tuần trước, khi bà bị chấn thương phần mềm ở chân. Lần thứ hai. Mỉa mai thay, tôi đã làm gì suốt một tuần đấy để mà giờ mới đến thăm bà lần thứ hai. Một trong năm cô cháu gái bà thương yêu nhất trần đời, tôi, một đứa tồi tệ.
Bà ngồi trên cái ghế gỗ ở bàn ăn, bà gầy đi nhiều, mà trước đây bà vốn cũng đã chẳng có bao nhiêu da thịt. Bà tôi thật gầy. Bà đã quá 60 rồi. Tôi cứ ngồi cạnh bóp phần chân sưng cứng đờ của bà trong khi bà và từng miếng cơm thật điềm tĩnh, tựa như thứ ấy chẳng phải cơm, tựa như chúng là rơm vậy. Bữa ăn lạnh tanh, nhạt thếch và yên lặng như một nấm mồ. Nhìn bà, rồi nhìn đôi chân cứng đờ đầy đau đớn của bà, tôi lại nhớ đến điều bà từng nói khi tôi còn khờ dại:
"Nếu bà chết đi..."
"Nếu bà chết đi..." - Đấy còn chăng phải một câu hoàn chỉnh, nhưng lại ám ảnh và làm tôi đau đớn hơn tất thảy những lời chửi mắng, dọa nạt hay đòn roi của bố mẹ. Tôi sợ bà ra đi. Và hơn hết, tôi sợ bà ra đi vì tôi không đủ tốt.
Ngày còn bé, chúng tôi nghịch ngợm, vô tâm và cực kì ngu xuẩn, đã có lần chúng tôi nhún trên người bà và làm bà phải nằm một chỗ và xoa mật gấu hết một tuần liền. Khi đó, chúng tôi chưa có khái niệm về cái chết. Lại một lần khác, tôi trốn ngủ trưa để ra ngoài chơi, bà đứng sau tôi, mái tóc bạc nửa thật dài buông xuống, buồn rầu nói với tôi: "Bà còn sống, bà còn bảo. Cháu chẳng nghe lời, nếu bà chết đi..."
Khi đó, khái niệm về một cái chết đầy đau đớn lờ mờ hình thành trong đầu óc non nớt của tôi và ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nhưng cái chết ấy không phải cái chết của tôi, mà là của một trong hai người phụ nữ tôi yêu thương nhất cuộc đời này, bà tôi.
Tôi sợ một ngày, bà qua đời vì tôi không đủ tốt, vì tôi không nghe lời, vì tôi vô tâm, vì tôi đã làm không tròn chữ hiếu. Tôi sợ một ngày, bà qua đời khi tôi chưa làm được gì cho bà, khi tôi chưa biết nghe lời, khi tôi chưa làm điều một đứa cháu nên làm. Tôi sợ một ngày sẽ chẳng ai vuốt tóc tôi và bảo tôi đi ngủ sớm, bảo tôi nghỉ ngơi thay vì thúc ép tôi làm những điều một người bình thường phải làm. Tôi sợ một ngày sẽ chẳng ai yêu thương tôi theo cái cách bà nâng niu cô cháu gái của mình. Tôi sợ một ngày tôi vĩnh viễn mất đi điểm tựa của những kí ức ngọt ngào nhất, vô âu vô lo nhất. Tôi sợ cả một ngày, bà tôi ra đi mà chưa nhận được hết những điều bà xứng đáng được nhận. Tôi sợ tình yêu của chúng tôi chưa đủ lớn để níu kéo bà với nơi trần thế hỗn độn và xấu xí và cũng sợ mình chưa kịp trao đi hết phần tình yêu thương nhỏ bé này tới bà.
Và cứ thế, trong đầu tôi lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần những kí ức khi đang xoa bóp cho đôi chân đã đi mòn mỏi trên con đường đất quê hương. Tôi cứ phải nén cho nước mắt không trào ra hết lần này đến lần khác. "Nếu bà chết đi..."
Bà nói, thanh âm đều đều nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy thật buồn bã: "Bây giờ mới là cái chân thôi mà bà đã chán lắm rồi."
Tôi thấy họng mình nghẹn ứ lại, tôi biết bà sẽ nói gì tiếp theo.
"Không biết đến lúc cơm cháo thì còn thế nào nữa..."
Thế là tôi bật khóc. Tôi không nín nhịn nổi nữa, kính tôi nhoèn đi hơn nửa. Tôi cố giữ cho giọng mình thật bình tĩnh "Chúng cháu cần bà mà."
"Cần gì? Bà chẳng giúp được gì cho các cháu."
Và thế là nước mắt tuôn đẫm trên mặt tôi. "Bà là điểm tựa tinh thần mà." Lúc này thì giọng tôi nghe thật kinh khủng . Thậm chí ngay khi viết những dòng này, tôi cũng không hề bình tĩnh. Làm sao ta có thể bình tĩnh khi một người thân yêu của ta cảm thấy mình là một gánh nặng và muốn lìa đời?
Tôi khóc, nước mắt cứ tuôn xuống đùi, xuống đầu gối, thật im lặng và buồn bã. Tôi ước mình đã đến thăm bà sớm hơn. Tôi thật tồi. Đầu óc tôi cứ loạn hết cả lên và sự tĩnh lặng giữa hai bà cháu lại càng làm tôi hoảng hốt.
Bà ơi, đừng bỏ cháu. Bà ơi, cháu xin lỗi. Bà ơi...
BẠN ĐANG ĐỌC
Khu phố của những lạ kì
SachbücherThể loại: tùy bút Ghi chú: Một chút về tôi, một chút về mọi người quanh tôi, một chút về thành phố chộn rộn. Những thứ tôi yêu, những thứ đẹp đẽ nhất trần đời... Lưu ý: KHÔNG được phép đem tác phẩm này khỏi đây.