An Thừa Trạch ngày bé là một đứa trẻ vô cùng trong sáng tốt bụng, chính xác mà nói thì không phải ngày bé, mãi tới năm mười tám tuổi bị ép tham gia quân ngũ, hắn vẫn là người lương thiện. Nhưng sau này, hắn gọi đùa bản thân khi ấy chính là "nhóc nghịch ngợm".Thiếu niên dũng cảm kỳ thực chính là dưa, dưa chính là ngốc, ngốc chính là dưa. Năm mười tuổi, bị thằng bạn học thường xuyên bắt nạt mình xách một thanh mã tấu đến kích động chút huyết tính hiếm hoi trong người. Lúc hai đứa đánh nhau, hắn sẩy tay vạch một đường lên mặt thằng nhóc nghịch ngợm kia, tạo thành vết sẹo cả đời không thể xóa bỏ. Chuyện này khiến Liễu Như – mẹ hắn – phải bán đứt nhà cũ để chạy chữa cho người ta, hơn nữa còn mang An Thừa Trạch bỏ xứ ra đi, vì vậy mà gặp lại gã đàn ông phụ bạc nghe đâu ra ngoài mua nước tương, mua đến mười năm chưa về.
*theo tiếng địa phương Thiểm Tây, "dưa" có nghĩa là ngốc nghếch/khờ dại
*huyết tính: tính sốt sắng làm việc nghĩa
*mua nước tương: nguyên văn là "đả tương du", ý là ra ngoài cưỡi ngựa xem hoa, xem náo nhiệt
Khi ấy, An Thừa Trạch không biết nhìn người thật sự nghĩ mình có cha, hết thảy mong đợi và sùng bái đều hướng về An Mục Dương, chẳng những thế còn thực lòng cho rằng cái người gọi là anh hai – An Chí Hằng – là thật tâm muốn tốt cho hắn. Vào buổi tối đầu tiên tại nhà lớn An gia, khi đứng trước bồn cầu tự hoại sáng bóng như gương, nhóc con dại khờ nhịn cả đêm không dám đi tiểu. Hôm sau suýt nữa nghẹn đến hỏng, quấy rầy tới An Chí Hằng lớn hơn hắn sáu tuổi, anh ta ra vẻ thoải mái vỗ mái đầu mềm như nhung của hắn, bảo "Em dễ thương thật".
An Thừa Trạch tưởng An Chí Hằng đang khen mình, thật lòng thật dạ tin tưởng anh hai, hoàn toàn không ý thức được vì sao ngày đó chỉ có mình hắn vào nhà họ An, không có Liễu Như.
Sau này, An Chí Hằng cho hắn biết Liễu Như là kẻ thứ ba phá hoại gia cang người khác, nhà họ An không so đo nên mới nhận hắn. An gia vô cùng rộng lượng, là đại ân nhân của hắn, mẹ nó, nhóc ranh An Thừa Trạch thế mà cũng tin! Điều này dẫn đến An Thừa Trạch năm mười tám tuổi thường xuyên muốn quay lại bảy năm trước để quất chết chính mình. Kẻ thứ ba làm gì có chuyện mười năm không gặp người chồng ra ngoài "mua nước tương" của mình? Nếu thật là kẻ thứ ba, sao lại không diễu võ dương oai hoặc vờ vịt đáng thương trước mặt vợ cả? Liễu Như từ đầu tới đuôi đều không biết An Mục Dương đã có vợ con, cô gái trẻ ngây thơ vẫn ngỡ bản thân gặp được một nửa còn lại. Nhưng khi quay lưng bỏ đi, "nửa kia" thậm chí còn không biết một cuộc "diễm ngộ" khác của hắn trong lần tới đất khách gầy dựng sự nghiệp đã có thai, Liễu Như chỉ là vật hi sinh để người nào đó đổi khẩu vị.
Mỗi đứa trẻ nghịch ngợm đều có thời kỳ tự cho mình là đúng, dù không có An Chí Hằng châm ngòi thì một gia đình đơn thân vốn dĩ đã tiềm tàng nhiều mâu thuẫn. Trong những năm tháng tuổi dậy thì, quan hệ giữa An Thừa Trạch và Liễu Như nhìn chung không tốt nhưng chưa đến mức bế tắc đến thế, tới nỗi sau này khi ở trong quân doanh, hắn không về kịp lễ tang của Liễu Như.
An Thừa Trạch mười bảy tuổi rất ngưỡng mộ anh hai An Chí Hằng, nào biết những cong cong thẳng thẳng bên trong một gia tộc lớn, nghe không hiểu những mũi nhọn trong lời nói của kẻ khác, xem tất cả minh trào ám phúng thành khích lệ, "thuần lương" như thằng hề chuyên mua vui cho thiên hạ. Hắn thậm chí không nhận ra tên của những người trẻ tuổi đồng lứa tại An gia đều có tên lót là "Chí", chỉ có hắn gọi An · Thừa · Trạch. Ngay cả gia phả nhà họ An cũng không vào được, vĩnh viễn là đứa con riêng ngu xuẩn theo đuôi An Chí Hằng bị người người khinh miệt.
BẠN ĐANG ĐỌC
TRỌNG SINH CHI BẢN TÍNH [Hoàn]
RomanceĐây là một tác phẩm mang phong cách thời cuộc những năm 1980-2000. Cốt truyện lột tả một cách đầy chân thực xã hội cùng những chuyển biến của thời cuộc. Tác phẩm tạo nên một khung cảnh đẹp giữa mối tình của Thạch Nghị cùng An Thừa Trạch đầy một m...