Đại điện uy nghiêm im phăng phắc, hai vị đại thần luôn luôn đối đầu cũng đã ngừng cuộc tranh cãi, cúi đầu chờ ý kiến của vị hoàng đế kia. Văn thần võ tướng phía sau cũng len lén ngước nhìn Lý Hoàng, muốn từ vẻ mặt nàng để đoán quyết định cuối cùng.
Vào chiều hôm qua phía bắc truyền về tin tức, tàn dư của hoàng thất Bắc Triệu khởi binh làm loạn. Công chúa Ngọc Ly dùng danh nghĩa của hoàng tộc triệu tập binh mã, bất ngờ tấn công chiếm lấy thành Thái Hoà, lấy nơi này làm trụ cột bắt đầu giằng co. Võ tướng mà Lý Hoàng tin tưởng để lại trấn giữ Bắc Triệu bị ám sát bỏ mình, Bắc Triệu rối loạn, một số thế lực khác cũng nhân cơ hội vùng lên, xây thành đắp lũy, không ngừng tập kích quân đội Thuận Lý.
Tin tức truyền về, trong triều đình chia ra hai luồng ý kiến, võ tướng cho rằng cần phải lập tức cho đại quân xuống bình định, mạnh tay tàn sát, dập tan ý định phản loạn của toàn bộ Bắc Triệu, văn thần cho rằng lúc này đã thái bình, cần phải lấy đức để trị, nên chiêu hàng. Tranh cãi qua lại liền tới chỗ Trấn Kinh Nam, hắn là chiến thần, là lãnh tụ tinh thần Đại Triệu, chúng võ tướng muốn hắn theo quân làm con tin trấn áp sĩ khí đối phương, chúng văn thần lại đề nghị để hắn làm phó tướng đi chiêu hàng, thể hiện sự nhân từ của Thuận Lý.
Nhưng đến cuối ngày, bọn họ mới nhận ra một việc vô cùng quan trọng. Trấn Kinh Nam giờ không phải là người họ có thể tùy tiện đề nghị sai phái, mà là sủng phi của hoàng đế.Nghĩ đến ánh mắt của bệ hạ trước khi rời đi ngày hôm qua, vài vị đại thần thấy cổ lạnh tê tê, có người còn sợ đến vội vàng dặn dò di ngôn cho con cháu sau này. Nhưng thực ra họ vẫn nghĩ đưa Trấn Kinh Nam đi là thích hợp nhất, bởi vì công chúa Ngọc Ly kia, là vợ của hắn.
Lý Hoàng vẫn im lặng, ánh mắt rét căm căm, đem hồn vía của chúng quan treo hết lên máy chém. Thật lâu sau, nàng mới chậm rãi cất lời:- Các ngươi trả lời cho trẫm, tại sao người Bắc Triệu làm phản?
Chúng võ tướng ngẩn ra, chúng văn thần thở phào mà mỉm cười.
Trong chiến tranh không có sai hoặc đúng, bọn họ không đánh nước khác, cũng sẽ bị nước khác đánh, tất cả những người ở trên vị trí cao đều hiểu, cho nên không ai muốn làm con cừu bị xẻ thịt từ từ, cách duy nhất là tự trang bị răng nanh cùng móng vuốt, thôn tính trước khi bị thôn tính. Nhưng bọn họ hiểu, không có nghĩa là dân chúng hiểu. Những con người chất phác kia chỉ biết rằng bọn họ đi tòng quân là vì quê hương, bọn họ cấy cày chăn nuôi là lo cho những người đang chiến đấu bảo vệ mình, khi thắng thành trì, bọn họ có thêm nơi sinh sống cùng ruộng đất, còn khi thua, họ sẽ bị binh lính nước khác bắt bớ hạ nhục.
Tại sao làm phản? Không phải là vì cuộc sống của mình sao?
Người dân của Bắc Triệu sau khi bị đánh chiếm, không phải cũng là con dân của Thuận Lý Triều sao?
Hiện tại vừa bị sát nhập, quan viên địa phương chưa tới đầy đủ, quan viên nước cũ bất an, dân chúng bất an cũng là lẽ thường, bọn họ sẽ muốn quay về cuộc sống họ quen thuộc trước đó, khi triều đình cũ làm chủ, vì vậy sẽ nghe theo xúi giục mà đi đầu quân cho hoàng tộc cũ và các "thủ lĩnh khởi nghĩa", vì họ chưa tin tưởng, cảm thấy không an toàn. Khi Lý Hoàng nói ra câu "Tại sao?" này, chứng tỏ nàng muốn chiêu an. Tất nhiên, "chiêu an" ở mức độ thế nào, là do nàng quyết định. Chúng văn thần thở một hơi nhẹ nhõm, hiện tại lãnh thổ rộng lớn, chinh phạt đàn áp không phải là cách hay, bệ hạ của bọn họ tuy rằng tàn nhẫn, nhưng cũng may là người vô cùng lý trí. Còn chuyện vị Trấn Kinh Nam kia, thôi không dám nhắc nữa.
---
- Bệ hạ, Trấn Thị Quân đã đến.
BẠN ĐANG ĐỌC
Niên Hận
General FictionGiữa chúng ta, oán hận hối tiếc quá nhiều. Trấn Kinh Nam, chiến thần Đại Triệu. Vì Triệu Quốc thua trận quốc vong, bị bắt đến Thuận Lý Triều.