Tống Nhân Tông Triệu Trinh, trong các bộ Thử Miêu của Nhã đều đóng vai phụ, ngoại trừ SCI là 1 trong 6 vai chính. Ở đây mình chỉ bàn về Triệu Trinh ở những bộ cổ đại, những bộ mà Triệu Trinh đúng vai vế của mình - vua Bắc Tống.
Triệu Trinh là con trai của vua Tống Chân Tông Triệu Hằng và Thần Phi Lý Thị. Nói về thân thế Triệu Trinh, ông cũng có một phần tuổi thơ đầy sóng gió như phần lớn thành viên hoàng tộc khác. Lúc mẹ ông là Lý Thần Phi mang thai, một vị phi tử khác là Lưu Đức Phi sinh lòng ganh ghét nên hợp mưu cùng thái giám Quách Hòe mua chuộc bà đỡ và nha hoàn bên người bà. Nhân lúc bà sinh nở, chúng đã tráo đổi vị hoàng tử mới ra đời thành một con ly miêu. Nhà vua lúc bấy giờ là Tống Chân Tông giận giữ, sai người đuổi Lý Thần Phi ra khỏi hoàng cung. Còn tiểu hoàng tử được Bát Hiền Vương cưu mang, nói dối là con mình và nuôi dưỡng bên người. Sau này, Tống Chân Tông không có con trai nên lập con trai Bát Hiền Vương làm thái tử, lúc ấy cha con mới được gặp nhau. Còn Lý Phi lưu lạc khắp nơi, chịu mọi khổ cực nên đôi mắt dần mù lòa. Sau này gặp được Bao Thanh Thiên mới giải được oan tình và được Công Tôn Sách chữa mắt cho. Trong Du Long Tùy Nguyệt cũng có viết đoạn Công Tôn chữa mắt cho Lý Phi - lúc này đã là Thái Hậu. Đoạn này chắc ai cũng quen thuộc, trong seri phim Bao Thanh Thiên do chú Kim Siêu Quần, Hà Gia Kính, Phạm Hồng Hiên đóng chính cũng có vụ án Ly miêu tráo Chúa này. Mình ấn tượng nhất lúc kết án, Bao Chửng phán tội và phạt luôn vua bằng cách Đả Long Bào.
Về con người Triệu Trinh, trong truyện của Nhã thì Triệu Trinh được mô tả hết sức bình thường. Dáng người bình thường, luôn ôn hòa nho nhã như một thư sinh, lúc nào cũng cười hòa ái, võ công cũng không giỏi,... Nhưng mà tiếp xúc mới thấy, những nhận xét về con người Triệu Trinh là hoàn toàn sai. Người này chính là một con cáo già đúng nghĩa. Không phải vị vua nào cũng có thể lăn lộn hai vị quan là Bao Chửng và Bàng Thái Sư, không phải vị vua nào cũng có thể làm cho một người bá đạo như Triệu Phổ nguyện trung thành, và không phải vị vua nào cũng có thể chỉ từ ánh mắt đầu tiên đã biết người đối diện là người như thế nào, nhận ra dã tâm chôn sâu trong lòng người đó.
Triệu Trinh từ khi còn rất nhỏ đã mang mạng mình ra đánh cược, cược một lòng thần phục của Triệu Phổ. Lớn hơn chút thì đổi được một lòng trung thành của Nam Cung Kỷ và các thị vệ đại nội. Sau này lại có sự giúp đỡ của Bát Hiền Vương, Bàng Thái Sư, Vương Thừa Tướng... Hơn hết là sự hết lòng của Bao Thanh Thiên. Trong vụ 3 của Long Đồ Án có viết, chỉ cần Bao Đại Nhân nói Triệu Trinh là Hoàng đế tốt thì có đến hơn nửa người trong thiên hạ tin tưởng. Vậy mới thấy mắt nhìn người và thu phục lòng người của Triệu Trinh lợi hại như thế nào.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không ai mà không có mặt trái của mình, hoàng đế lại càng nhiều hơn. Cái gọi là thân bất do kỉ, Triệu Trinh trước khi là bạn bè, là người thân của mọi người thì ông là một vị hoàng đế. Mà hoàng đế thì phải nghĩ cho giang sơn xã tắc trước khi nghĩ đến bản thân. Có nhiều lúc hành động của Triệu Trinh làm mọi người thấy khó hiểu và khó chịu. Như trong Quỷ hành thiên hạ vụ 4 Ngũ Phần quỷ thôn, Bàng Phi lúc này vừa sinh tiểu công chúa Hương Hương, Triệu Trinh lại la cà quen biết với một cầm cơ giang hồ. Tuy đến cuối biết được vị cầm cơ này là công chúa lưu lạc, Triệu Trinh tiếp cận chỉ để giải oán khí thù hận trong lòng nàng. Nhưng mọi người cũng bị hành động này làm khó chịu, vợ ở nhà mới sinh con xong, con lại là cô công chúa đáng yêu mà Triệu Trinh đã ra ngoài tầm hoa vấn liễu.
Hay cũng trong Quỷ Hành thiên hạ vụ 8, Triệu Trinh vì muốn Chiêu Chiêu bí mật tìm được một người mà bắt giam Chiêu Chiêu vào nhà lao Đại Lý Tự, làm Tiểu Tứ Tử đòi "tách hộ khẩu" ra khỏi nhà họ Triệu, sau đó còn xách tay nải vào thiên lao ngồi tù chung với Chiêu Chiêu. Tuy biết là kế sách, nhưng Triệu Trinh không nói với ai, mọi người hoang mang và khó chịu là điều dễ hiểu.
Người sống trên đời đều có những chuyện thân bất do kỷ. Có những chuyện diễn biến gây ra nhiều sự khó chịu nhưng kết quả đạt được lại là điều tốt đẹp đối với tất cả mọi người. Có chuyện thì từ đầu đến cuối đều là bi kịch. Nhưng dù là bi kịch hay hài kịch hay chính kịch gì thì ta cũng đều phải biến nó thành năng lượng, thành kinh nghiệm quý giá để làm hành trang cho cả cuộc đời sau này.
Tống Nhân Tông Triệu Trinh trong truyện của Nhã có thể đã được xây dựng một tính cách khác so với trong lịch sử. Nhưng nhìn chung, ông vẫn là một vị minh quân với trí thông minh siêu quần và một tấm lòng nhân hậu. Cũng có thể coi Tống Nhân Tông là một trong những vị vua nổi tiếng trên màn ảnh và trong tiểu thuyết bên cạnh những vị khác như Khang Hi, Càn Long...
BẠN ĐANG ĐỌC
Vu vơ về Thử Miêu nhà Nhã
Non-FictionMột vài cảm nhận vu vơ về đồng nhân Thử Miêu của Nhĩ Nhã. Không phải tất cả đều về Thử Miêu, có thể là những cảm xúc bất chợt về một tình tiết nào đấy trong truyện. Các bạn nếu có những suy nghĩ, cảm nhận gì cũng có thể chia sẻ với mình ở phần cmt...