Thiếu nữ mười tám đôi mươi trong cái thời văn hóa bị xáo trộn thường lả lướt với váy dài kiểu Tây âu, cánh tay phồng cổ điển, chuỗi ngọc trai bóng bẩy điểm xuyến nơi cần cổ trắng ngần. Một nét đẹp thời thượng khiến bao người vun tiền ra chạy theo để có một bộ váy áo sang trọng, chiếc nón rộng vành đính nơ bản to hay mái tóc xoăn lọn giống những người phụ nữ cách mình nửa bán cầu. Ấy thế mà cô tư Trà vẫn áo bà ba, áo dài đi chùa viếng Phật. Ở Vân Trà luôn tỏa ra nét diễm lệ, kín đáo của người con gái truyền thống dù thời cuộc đổi thay, văn hóa của Tây âu đang dần trà trộn vào nước mình.
Ngày rằm, sáng sớm tài xế chạy xe ra sảnh đợi cô chủ. Như thường lệ đúng sáu giờ rưỡi, tà áo dài màu xanh nhạt nhã nhặn bước xuống bậc thang. Dáng người Vân Trà mảnh mai, mỗi bước chân đều như thổi theo làn gió xuân. Duyên dáng không chỉ bởi cái dịu dàng e ấp mỗi bước đi nước bước mà còn là sự ấm áp trên khóe cười rạng rỡ như hoa.
Tay cô tư xách theo chiếc giỏ mây đan mắt cáo, thắt nơ ở tay cầm đơn giản mà đẹp. Chiếc giỏ xách là sản phẩm Vân Trà tự tay làm ra vì sẵn nguyên liệu trong nhà. Sau này nhiều người hỏi về chiếc túi đặc biệt đó quá, anh cả bèn nảy ra con đường làm ăn mới. Thay vì chỉ sản xuất bàn ghế tủ giường thì mở rộng ra những món phụ kiện nhỏ bắt kịp thời đại. Chính tay cô tư tận tình chỉ việc cho công nhân học làm rồi đem cho anh cả chào hàng ở các cửa hàng lớn, dần dà trở thành một món phụ kiện rất được ưa chuộng của những quý bà ở thành thị.
Anh Lâm tài xế đưa cô tư Trà đến viếng chùa đều đặn mỗi tháng một lần vào ngày rằm. Hồi trước anh không bao giờ ăn chay, cảm thấy mấy món thanh đạm kia nhạt toẹt, không rau luộc thì đậu hũ nước tương. Thế mà từ hồi làm cho nhà ông bà chủ Khánh Tâm anh cũng tập ăn theo nhà ông bà. Ban đầu ăn chay theo Nhị trai, mỗi tháng vào ngày mồng một và mười lăm. Sau này ăn quen rồi thì phát nguyện ăn chay theo Tứ trai. Thì ra không phải ăn chay nhạt mà do tay người không biết cách nấu, cũng là món chay nhưng nhà ông bà Khánh Tâm ngon lắm, vừa miệng và còn phong phú nữa.
Viếng chùa cầu bình an xong, Vân Trà đi xe qua hiệu thuốc Long Đức. Người trong làng hay gọi ông là thầy tư Đức. Cái làng này chủ yếu là hốt thuốc nhà ông uống nếu bệnh vặt. Còn bệnh nặng phải qua sông lên huyện khám bệnh viện uống thuốc theo toa của bác sĩ.
- Lúc nãy ở ngoài uống cà phê tôi nghe người ta đồn ầm về con ma mù chữ. Thấy tội thì tội thiệt nhưng mà cũng mắc cười lắm. Cho đáng đời, bị nhát là đáng!
- Chuyện con ma mù chữ thì em có nghe sơ sơ. Mà anh nói ai bị nhát? Lại là cậu Hoàng nhà cô tư Hiên hả anh?
Anh Lâm vừa lái xe vừa la trời, ghẹo: bộ cô tư trên trời mới rớt xuống hôm qua hả? Chuyện thằng Hoàng xưa lắc xưa lơ rồi!
Cành vàng lá ngọc xưởng mây Khánh Tâm ngoài xưởng và chùa chẳng mấy khi ra ngoài. Công chuyện làm ăn với đối tác một tay anh cả, kế toán là anh ba còn cậu con trai út mới lên tám tuổi đang bận gánh vác tuổi thơ con chữ cho kịp chúng bạn. Mẫu mã đồ dùng tất nhiên con gái duy nhất trong nhà phải chăm lo.
- Sao anh cười em? - Vân Trà ngơ ngác hỏi. - Nói nữa chừng ngừng là kì lắm nghen!
Tài xế lắc đầu, kêu lát tới bến sông hỏi thằng Hà là biết ngay. Không chừng chuyện nó biết còn nhiều hơn chuyện ở quán cóc lề đường anh nghe lỏm được.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Tình Trai] Trăng Treo Mạn Thuyền
ДуховныеTrong bối cảnh đất nước thời ly loạn, Hoài Văn - một thành phần trí thức vì lý do riêng mà từ bỏ công việc gõ đầu trẻ để sang sông mở xưởng thủ công mỹ nghệ. Mục đích giao thương với người Tây. Câu chuyện bắt đầu khi phần đất miếu thờ bà nằm trong b...