Quyển 1 - Chương 11: Cô vương

26 2 0
                                    

Sấm sét giữa trời quang, Đại, Thiền, Vu!

Trần Tinh lục lọi danh xưng này trong ký ức, nhớ lại rất nhiều chuyện bị cậu lãng quên khi còn sống tại Tấn Dương vào chín năm trước. Phụ thân từng đề cập rằng, danh xưng Đại Thiền Vu trước hết bắt nguồn từ người Hung Nô, là quân chủ của các bộ lạc người Hồ. Nhưng từ khi Lưu Uyên dẫn người Hung Nô nhập quan, lập quốc đặt tên là Hán Triệu, Đại Thiền Vu liền trở thành chức suông để lung lạc người Hồ ở tái ngoại, chỉ có chức vị, không có thực quyền.

Trải qua mấy chục năm, Hán Triệu sụp đổ, hoàng tộc Lưu thị của người Hung Nô diệt chủng, người Hán — Nhiễm Mẫn dựng Ngụy quốc, trao chức Đại Thiền Vu cho nhi tử của mình để quản lý chư Hồ. Sau đó Nhiễm Ngụy bại vong, chư Hồ phương Bắc không tài nào chịu nổi sự công phạt dành cho người Hồ nhập quan, bèn uống máu ăn thề ở Sắc Lặc Xuyên, lập ra minh ước gọi là "Sắc Lặc Cổ Minh", đề ra một Đại Thiền Vu, chính là gia tộc Thuật Luật của người Thiết Lặc.

Kể từ đó, Đại Thiền Vu lập tức trở thành tù trưởng trên danh nghĩa của người Hồ, đương nhiên cũng thống soái Ngũ Hồ. Các tộc triều đình Trung Nguyên tiếp tục tới lượt ta lên sân khấu, long ỷ thay nhau ngồi, song vẫn không thể xem thường ảnh hưởng của chức Đại Thiền Vu ở trong lẫn ngoài trường thành.

Trong số các người Hồ, ngoài Chi, Yết, Khương, Tiên Ti, Hung Nô, tái ngoại có không ít du mục, các tộc vẫn lấy tộc trưởng dẫn đầu, phụng theo lệnh của tộc trưởng. Song mỗi tộc không thể đồng tâm hiệp lực, bởi vì sinh hoạt và cư trú trường kỳ, vướng mắc lợi ích chia làm nhiều bộ, tranh đấu nội bộ diễn ra không dứt, khó thể tháo gỡ, việc lập ra chức Đại Thiền Vu Sắc Lặc Cổ Minh nhằm để điều giải, thậm chí là trấn áp các bộ lạc trong ngoài phân tranh. Quan trọng hơn hết, dù Ngũ Hồ nhập quan sinh sống, thì huyết mạch và căn cơ của tổ tiên vẫn ở tái ngoại.

Hành động nhập quan năm đó đã dẫn tới tranh luận không ngớt trong tộc, thế nhưng vạn vật thay cũ đổi mới mới là đường ngay, trưởng lão già ở các tộc không còn đủ sức ngăn cản tộc nhân từ bỏ nơi mình sống, di cư hàng loạt vào quan nội, song vẫn không cam lòng trơ mắt mất đi quyền lực trong tay, vì vậy đề cử Đại Thiền Vu, cũng có ý kiềm chế Trung Nguyên.

Thời Hán Triệu, Nhiễm Mẫn, hay Tần của hiện tại, cùng với Yên quốc — Mộ Dung thị bị Phù Kiên chỉ huy san bằng, muốn kiến quốc xưng đế cần phải có một nghi thức nhất định không được phá vỡ — ấy chính là đợi Đại Thiền Vu, thủ lĩnh trên danh nghĩa của chúng Hồ ở phía Bắc trường thành tới đây, trao cho hoàng đế một quyển da dê được các chư tộc uống máu ký tên, dùng dây vàng cột lại, đại biểu cho tấm lòng trung thành, nguyện quy phục của các bộ trong lẫn ngoài.

Quá trình này còn được gọi là "Tử quyển kim thụ", do da dê dính máu thề nên hiện màu tím nhạt. Cho dù hoàng đế ngoại tộc nhập quan thống trị rồi lại củng cố, cũng không thể bỏ qua quá trình này. Cũng chính vì vậy, hoàng đế hiếm khi tự kiêm nhiệm chức Đại Thiền Vu, bởi vì không ai muốn trao Tử quyển kim thụ cho chính mình, bằng không nhất định sẽ thành trò cười của chư Hồ.

Đại Thiền Vu thời Nhiễm Ngụy chỉ là chức suông, nhưng đối với Phù Kiên thì chưa hẳn, năm ấy nhiều thế hệ Phù gia đảm nhiệm tù trưởng Tây Nhung, lúc đoạt vùng Quan Trung từng nhận được sự trợ giúp to lớn của Đại Thiền Vu tiền nhiệm là Thuật Luật Tung, các Hồ liên quân không chỉ giúp Phù gia hãm chân kẻ địch, mà còn trở thành quân cờ hữu lực trong tay Phù Hồng.

ĐHPSLNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ