(*): thuật ngữ y học mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc. Nói cách khác, hội chứng “Stockholm” chính là khi con tin đem lòng yêu quý chính kẻ bắt cóc mình. Bằng cách đồng hóa bản thân với kẻ bắt cóc, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Khi đó nạn nhân sẽ chia sẻ chung những suy nghĩ, thái độ và giá trị của mình với kẻ hành hạ, “tạm quên mất” rằng mình đang bị đe dọa.
Tôi cảm thấy thời gian gần như ngừng trôi hoàn toàn trong căn nhà này. Ngày nối ngày, ngày này trôi qua rất chậm chạp theo nhịp điệu của những ngày trước. Vài giờ đầu tiên sau khi bị mắc kẹt, tôi đã cố tìm đường ra, lãng phí không biết bao nhiêu thời gian và năng lượng. Rất nhanh chóng, tôi phát hiện ra có một cánh cửa sắt bị khóa chặt từ bên ngoài nằm đằng sau cái giá sách. Tôi không thể mở nó ra. Còn Tử Lâm – cậu ta thậm chí còn chẳng hề có ý muốn mở nó ra. Giờ khi đã ở đó được vài ngày, tôi co ro, gần như bất động trong căn nhà kì lạ này, chấp nhận rằng mình chẳng thể có lựa chọn nào khác. Tôi đã cố gắng làm ầm lên, kêu gào hết sức có thể, hy vọng mong manh rằng kẻ đứng đằng sau vụ này ngoài kia phải khó chịu đến mức ra mặt. Nhưng vô vọng. Ngoài Tử Lâm ra, chẳng ai có thể nghe thấy tiếng của tôi. Cậu ta cũng không hề tỏ ra khó chịu trước thái độ cứng đầu của tôi, chỉ thản nhiên đem cafe và đồ ăn đến cho tôi, rồi lại ai làm việc nấy. Ngày qua ngày, Tử Lâm cứ kéo lê quả cầu sắt kia một cách bình tĩnh đi xung quanh phòng, như thể cậu ta chẳng hề biết đến sự tồn tại của nó, giống như nó đã trở thành một phần của cơ thể cậu.
Tôi từng nảy ra ý định xô đổ cái giá sách xuống – cái thứ chết tiết đang lấp lối thông duy nhất để ra ngoài kia. Nhưng tôi biết rõ nó nặng đến mức nào, và hẳn nhiên còn nhận ra rằng nó đã được gắn chặt với lối thông, vậy nên có thể nói nó chính là một phần của cánh cửa sắt. Và để mở nó ra, chắc chắn chỉ có một cách đó là mở cánh cửa kia từ bên ngoài.
Thức ăn của chúng tôi được để đầy ắp trong tủ lạnh, tất cả đều đã được làm chín, chỉ cần đem bỏ vào lò vi sóng hâm lại là có thể dùng được. Tính theo đồng hồ ở đây thì đã tầm gần một tuần trôi qua. Thức ăn không thể cứ tự động sinh ra trong tủ lạnh được, ắt hẳn phải có người nào đó mang chúng vào từ bên ngoài. Có lẽ là mẹ An Vy. Nghĩ đến đây, tôi tự nhủ mình chắc chắn sẽ chờ được cho đến khi bà ta bước vào, với sức lực của mình sẽ có thể khống chế được bà ta và thoát ra ngoài.
Khoan đã.
Nếu người đó là mẹ An Vy – một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã có tuổi, và đối với một thanh niên cao lớn như Tử Lâm, chả có gì khó khăn để cậu ta khống chế bà ấy từ một năm về trước, sau đó thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Vấn đề là, sao cậu ta không làm thế nhỉ?
Lúc này là tối ngày thứ Ba – hơn bảy giờ. Bình thường, giờ này tôi đang ăn cơm ở nhà. Hoặc có thể là ở nhà Tử Anh. Nhớ đến Tử Anh, tôi chợt nhớ đến cả những món ăn cô ấy làm. Tử Anh rất khéo trong việc nêm nếm gia giảm gia vị, vậy nên các món ăn cô ấy làm đều đậm đà, sắc xảo. Chúng tôi thường ăn tối cùng nhau, sau đó sẽ cùng nói chuyện, tâm sự về những gì đã xảy ra trong cả một ngày dài vừa trôi qua. Những khoảnh khắc ở bên Tử Anh khiến tôi vô cùng nhẹ nhõm và thoải mái. Liệu bây giờ cô ấy đang ở đâu nhỉ? Cô ấy có đang an toàn không? Liệu có phải chúng tôi đều đang cùng bị nhốt trong những căn nhà giống nhau, và có thể đây là một dãy nhà tù bí ẩn không nhỉ? Có khi nào cô ấy cũng đang ở đây cùng tôi, sau những bức tường không?
BẠN ĐANG ĐỌC
THIÊN NGA ĐEN
Mystery / ThrillerVào mùa thu năm 2017, Rin - một nhà văn trinh thám, bất ngờ nhận được một tin nhắn trên diễn đàn từ một độc giả bí ẩn yêu cầu được giúp đỡ. Cô gái lạ đã đưa anh đến với một câu chuyện đã cũ, với cái kết mà anh không thể ngờ tới. Xuyên suốt "Thiên n...