A. Đặt vấn đề
Nguyễn Tuân là một cây bút văn xuôi xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam - một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, cá tính độc đáo và đồng thời cũng là một tri thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Là một nhà văn có sở trường về tuỳ bút, Nguyễn Tuân có công thúc đẩy thế loại này phát triển đến một trình độ nghệ thuật cao.
Với cái tôi tài hoa phong túng, vốn tri thức uyên bác trí tưởng tượng phong phú cùng một kho từ vựng giàu có, Nguyễn Tuân đã đem đến cho thể tuỳ bút một sức cuốn hút mãnh liệt.
Xuất sắc nhất trong số tuỳ bút của Nguyễn Tuân là tác phẩm "người lái đò sông Đà" trích trong tập "tuỳ bút Sông Đà" (1960). Với cảm hứng mới mẻ về đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng cuộc sống mới. Trong tuỳ bút, bằng tài năng nghệ thuật đặc sắc, Nguyễn Tuân đã khám phá, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng trong lao động và cái tài hoa nghệ sĩ của những người lao động bình thường giữa cuộc sống đời thường qua hình tượng người lái đò sông Đà.
B. Giải quyết vấn đề
I. Khái quát1. Hoàn cảnh sáng tác
"Người lái đò sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế gian khổ mà hào hứng của Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc xa xôi - một chuyến đi không chỉ thoả mãn những khát khai "xê dịch" mà chủ yếu là để tìm kiếm "chất vàng" trong thiên nhiên và "thứ vàng mười đã qua thử lửa" trong tâm hồn con người Tây Bắc. Ông lái đò trong tác phẩm là một "thứ vàng mười" như thế.
2. Hình tượng
Hình tượng nhân vật chính xuyên suốt trong những trang văn của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng 8 luô là những người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng ở hình tượng người lái đò, ta thấy được sự chuyển hướng trong quan niệm thẩm mĩ và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nếu như trước cách mạng Nguyễn Tuân tìm kiếm cái đẹp trong quá khứ của một thời vang bóng, cái tài hoa nghệ sĩ ở những người xuất chúng phi thường thì sau cách mạng, nhà văn hướng ngòi bút của mình tìm kiếm "chất vàng mười" trong tâm hồn, phong cách của những người lao động bình thường giữa cuộc sống đời thường.
Hình tượng "người lái đò sông Đà" là một nhân vật đặc biệt. Ông không chỉ là một người lao động bình thường mà còn là một anh hùng sông nước, một người nghệ sĩ với "tay lái ra hoa". Công việc của ông không chỉ là nghề chèo đò thông thường mà được Nguyễn Tuân nâng lên thành một hoạt động sáng tạo nghệ thuật đầy tài hoa của người nghệ sĩ.
≫ Hình tượng "người lái đò sông Đà" được chạm khắc sừng sững trên nền của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ diễm lệ thơ mộng với vẻ đẹp của tài hoa, trí dũng song toàn.
3. Ngoại hình
Ông lái đò hiện lên như một công trình nghệ thuật chạm khắc công phu bằng chất liệu ngôn từ tinh tế và giàu giá trị tạo hình. Ông lái đò khoảng gần 70 tuổi mà vẫn còn trẻ tráng quá "cái đầu quắc thước được đặt trên một thân hình cao to gọn quánh chỉ như chất sừng chất mun", ngoại hình của ông mang đậm vẻ đẹp khoẻ khoắn dẻo dai của người lao động vùng sông nước. "hai tay ông dài lêu nghêu như cái sào" - "hai chân ông khuỳnh khuỳnh như đang kẹp một cái cuống lái tưởng tượng" - "giọng nói ông ào ào như tiếng nước trườn trê mặt ghềnh" - "nhãn giới ông vời vợi như lúc nào cũng mong một cái bến xa trong sương mờ".