KHÔNG THÈM ĂN BÁNH GATO

588 4 0
                                    

Lúc trước, khi chưa chơi Facebook, tôi thường nghe mấy em trẻ hơn nói: "Trời ơi, em ga-tô với chị quá!", mà không hiểu ga-tô là gì. Tôi còn tưởng là bánh ga-tô (gâteau trong tiếng Pháp) và thắc mắc sao bánh ga-tô lại được dùng như tính từ, không lẽ họ khen tôi ngọt ngào như bánh kem?

Sau này tôi cũng bày đặt chơi Facebook chút chút và thấy chữ GATO được dùng rất rất nhiều trong các câu "comment" dưới các "status" người ta khoe các thể loại cần khoe. Rồi tôi khám phá ra GATO tức là "Ghen Ăn Tức Ở", thấy người ta có điều kiện ăn ở sang chảnh hơn mình thì mình ghen tức. Nói theo kiểu dân gian như bà nội tôi thường nói lúc còn sống là "Trâu cột ghét trâu ăn".

Không biết người khác khi nghe chữ GATO có cảm giác gì, riêng tôi thì có một cảm giác rất tiêu cực dù nghĩ người nói cũng không phải ác ý gì. Người ta chỉ muốn nói là người ta rất mong được như mình, một cách nói khen mà không khéo thành nói nặng. Thật sự tôi thấy nặng nề khi biết ai đó GATO với mình. Tôi nghĩ mình có lỗi vì để người khác mang tâm trạng ghen ghét và tức tối với hoàn cảnh của mình. Tâm trạng đó rất có hại cho sức khỏe và sắc đẹp vì làm tăng lượng thuốc độc Adrenaline tiết ra trong máu. Adrenaline làm tim đập mạnh, buồn bực, bứt rứt, máu nóng lên, đau bao tử, da xấu, nổi mụn, táo bón... Tóm lại là hiệu ứng 3T (tệ toàn tập). Tôi không muốn ai phải 3T với mình hết.

Nên khi tôi chia sẻ một chuyện vui của mình mà ai phán "GATO quá" là tôi cụt hứng, dù không trực tiếp GATO, nhưng ở trong thế bị GATO tôi cũng thấy Adrenaline đang tiết ra. Có người còn "dã man" hơn, gào lên "GATO kinh khủng!", "GATO nóng máu!", "GATO lồng lộn!"...

Tại sao bạn phải khổ sở vì cảm giác GATO hoành hành khi chứng kiến những điều tốt đẹp của người khác? Bạn GATO thì làm được gì ngoài việc mình bị đau dạ dày, mặt nổi mụn, táo bón kinh niên? Mà phải GATO chuyện gì ghê gớm, nhiều khi chỉ là một bức hình khoe đang ở biển Vũng Tàu, đang trong resort hai sao rưỡi, đang nằm trên võng ăn bánh tráng trộn... Còn ai mà lỡ ngu khoe đang ở Paris hoa lệ, được sếp tăng lương, được chồng già tặng nhẫn... thì hứng GATO như mưa rào mùa hạ.

Một số bạn trẻ nghe tôi than phiền chữ GATO tiêu cực quá, các bạn cười hề hề: "Trào lưu thôi mà, GATO vậy thôi chứ đâu có gì ghen tức, GATO cho cái thằng khoe khoang kia bớt chém gió lại...". Nhưng khi tôi vặn vẹo các bạn có thấy khó chịu không khi nói GATO, có thấy thật sự ganh ganh - ghét ghét, tức tức - bực bực chút nào không thì các bạn đều nói: "Có chớ! Thấy người ta sướng mình không bằng thì phải ghét chớ!".

Như đã nói, ghét thì làm được gì? Làm được gì người ta? Mình GATO thì mình táo bón và nổi mụn, càng nổi mụn và táo bón thì cuộc đời mình càng đi xuống vì lúc nào cũng ở trong trạng thái ức chế, muốn "nó" ra mà không được.

Một số người lớn tuổi hơn thì cười e thẹn: "GATO vậy thôi chứ tôi đâu có ác cảm gì với cái sự sung sướng của người ta. GATO tức là ý nói tôi mong muốn được sung sướng như vậy. Tóm lại là tôi muốn vươn tới cái hoàn cảnh đó mà không được, nên tạm thời GATO!".

Tôi có một đề nghị như vầy. Thay vì nói GATO, hãy nói "Ngưỡng mộ!", nghe tích cực hơn rất nhiều. Hãy đặt trường hợp bạn Sầu Riêng vừa khoe thành tích được tám điểm thi IELTS trên Facebook. Thằng Xoài lập tức comment: "GATO lồng lộn" và con Mít nói: "Ngưỡng mộ hân hoan".

Sầu Riêng có cảm giác gì?

Với thằng Xoài: "Thằng vô duyên, học lười biếng, không bằng mình thì GATO, cho mày GATO dài dài, sắp tới nhân ngày Cá tháng Tư mình chém gió nói được học bổng toàn phần của chính phủ Mỹ, nhập học Harvard cho nó GATO vỡ mạch máu não luôn! Chết bớt một thằng không chịu hành động, chỉ lo ghen ghét, cho đời bớt chật!".

Với con Mít: "Bạn Mít luôn muốn học giỏi tiếng Anh nhưng thiếu tự tin và nhà nghèo nữa, mình phải dành thời giờ giúp nó trau dồi hơn và chỉ nó kinh nghiệm thi IELTS của mình. Mình phải có trách nhiệm với những bạn bè chưa có điều kiện học tiếng Anh tốt như mình. Chia sẻ kiến thức, gặt hái thành công! Chà, sao mình thấy mình cao sang quá!".

Rõ ràng là khi nhận hành động tiêu cực, Sầu Riêng cũng có ý nghĩ tiêu cực đáp trả. Còn khi nhận lời nói tích cực, Sầu Riêng chắc chắn sẽ hành động tích cực trao đáp lại.

Còn Xoài và Mít có cảm giác gì ngay khi comment "GATO lồng lộn" và "Ngưỡng mộ hân hoan"?

Xoài: "Thằng Sầu Riêng toàn ăn may, nhà nó giàu, cho nó đi học tiếng Anh ở chỗ xịn. Chớ ngữ nó giỏi giang gì mà khoe. Thấy ghét. Ôi trời, bực mình quá, sao mình học tiếng Anh hoài không vô! Oán hận cha mẹ đẻ ra mình óc bã đậu, đã vậy nhà lại nghèo hơn nó! Trời ơi! Bất công! Hận đời!".

Mít: "Sầu Riêng xứng đáng với kết quả đó, mình mừng cho nó. Nó học ngày học đêm, quyết tâm cao độ. Còn mình cứ rụt rè nhút nhát. Gặp người nước ngoài chưa nói đã run. Học thì bữa được bữa cái. Sầu Riêng làm được, mình cũng phải làm được chứ. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Mình không thông minh thì cố mà cần cù. Phải noi gương Sầu Riêng mới được!".

Bạn thấy đó, khi miệng mình nói ra những lời tiêu cực thì chính bản thân mình cảm thấy những điều tiêu cực. Mình GATO thì mình đau khổ, còn mình "ngưỡng mộ" thì mình có động lực cố gắng hơn.

Vậy đó, bánh ga-tô đường nhiều, dễ gây béo bụng, mình đừng thèm ăn. Hoặc lâu lâu thèm quá ăn chút xíu thôi. Trong cuộc sống mà bạn năng động trên Facebook nhiều hơn ở ngoài đời thì bạn còn phải nhìn các thể loại ga-tô dài dài. Nhưng đừng thèm ăn, đừng thèm GATO gì với ai. GATO hại lắm, làm mình bụng bự đó!

Tắm heo và tắm tiên - Dương ThụyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ