Nhật là một đất nước nổi tiếng chịu nhiều trận động đất, gần đây nhất là trận động đất kép vào ngày 14/04 và 16/04/2016 tại tỉnh Kumamoto, miền nam Nhật Bản. Trận này không nặng bằng trận ngày 11/03/2011, gây ra sóng thần. Trận động đất 9 độ Richter và những đợt sóng thần có chiều cao đến 10m tàn phá một vùng rộng lớn ở đông bắc Nhật Bản, cướp đi gần 16.000 sinh mạng. Tôi nhớ thời điểm đó tôi đang ở Pháp, những người Pháp kinh hoàng cho tôi biết về sóng thần và sau đó cập nhật thường xuyên hậu quả (do tôi không xem truyền hình). Họ kinh hoàng cho biết tin những cơn sóng thần đã làm rò rỉ các nhà máy điện hạt nhân. Tóm lại là tổn thất về người và của là vô cũng kinh khủng. Những người Pháp khi đó có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: "Người Nhật đón nhận thiên tai này với vẻ mặt bình tĩnh đến khó tin! Họ không phải con người yếu đuối như chúng ta! Người Nhật như là một chủng tộc trên con người!".
Cả thế giới sau đó quả thật chứng kiến người Nhật giải quyết hậu quả một cách bình tĩnh. Mọi quá trình thu xếp chỗ ở tạm, phân phát thực phẩm cứu trợ, di dời dân cư ra khỏi khu vực rò rỉ hạt nhân... đều được thực hiện một cách trật tự. Đã có rất nhiều câu chuyện ca ngợi việc người dân Nhật chịu đựng hậu quả của trận động đất gây sóng thần một cách dũng cảm. Kể cả những đứa trẻ cũng có vẻ mặt chấp nhận, kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ cứu trợ. Hiếm thấy nước mắt, sự hỗn loạn, hay một đòi hỏi được đối xử ưu tiên.
Thiên tai năm 2011 của nước Nhật gây chấn động cả thế giới, đến mức danh từ "tsunami" trong tiếng Nhật được cả thế giới sau đó dùng để chỉ sóng thần. Cả thế giới nhìn về nước Nhật đầy khâm phục. Đã có rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, tự hỏi: "Điều gì khiến người Nhật bình tĩnh đến như thế, điều gì khiến họ luôn giữ trật tự trong hoàn cảnh mọi thứ đổ nát như thế?".
Bốn năm sau sự kiện động đất gây nên sóng thần này, tôi có dịp đến Nhật và trong những ngày ngắn ngủi của chuyến đi, tôi kịp đến thành phố Kobe. Và tôi có được câu trả lời.
Điều trước tiên khi đến Kobe, tôi được đi tham quan cảng Kobe Habour Land lúc trời còn mờ sương và chưa có du khách nào xuất hiện. Càng vì thế im lìm, chỉ vài chiếc tàu đậu trong vịnh bình yên. Thật ra cảng giờ không còn chức năng trung chuyển hàng hóa sầm uất như trước kia mà nay chỉ là một địa điểm du lịch với nhiều khu phức hợp ẩm thực - mua sắm. Vì đến sớm, khu vực này chưa hoạt động, không có hàng quán nào mở cửa, không có shop nào tiếp khách cả. Đứng từ cảng, tôi còn thấy một bánh xe đu quay khá lớn, trong giờ hoạt động chắc trẻ em ra đây chơi rất đông, sau khi cha mẹ shopping mệt mỏi. Ban đêm khu vực cảng Kobe chắc chắn nhộn nhịp với nhiều hoạt động ăn uống, mua sắm, vui chơi.
Kobe là một thành phố cảng bận rộn và là thành phố mở cửa thông thường với phương Tây sớm nhất từ năm 1868, có lẽ vì thế Kobe được người Nhật nhìn nhận là "rất Tây". Người ta thường nói: "Nếu không đến được Paris thì đến Kobe vậy", câu nói hàm ý Kobe là nơi có ngành thời trang phát triển.
Trước khi đến Kobe, tôi chỉ nghe nhắc đến thành phố này khi nói đến món... thịt bò. Thịt bò Kobe nổi tiếng thế giới vì ngon, nghe đâu hơn hẳn các loại thịt bò New Zealand, thịt bò Úc hay thịt bò Mỹ. Ngoài ra tôi chẳng biết gì về Kobe cả. Nhưng khi đến Kobe rồi, tôi ngạc nhiên nhận ra Kobe là một thành phố có sức sống kỳ diệu vì Kobe đã trải qua trận động đất lịch sử vào ngày 17/01/1995, vậy mà nay tôi đứng đây, vào tháng 11/2015, sau hơn 20 năm, thành phố hoàn toàn không có dấu vết gì của sự đổ vỡ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tắm heo và tắm tiên - Dương Thụy
Truyện NgắnTác giả: Dương Thụy Thể loại: Tản văn Số chương: 22 Tình trạng: Hoàn Trong cuốn sách này, mình thấy một số chương rất hay, mình khuyên các bạn nên đọc. Những chương này mình sẽ đánh dấu * ở tên chương nhé :)))