*LO XA ĐỂ HỌC CHỮ NGỜ

507 2 0
                                    

Một sếp bự của tôi, cựu Chủ tịch Tập đoàn bất động sản CapitaLand, ông Leiw Mun Leong, khi chưa về hưu từng nhắc đi nhắc lại với nhân viên thông qua các email ba yếu tố chính dẫn đến thành công của cá nhân ông cũng như của CapitaLand là ba chữ P: Paranoia (Lo xa), Perseverance (Kiên định), Perfectionist (Cầu toàn).

Tôi muốn nói đến chữ P đầu tiên Paranoia vì các bạn trẻ thường là những người ít chịu lo xa để khi sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới buồn đau thốt lên: "Nào ai học được chữ ngờ!".

Nói về chủ đề hấp dẫn nhất là du lịch để bàn về tính lo xa, tôi hay thấy các bạn dùng cụm từ "cứ thế mà đi thôi" để chỉ thái độ hứng lên thì vác đại cái ba lô rồi cứ thế mà lang thang theo định mệnh. Tôi biết tuổi trẻ thường liều lĩnh và điều này rất nguy hiểm khi bạn đến những miền lạ với bao nhiêu rủi ro rình rập dọc đường.

Khi chúng ta còn nhỏ, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ ba mẹ hay nhắc: "Soạn cặp đi con! Soạn quần áo đi con!". Chúng ta ngồi soạn hết mọi thứ đâu vào đó rồi yên tâm đi ngủ. Sáng ra chỉ cần ôm cặp, mặc áo quần đã treo sẵn rồi đến trường mà thôi. Bạn nào không biết lo xa thì vào lớp thế nào cũng quên dụng cụ học tập, quên bơm mực cho viết máy, quên đeo khăn quàng, quên trả tập mượn bạn... Kết quả là cô la, bị trừ điểm, bạn nghỉ chơi, bản thân tự thấy mình luộm thuộm, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, tóm lại là chả ra làm sao. Và bạn phải thay đổi thôi, phải lo xa trước thôi.

Mỗi ngày đi học con nít đã phải biết lo xa trước như vậy, nói chi khi lớn lên 20 tuổi đầu, bạn muốn đi du lịch ở đâu đó, ít thì một vài ngày, lâu thì một vài tuần, gần thì ra Vũng Tàu tắm biển, xa thì bay đến châu Âu ngắm tháp Eiffel. Lẽ nào bạn không nên lo xa?

Tôi không đi vào chi tiết lo xa như thế nào thì mới gọi là đủ. Bạn phải tự ngồi xuống, viết ra giấy toàn bộ hành trình dự định, phải liệt kê tất cả những gì cần đem theo, chuẩn bị mua vé gì, đặt chỗ gì, ăn uống ra sao... Thời buổi Internet, bạn tha hồ tra cứu tiện lợi, tìm hiểu một mình trước, sau đó tìm gặp ai đã đi du lịch chỗ đó rồi thì hỏi thêm thông tin. (Tôi chúa ghét ai làm biếng, cứ tìm hỏi tôi những thông tin cơ bản có thể dễ dàng tìm một mình trên Internet). Rồi bạn tổng hợp lại hết mọi sự việc, kẻ ra sơ đồ, bảng biểu thật thấu đáo, càng chi tiết chừng nào càng tốt chừng đó. Bạn cũng nên đặt mọi tình huống, nếu bị mất bóp thì sao, bị lạc đường thì sao, bị trễ giờ lên tàu, xe, máy bay thì sao, bị khách sạn trở mặt không cho vào nhận phòng thì sao, bị tai nạn giao thông thì sao...

Khi bạn đặt ra nhiều tình huống xấu nhất, tự bạn sẽ biết làm gì để phòng tránh: chia nhỏ tiền ra cất ở nhiều nơi, scan passport ra gởi lên email trước, đem theo hình thẻ, in các bản đồ ra, liệt kê sẵn những khách sạn gần nơi đã đặt trước, mua bảo hiểm du lịch...

Nếu bạn coi phim Mỹ nhiều, bạn hay thấy các nhân vật hỏi: "Chúng ta có kế hoạch không? Kế hoạch A bị phá sản rồi! Đổi qua kế hoạch B phải không?...".

Trong thực tế, không cần phải đi cướp ngân hàng mới cần lên kế hoạch mà làm gì cũng phải có kế hoạch hết, càng nhiều kịch bản càng tốt. Nhiều bạn trẻ nói với tôi: "Đi du lịch là để xả stress, nếu phải nhức đầu lên kế hoạch từng chút như chị nói, thà ở nhà sướng hơn!". Các bạn ơi, trên đời này không có cái gì dễ ăn hết. Đương nhiên là đi du lịch cũng mệt lắm chứ không sung sướng gì. Nhưng nếu chịu mệt lên kế hoạch tỉ mỉ, bạn sẽ có những ngày du lịch an toàn và thư giãn. Còn hơn vừa đi vừa khóc vì bị bao nhiêu là rắc rồi, thậm chí mất tiền chỉ là chuyện nhỏ, mất... trinh hay mất mạng mới là điều đáng sợ. Dạo gần đây khách du lịch còn bị IS bắt cóc đòi tiền chuộc, sau đó bị chặt đầu nữa. Bạn thử nói: "Tôi đến từ Việt Nam nghèo lắm không có tiền chuộc đâu!" và xem IS có thả ra không nhé!

Tắm heo và tắm tiên - Dương ThụyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ