Trước khi đến Nhật, tôi vẫn thường ngắm hình núi Phú Sĩ được chụp từ mặt hồ Tanumako óng ánh. Đỉnh ngọn núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa , đỉnh núi không vút nhọn mà có hình chóp cụt, đó chính là miệng núi lửa, không biết ngày nào đó sẽ phun trào. Mặt trời soi vào đỉnh núi phủ tuyết vào lúc hoàng hôn làm lóe lên ánh sáng kim cương và đồng thời cũng phản chiếu xuống mặt hồ hình ảnh một viên kim cương khác. Hình ảnh hai viên kim cương trên đỉnh núi Phú Sĩ và dưới mặt hồ Tanumako làm tôi thần người vì vẻ đẹp huyền ảo, khiến tôi nhất quyết phải một ngày sang Nhật để ngắm được cảnh này.
Nhưng vào thời điểm tôi có cơ hội đến Nhật, trời đang mùa thu. Mùa thu là lúc nhiều khách du lịch thích đến Nhật để ngắm lá đỏ nhất nhưng lại không là thời điểm để ngắm núi Phú Sĩ vì mưa rả rích, trời xám xịt. Thông thường vào lúc trời quang, từ Tokyo người ta đã có thể thấy núi sừng sững xa xa.
Chúng tôi dừng ở chân núi để ăn trưa trong một nhà hàng có dãy cửa sổ nhìn thẳng ra vực núi mù sương. Cảnh vật đẹp hùng vĩ nhưng buồn da diết, mùa thu nước Nhật đâu chỉ có lá đỏ lãng mạn. Sao không ai nói với tôi là còn những hạt mưa rỉ rả và đám sương mù mênh mang?
Sau khi ăn trưa, chúng tôi được xe chở lên núi. Dù thời tiết không quang quẻ để ngắm đỉnh núi, nhưng chúng tôi vẫn lên được đến trạm dừng chân số 5, trạm cao nhất (2.300m). Núi Phú Sĩ có độ cao tổng cộng là 3.776m nhưng chẳng mấy ai lên đến đỉnh. Khách tham quan kể cả người Nhật cũng chỉ lên đến trạm số 5 là hết mức (vì cũng hết sức). Anh trưởng đoàn kể đã từng một lần theo chân những người bạn Nhật leo núi Phú Sĩ. Người Nhật cũng chỉ leo cho có trải nghiệm một vài lần ít ỏi trong đời mà thôi. Núi Phú Sĩ được cây cối bao phủ dày đặc từ bao đời nay. Người Nhật sinh sống gần biển chứ tuyệt đối không lên núi làm nhà. Họ để những ngọn núi được thiên nhiên bảo vệ nên núi linh thiêng vì quá trong lành. Những nguồn nước từ khe núi chảy xuống được người dân sống ở chân núi trữ thành hồ, dùng để muối các loại dưa rau củ rất bổ dưỡng.
Đường lên núi cây cối đã ngả sang màu vàng và màu đỏ của mùa thu đặc trưng Nhật Bản, sương mù giăng kín, mưa rơi nhịp nhàng. Cảnh trí khi nhìn bằng mắt thật cho tôi cảm giác buồn thê lương chứ không hề lãng mạn và đa tình như khi nhìn các tấm poster quảng cáo du lịch. Anh trưởng đoàn cho biết tỷ lệ tự tử ở Nhật thuộc loại cao nhất thế giới (hơn 30.000 người/ năm).
Vấn nạn người dân tự tử ở Nhật từ lâu đã trở thành một đề tài xã hội nhức nhối. Theo thống kê năm 2014, trung bình có 70 người Nhật tự tử mỗi ngày và đa số là đàn ông (71%), nằm trong độ tuổi thanh niên (từ 20 đến 44 tuổi). Theo số liệu của World Health Organization (năm 2012), nước Nhật đứng thứ 17 trong danh sách các nước tự tử cao nhất thế giới. Con số người tự tử đang giảm dần trong những năm gần đây nhưng người Nhật vẫn bị ghi nhận là một trong những quốc gia tự tử cao hàng đầu thế giới.
Còn trên trang web www.therichest.com khi xếp hạng 10 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, Nhật đứng thứ 7. Trang web www.list25.com khi xếp hạng 25 quốc gia có tỷ lệ này thì Nhật đứng thứ 18. Lý do được những trang web này đưa ra là người Nhật chịu áp lực trong cuộc sống quá cao, vừa bị áp lực tài chính (nhất là khi kinh tế bị suy thoái), vừa bị áp lực xã hội, vừa bị trầm cảm kéo dài. Ngoài ra, văn hóa lâu đời của người Nhật vốn coi trọng nghĩa khí, truyền thống võ sĩ đạo mổ bụng tự sát khi thua cuộc vần thường được đề cao.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tắm heo và tắm tiên - Dương Thụy
Short StoryTác giả: Dương Thụy Thể loại: Tản văn Số chương: 22 Tình trạng: Hoàn Trong cuốn sách này, mình thấy một số chương rất hay, mình khuyên các bạn nên đọc. Những chương này mình sẽ đánh dấu * ở tên chương nhé :)))