CÓ BAO GIỜ THẤY DÁNG MẸ LIÊU XIÊU?

137 2 0
                                    

Đã lâu lắm rồi tôi mới đi du lịch nước ngoài cùng mẹ. Lần cuối là chuyến đi Thái Lan trước khi tôi lấy chồng. Rồi sau đó tôi chỉ đi du lịch với chồng, với con, với gia đình nhỏ của riêng mình. Mẹ tôi cũng thích đi du lịch nhưng không còn tôi làm bạn đồng hành nên đi với bạn bè, đồng nghiệp hoặc với bất cứ ai sắp xếp được thời gian đi chung.

Cũng đã lâu rồi mẹ tôi không đi du lịch xa kéo dài đến 5 - 6 ngày vì luôn bận rộn việc nhà ăm ắp. Lần này, tôi quyết tâm phải cùng mẹ đi Nhật một chuyến "huy hoàng". Mẹ tôi ao ước được đi Nhật từ rất lâu nhưng tôi luôn bảo "Nhật mắc lắm, đi sao nổi!". Vậy mà mẹ đã nuôi hy vọng một ngày nào được đến Nhật nên cất công đi học tiếng Nhật ở các trung tâm ngoại ngữ ban đêm. Mẹ tôi lớn tuổi, siêng năng cắp cặp đến trường nhưng chắc chắn chữ nghĩa vô đầu không đọng lại bao nhiêu. Tuy vậy mẹ cũng học một thời gian dài, học đến đâu về cố dạy tôi đến đó nhưng tôi phất tay nói: "Thôi, khó quá, một chữ cảm ơn của Nhật dài bằng bốn lần số từ cũng để nói cảm ơn trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa! Con không học đâu!".

Vậy rồi mẹ con tôi đến Nhật. Mẹ tôi nói tiếng Nhật với anh trưởng đoàn, với bác tài xế, với các anh chị phục vụ trong khách sạn, nhà hàng, với nhân viên siêu thị. Công bằng mà nói mẹ tôi nói chút chút thôi, vừa lật tập cũ ôn bài vừa thực hành rôm rả. Nhưng tôi quá đỗi tự hào vì khả năng nói tiếng Nhật của mẹ. Vì bản thân tôi không nói được một từ nào dù là câu chào đơn giản hay tiếng cảm ơn bình thường.

Nhớ cách nay 13 năm, khi hai mẹ con đi Trung Quốc, mẹ tôi cũng đã học tiếng Hoa trước đó vài tháng còn tôi mới kịp học vài tuần. Mẹ tôi cũng xí xô xí xào nói tiếng Hoa búa xua với người Trung Quốc còn tôi ngại ngùng vì mình chả nói được gì cả. Nhờ biết tiếng Hoa, mẹ tôi xoay xở được khá tốt, không cần phụ thuộc anh hướng dẫn viên khi đi shopping, hỏi đường đến nhà vệ sinh, xin thêm chanh, muối, đường trong nhà hàng.

Trở lại với nước Nhật, mẹ tôi đi đến đâu phát huy khả năng nói tiếng Nhật đến đó. Ở Nhật mà gặp khách du lịch Trung Quốc thì mẹ tôi chuyển sang nói tiếng Hoa để nhờ họ chụp hình giùm. Tóm lại mẹ tôi giao tiếp tưng bừng, còn tôi lừng khừng đứng ngó.

Một lần trong siêu thị, chúng tôi được rất ít thời gian để shopping. Tôi muốn tìm mua đồ chơi cho hai đứa con, mẹ tôi muốn mua kẹo bánh. Tôi định đi lang thang hết siêu thị rộng lớn để tìm, còn mẹ tôi đứng lại hỏi nhân viên. Chắc mẹ tôi chưa học chữ "đồ chơi" nên nói hoài cô nhân viên Nhật không hiểu. Cô ái ngại cúi đầu chào, mẹ tôi lật đật chào lại. Rồi mẹ tôi thử nói cách khác, cô không hiểu nên cúi đầu tạ tội, mẹ tôi ngại quá chào lại ý nói "Không sao đâu!". Rồi hai người cứ thế giao tiếp, cúi chào, giao tiếp, cúi chào. Chào qua chào lại mất hết mười lăm phút mà không đi đến đâu. Tôi nóng ruột đến kéo mẹ tôi lôi đi mà mẹ tôi còn ngoái lại cúi chào rồi cự nự: "Cô ta sắp hiểu rồi...".

Tôi phải thừa nhận là từ ngày đi làm, nhân sinh quan của tôi thay đổi rất nhiều so với mẹ nên tôi và mẹ thường không còn hợp nhau khi trò chuyện như lúc tôi còn nhỏ nữa. Hai mẹ con vì thế cũng thường giận hờn nhau. Trong chuyến đi Nhật này, hai bên cũng càm ràm qua lại với đủ thứ chuyện nhỏ nhặt không đáng. Ví dụ như mẹ tôi cằn nhằn: "Sao chụp hình mẹ không lấy hết chân?", còn tôi bực mình: "Khách du lịch đông như kiến, con chen chúc chụp được cho mẹ tấm hình đã khó, còn đòi hỏi phải lấy hết chân!". Thế là cả hai giận.

Được cái tính mẹ tôi mau quên và tôi cũng thừa hưởng tính này của mẹ nên sau đó hai mẹ con nói chuyện lại bình thường. Và rồi lại giận...

Cùng đi du lịch ở Nhật lần này, tôi nhận ra mẹ tôi yếu đi rất nhiều. Dáng mẹ đi liêu xiêu và rất chậm, thường bị những người chung đoàn bỏ lại khá xa phía sau. Tôi phải đứng lại đợi nhiều lần. Tôi lại cằn nhằn: "Đã nói mẹ đem theo đôi giày thật tốt mà!", mẹ tôi phân bua: "Mẹ không đau chân, giày rất tốt!". Tôi thở ra: "Vậy sao mẹ đi liêu xiêu chậm rì?", mẹ tôi lý giải: "Không biết nữa, chân mẹ đi nhưng cái lưng nó không muốn đi theo!".

Tôi ngậm ngùi biết đó là tuổi già. Khi người ta già, người ta không thể điều khiển được một bộ phận hoặc nhiều bộ phận trong cơ thể mình nghe theo lệnh của cái đầu. Bản thân tôi dạo gần đây cũng thấy mình yếu đi, thường rên rỉ với những đồng nghiệp trẻ: "Chị già rồi, đau lưng, mỏi gối, nhức đầu, chóng mặt kinh niên!". Tôi biết tôi đã già khi tôi 40 tuổi. Vậy tôi có bao giờ nghĩ rằng mẹ tôi 65 tuổi đang phải đối mặt với những bất ổn của thể chất, sức khỏe ngày một sút giảm đi?

Tôi nhìn lại những hành vi của mình trong thời gian qua đối với mẹ. Tôi nhận ra mình hoàn toàn là một đứa con không tốt. Mẹ con tôi không có thói quen thể hiện tình cảm như nói những lời yêu thương, chúng tôi không nắm tay, ôm ấp, hôn hít. Đã nhiều lần tôi muốn nói tôi thương mẹ nhưng tôi không thốt được nên lời. Tôi tự hỏi sao lại đến mức đó trong khi tôi đi ra bên ngoài, tôi có thể ôm hôn hay nói yêu thương một cách trực tiếp với những người lớn tuổi khác như bà Michèle Jouannaud mà tôi nhận là mẹ tinh thần hay như ông Claude Roy, người sếp đầu tiên trong đời mà tôi luôn quý yêu. Có thể vì họ rất thoải mái thể hiện tình cảm bằng lời nói và cử chỉ ôm ấp với tôi, nên tôi cũng có thể đáp lại một cách dễ dàng không e ngại.

Với mẹ ruột của mình, tôi chỉ có thể nhắn tin qua điện thoại nói "con thương mẹ" sau một câu hội thoại nào đó. Với mẹ ruột của mình, phần lớn là tôi càm ràm và trách móc, hoặc tôi đòi hỏi phải giúp tôi việc nọ việc kia. Với mẹ ruột của mình, tôi chỉ hỏi: "Sao mẹ không làm điều đó cho con?" mà không tự hỏi: "Sao mình không làm điều này cho mẹ?".

Tôi cũng là một người mẹ của hai đứa con, tôi nhìn thấy sự ích kỷ của chúng khi chúng vòi vĩnh hết chuyện này đến chuyện khác và nhiều lúc tự nhủ: "Con cái chỉ cần được đáp ứng mọi nhu cầu và không quan tâm gì đến những giới hạn trong khả năng của cha mẹ".

Sao tôi không nhìn ngược lên để thấy bản thân tôi cũng ích kỷ, chỉ luôn đòi mẹ phải hết lòng hết sức với mình mà không nhận ra mẹ tôi đã lớn tuổi rồi?

Để nuôi con, tôi tìm đọc sách về tâm lý trẻ con, sách giáo dục Dạy con theo kiểu Nhật, Nuôi con thông minh như người Do Thái, Làm sao cho con vào được Harvard?, sách dạy cách đối xử với trẻ hiệu quả và yêu thương.

Còn trong vai trò làm con, tôi không thấy có một cuốn sách nào dạy tìm hiểu tâm lý người lớn tuổi, cách ăn nói sao cho không làm tổn thương cha mẹ, cách thấu hiểu người già có những bất ổn gì để thương yêu họ nhiều hơn.

Đâu phải mẹ tôi còn năng nổ cắp sách đi học ngoại ngữ, mẹ tôi mê đi du lịch nước ngoài, mẹ còn ham vui thích đón tiếp khách khứa trong nhà, mẹ chạy xe gắn máy ầm ầm ngoài đường, thì có nghĩa là mẹ vẫn luôn trẻ trung và khỏe khoắn.

Các bạn ơi, dành thời gian nhiều hơn cho mẹ, chăm sóc mẹ, lắng nghe mẹ. Và nếu có thể vượt qua được nỗi ngại ngùng thì mạnh dạn nói: "Mẹ ơi, con thương mẹ!". Hoặc một tin nhắn nói yêu thương, chắc cũng làm mẹ vui lòng.

Dáng mẹ đã liêu xiêu...

Tắm heo và tắm tiên - Dương ThụyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ