Càng trưởng thành hơn, lớn tuổi hơn, tôi nhận ra một điều: khi nhận định một vấn đề gì cũng nên xem xét trên một bức tranh toàn cảnh. Một sếp cũ người Pháp của tôi cũng từng khuyên: "Hãy có một tầm nhìn của trực thăng (helicopter view) để thấu hiểu các vấn đề". Thời đó tôi còn trẻ, người sếp đó cũng quá trẻ trong vai trò Tổng Giám đốc của chi nhánh Việt Nam nên không quan tâm lắm đến lời khuyên này. Dạo gần đây, tôi thấy cùng một vấn đề, nhưng có rất nhiều góc nhìn và các lời bình luận trái chiều, tôi từ từ ngộ ra thế nào là "tầm nhìn trực thăng". Đó là tầm nhìn mình có được khi đứng trên trực thăng ngó xuống bức tranh toàn cảnh, rồi thấy những nhận định khi mình còn đứng một góc nhỏ dưới kia lúc trước sao mà buồn cười vậy, giống câu ông bà mình thường nói: "Chẳng khác nào người mù sờ voi".
Hãy lấy ví dụ một đề tài hấp dẫn và dễ hiểu là việc xin visa vào các nước nhé.
Dạo gần đây cộng đồng mạng lên án hải quan Singapore vì từ chối không cho khách nữ Việt Nam nhập cư, gây nhiều phiền toái, phiền hà và phiền muộn cho nhiều đối tượng. Thời kỳ đầu khi tin này xôn xao trên mạng, tôi không quan tâm lắm, nhưng về sau càng nhiều người hùa theo đám đông mà la lối, tôi tự nhủ: "Đám đông có một sức mạnh truyền thông rất lớn, nhưng nhà nước Singapore còn có một sức mạnh của nội quy lớn hơn!".
Cho đến nay, hải quan Singapore không hề nương tay cho những đối tượng bị nghi ngờ nhập cảnh với lý do không tích cực. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, không chỉ riêng người Việt Nam, mà tất cả mọi quốc tịch, không phân biệt sang hèn, không phân biệt màu da. Với nội quy chặt chẽ của việc nhập cảnh, Singapore không ngại bất kỳ dư luận nào cả.
Trong khi cộng đồng mạng lên án hải quan Singapore, tôi tự nhủ: "Sao không ai quan tâm những nước khác trong khu vực châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản?".
Tất cả những nước này đều đòi phải có visa nhập cảnh. Trong số những nước phát triển ngang hàng với Singapore này, tôi từng có ý định đi Đài Loan du lịch nhưng thời điểm đó nước này không khuyến khích du lịch mà chỉ tiếp nhận những trường hợp công tác. Sau này Đài Loan cấp visa du lịch cho khách Việt Nam nhưng thủ tục rất phức tạp nên tôi chưa đủ can đảm. Còn lại thì tôi đã đi Hồng Kông nhiều lần, Hàn Quốc một lần và Nhật Bản một lần.
Và tôi xin được la lên thống thiết: Thủ tục xin visa vào những nước này rất công phu, đến mức phát nản, phát bực, phát khóc lên thật to!
Tôi xin tiết lộ với các bạn một tin, nghe hơi khó tin nhưng có thật: Tôi từng bị từ chối xin visa vào Hồng Kông vào tháng 10/2015 mà không cần giải thích lý do, sau năm tuần gởi hồ sơ sang tận Hồng Kông. Tôi, một người đã từng đi Hồng Kông, đếm chính xác là 5 lần trước đó (gồm cả ba lý do: đi công tác, đi theo tour du lịch, đi dự hội chợ) và trong passport của tôi còn chi chít các visa đã vào những nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ,... Công ty du lịch làm dịch vụ nộp đơn xin visa Hồng Kông giùm tôi rất ái ngại và cố giải thích: "Dạo này có nhiều khách Việt Nam đi du lịch lẻ và cả đi theo đoàn trốn lại Hồng Kông nên họ thấy hồ sơ từ Việt Nam là gạt sang một bên, không cần xem".
Tôi từng nghi ngờ công ty du lịch này không gởi hồ sơ xin visa của tôi đi, vì làm sao một người như tôi lại không được cấp visa Hồng Kông chứ! Nhưng sau trường hợp của tôi, có một số người bạn cũng từng đi nước ngoài nhiều bị từ chối visa Hồng Kông mà không cần lý do. Vậy nên muốn vào Hồng Kông, nhất thiết phải là đi công tác, đi hội thảo mà phải có thư mời đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cơ quan nhập cảnh (thư có dấu mộc, thư mời bằng tiếng Hoa...), phải là đi du lịch theo đoàn của công ty du lịch uy tín. Còn nếu đi với lý do du lịch cá nhân hoặc đi công việc mà không đủ giấy tờ chứng minh thì coi như khó có cơ hội lọt vào xứ Cảng Thơm. Nhưng nói chung là hên xui.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tắm heo và tắm tiên - Dương Thụy
Short StoryTác giả: Dương Thụy Thể loại: Tản văn Số chương: 22 Tình trạng: Hoàn Trong cuốn sách này, mình thấy một số chương rất hay, mình khuyên các bạn nên đọc. Những chương này mình sẽ đánh dấu * ở tên chương nhé :)))