Nguyện thân như ánh trăng soi sáng,
bầu bạn theo ngàn dặm quân hành.Thái hậu lấy thân phận Thái hậu, ban một đạo chiếu chỉ, tự phế Hậu ngay trong Đại điển đăng cơ của Hoàng đế, chiếu ra khi Thái hậu vẫn là Thái hậu, theo lý không ai bác được. Nhưng chuyện xảy đến quá nhanh, trên dưới chưa kịp định thần, ngày hôm sau một đạo thánh chỉ khác đã được ban ra. Hoàng đế lập Hậu. Chẳng phải ai khác, lại chính là nữ nhi Kim Lăng Nhan thị. Chẳng cần nhiều lời, đạo thánh chỉ này khơi lên sóng to gió lớn đến mức nào.
Trước ngự tiền, quân cương quyết không đổi, thần kịch liệt phản đối, dù là đã có lệ thời Thế Tông[1], nhưng nay lại là quân vương và Thái hậu! Nhưng trong chuyện này, lùi bước nhìn lại, e rằng Thái hậu mới là người nhận nhiều phỉ bang chỉ trích hơn cả, bao nhiêu đời nay cũng chẳng thiếu chuyện Thái hậu lộng quyền, âm thầm thao túng bức bách Hoàng đế.
[1] Tấn triều Thế Tông hoàng đế, 200 năm trước, bối cảnh của Quy Tự Dao.
Vào hạ, Túc Châu gặp hạn, tặc đạo thịnh hơn nhân đạo, lòng dân lung lay không yên, phỏng rằng, thế chính là do quân vương vô đạo, thượng bất chính thì hạ tắc loạn đấy. Cứu hạn còn chưa xong, ở Hải Châu nơi ấy đã lục đục chiến sự, quân của Hải Châu vệ và quân Lãng Cơ rơi vào cục diện giằng co căng thẳng, triều đình dốc toàn lực ứng phó, việc trở tay cũng đã là không dễ. Chuyện dời đô về Kim Lăng đành gác lại, mà ở nơi Hoàng thành Yến Kinh này canh gác càng thêm cẩn mật, phòng cho trong buổi biến loạn xảy ra chuyện kinh thiên.
Cả một năm dài đằng đẵng, tưởng như thể mây mù che kín khắp trời, chưa từng có một tin tốt truyền lên đến Ngự tiền. Trên dưới chỉ lo đến chuyện chính sự, bàn tới chuyện binh đao, nào còn thì giờ mà nghĩ tới chuyện hậu đình. Sức ép lớn lao, mệt mỏi rệu rã, dường như chuyện dời đô kia chẳng phải điềm lành.
Nếu trong tâm bão vẫn có thể đứng vững, vậy đợi bão tan cũng chỉ là chuyện thời gian.
Nhưng hết thảy đều là chuyện của tương lai.
Bao đời lịch đại, phàm khi thái bình suy yếu, gặp nạn binh đao, quan viên sẽ tấu thỉnh cải nguyên, cốt như thay đổi quốc vận. Nay cũng không phải ngoại lệ, bắt đầu từ Chính đán năm sau, cải nguyên Vĩnh Thuần.
Vĩnh Thuần nguyên niên, Lãng Cơ quốc khiển sứ nghị hòa.
Chiến sự căng thẳng, địa điểm lại giáp biển, Lãng Cơ quốc ban đầu chỉ là muốn uy ép chiếm lợi thế thông thương, sau lại thành một hồi hai bên đều có thương vong. Thế nhưng trận chiến này cũng không phải thuần túy là thắng làm vua thua làm giặc, trên thực tế thế lực ngang nhau, giết địch một vạn thương tổn tám ngàn, Tấn triều không nhượng bộ, mà Lãng Cơ quốc cũng không dễ dàng từ bỏ. Vì thế cho nên, chuyện nghị hòa này trì hoãn đình trệ.
Năm Vĩnh Thuần thứ nhất, cuối năm.
Binh tướng nơi tiền tuyến vẫn siết chặt phòng thủ, tình thế tiến thoái lưỡng nan này đã kéo dài hơn một năm. Lúc này sứ giả lại tới trước Ngự tiền, đôi bên nhượng bộ, ắt phải tìm cho ra một hướng đi chung. Trận này triều đình Đại Tấn tổn thất nhiều, yêu cầu quân hạm của Lãng Cơ quốc rút khỏi Hải Châu là một chuyện, mềm nắn rắn buông nghị chuyện bồi thường tổn thất lại cũng là một chuyện khác. Nhưng quan hệ lân bang, xưa nay cốt là ở lợi ích song phương, Hoàng đế hạ chỉ mở cảng, hoàn toàn thông thương, trong năm tới sẽ soạn chính sách giao thương có lợi cho Lãng Cơ quốc.
BẠN ĐANG ĐỌC
[BH] [EDIT HOÀN] LƯỠNG ĐÔ KÝ SỰ - LỤC NGỘ
RomanceTên tác phẩm: Lưỡng Đô Ký Sự (Chuyện Hai Kinh Thành) Tác giả: Lục Ngộ Thể loại: Chính kịch, cung đình quyền mưu, xuyên không lịch sử (phỏng Minh), niên hạ, dưỡng thành, chậm nhiệt, chuyên nhất, nghĩa nặng tình thâm, văn phong cổ điển, khí khái cổ nh...