Thanh lãnh như sắc trăng,
ôn nhu như làn nướcGiống như mây mù trước mặt đã tản ra, nhiều mắt xích bây giờ mới có thể chắp nối lại, trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bây giờ hồi tưởng lại, ước chừng hơn một năm trước đã bắt đầu có dấu vết mà Đường Oanh liên tiếp để vuột mất, bây giờ ngộ ra đã muộn. Trừ bỏ thất kinh và đau lòng, thậm chí phần hối hận tự trách còn nhiều hơn cả.
Bóng đêm đen như mực.
Đường Oanh vẫn đứng đó, bất động, cảm giác như bị đọa hầm băng, ngay đến máu trong huyết quản cũng thành nguội lạnh. Không thể đối diện, cũng không thể cất bước đi, càng không biết nên làm thế nào, chìm trong ngũ vị tạp trần. Nàng bước về phía trước, đặt bàn tay lên cánh cửa, muốn đẩy ra.
Nhưng ánh sáng trong tẩm điện từ từ yếu dần, từng ngọn đèn nến đều lần lượt bị dập tắt, cuối cùng chỉ còn lại ánh sáng lờ mờ hư ảo. Bóng đêm át đi ánh nến, bầu trời tối tăm bao trùm khắp phía, bỗng chống khiến người ta kinh hồn táng đảm.
Đường Oanh cắn chặt hàm răng, nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại, khắp bề đều tối tăm, mà mở mắt ra, ánh đèn đuốc nơi nội cung đã lại tràn ngập. Nhưng còn người trong kia? Không dùng được đôi mắt nữa? Ngày đêm như nhau, làm bạn với bóng tối, bốn mùa hoa rơi hoa nở tuyết đọng tuyết tan, mười dặm giang sơn phồn hoa náo nhiệt, chẳng lẽ đều thành ảo ảnh?
Đã đến nước này, vãn hồi thế nào?
Có thể, vẫn còn có thể. Dưới gầm trời này nhân tài ở đâu cũng có, là đôi mắt mà thôi, há lại không thể tìm ra thuốc chữa?
Đường Oanh lấy lại được chút lí trí, chợt nhớ ra nơi kia, liền lập tức xoay người đi ra, ngay đêm đi giá Thái Y viện. Mặc dù Y quan đã thúc thủ vô sách, nơi dân gian xưa nay ngọa hổ tàng long, nhất định vẫn còn người tài ba xuất chúng.
Nội thị khiêng kiệu vốn nhanh nhẹn, nay lại thêm khí sắc Hoàng đế trầm xuống đến cùng tận, còn gấp rút bội phần. Một lát sau đó đã tới trước Thái Y viện.
Lúc đó đã khuya, ai nấy đều đã yên giấc, nhưng trước khi Hoàng đế tới đã có nội thị thông truyền trước, lúc này y quan đều đã mũ mão chỉnh tề chờ đợi thánh giá. Theo lý mà nói thì chuyện này quả đáng ngạc nhiên, hôm nay Bệ hạ dự lễ tế đàn, không những đột ngột hồi cung mà hồi cung còn đột ngột tới Thái Y viện trong đêm? Nếu không khỏe có thể truyền triệu, đang đêm thâu lại tới đây, rõ ràng là thập phần dị thường.
Vì thế, Y chính lo sợ bất an, lúc hành lễ cũng càng thêm cung kính.
Đường Oanh xuống kiệu, tới trước hắn, lời nói chậm rãi không lộ hỉ nộ mà khí thế rõ ràng: "Khanh gia vào trong hẵng nói."
Y chính là quan hai triều, có thể nói là hàng cựu thần, đức cao vọng trọng. Năm xưa Tiên đế bệnh tật quấn thân, hắn hết lòng chăm sóc, cũng được đối đãi không tệ. Nay Đường Oanh giữ lễ nghĩa cũ, đãi ngộ luôn chu toàn, quân thần bình dị gần gũi, dường như chưa từng dùng loại giọng điệu này. Y chính theo phía sau, trên trán như đã phủ một tầng mood hôi lạnh, tự lòng đã biết Hoàng đế tới là vì chuyện gì.
Những người khác đều cho lui hết, trong phòng chỉ còn lại hai người.
Tiếng hai cánh cửa khép lại vẫn còn vang vọng, Đường Oanh đã bắt đầu mở miệng hỏi thẳng: "Rốt cuộc tình trạng của Thái hậu là như thế nào? Có cách chữa khỏi hẳn hay không? Mau trả lời trẫm!"
Mặc dù đã sớm đoán ra, Y chính vẫn không khỏi cả kinh. Hắn không hiểu chuyện này từ đâu mà lộ ra, bèn tiếp tục giả như hồ đồ không hiểu, cậy nhờ may mắn qua được đêm nay, sáng mai sẽ tới tìm Thái hậu. Nhưng chưa kịp nghĩ ra lời thuận tai, biểu tình trên mặt đã bán đứng hắn, tâm tư bại lộ, rơi thẳng vào mắt Hoàng đế.
Đường Oanh bước tới gần sát, đè giọng cảnh báo: "Đừng cả gan dối trá lừa gạt thêm lần nữa. Tội khi quân, ngươi có gánh được không?"
'Thêm lần nữa' kia, chính là ám chỉ chuyện ngày trước hắn trình lên y thư ngụy tạo, còn khi quân phạm thượng, thế nào cũng không thoát được tử tội.
Y chính biến sắc: "Thần tội đáng muôn chết, Bệ hạ bớt giận!" Hắn cúi đầu, dù chưa ngẩng lên cũng vẫn cảm nhận được cỗ uy áp dồn về phía này, sức nặng như vạn quân khiến hắn không dám thở mạnh. "Điện hạ trúng độc, độc không giải được hết, còn tồn dư. Thành ra... ảnh hưởng đến đôi mắt." Y chính dừng một lát, hé mắt dò xét sắc mặt Đường Oanh, lại nói tiếp, âm thanh nhỏ đi hẳn, "Về phần... có chữa được hẳn hay không... thần không đủ tinh thông, không phán đoán được. Nhưng Điện hạ là thiên kim, tự sẽ có phúc phần."
Tự sẽ có phúc phần?
Câu này nói ra là để trấn an người nghe mà thôi, Đường Oanh cười lạnh trong lòng. Nàng ngưng mắt nhìn Y chính, tuổi hắn đã cao, kinh nghiệm đầy mình, có thể nói là Y quan có năng lực nhất Thái y viện. Mà nay hắn biết sự thật kia chắc chắn sẽ khiến nàng nổi giận, ấy thế vẫn lựa chọn nói thẳng, âu cũng là một chuyện đáng buồn. Bất đắc dĩ mà thôi.
Ngay đến người này đã thúc thủ vô sách, thật sự là không còn cách nào khác sao?
Đường Oanh bỗng thấy mình vô dụng đến cùng, mệt mỏi ảo não, không biết nên làm thế nào. Nàng nhớ về đôi mắt của Thái hậu. Đôi mắt kia là đôi mắt đẹp nhất nàng từng gặp, dù là kiếp trước hay là kiếp này, ánh nhìn có lúc thanh lãnh như sắc trăng, có lúc ôn nhu như làn nước, mỗi khi đối mắt với nàng đều kéo nàng vào trong đó, cam tâm tình nguyện mà chìm sâu.
Một đôi mắt như vậy, từ này về sau sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối ư?
Đáy lòng quặn lên, lồng ngực lại như bị ai đâm chém, đau đớn đến mức Đường Oanh cắn chặt hàm răng. Đỡ lấy góc bàn gỗ mới có thể đứng vững, Đường Oanh miễn cưỡng trấn định tâm tình: "Ngươi vừa nói trúng độc, là trúng độc thế nào? Độc gì? Tại sao trúng độc, Thái hậu luôn ở trong cung, ai dám thừa cơ hạ độc nàng?"
Tuy đã là cố gắng trấn định, ngữ khí kia lại khiến cho người nghe chột dạ sợ hãi. Y chính bất giác run lên, sợ mình nói ra lời hồ đồ, âm thanh cũng thành run run: "Độc... độc này là khiên cơ dược[1], độc tính rất mạnh, vô cùng nguy hiểm, khó tìm thuốc giải. Còn tặc nhân là ai... thần, thần... quả thật không biết."
[1] Khiên cơ dược là một trong những loại độc dược nổi tiếng trong lịch sử, chuyên dùng để ban cho hoàng thất. Khiên cơ dược cũng chính là loại thuốc độc mà vua Tống ép Nam Đường hậu chủ Lý Dục uống.
--- Hết chương 59 ---
BẠN ĐANG ĐỌC
[BH] [EDIT HOÀN] LƯỠNG ĐÔ KÝ SỰ - LỤC NGỘ
RomanceTên tác phẩm: Lưỡng Đô Ký Sự (Chuyện Hai Kinh Thành) Tác giả: Lục Ngộ Thể loại: Chính kịch, cung đình quyền mưu, xuyên không lịch sử (phỏng Minh), niên hạ, dưỡng thành, chậm nhiệt, chuyên nhất, nghĩa nặng tình thâm, văn phong cổ điển, khí khái cổ nh...