"Sài Gòn, ngày 28 tháng Hai năm 1965.
Gửi Hiểu Phương thân mến,
Giờ này có lẽ Hà Nội đã bắt đầu ấm dần sau mùa xuân mưa phùn nhỉ? Anh không biết nói gì nhiều, chẳng qua tình cờ gặp chú Trường ở chỗ điểm tập kết nên anh viết vài chữ tiện nhờ gửi ra Bắc cho mày, gọi là hỏi thăm tình hình nhà cửa. Cuốn sách này anh định bữa nào về thăm sẽ tặng mày làm quà sinh nhật, nhưng anh cũng chưa biết bao giờ về lại, anh gửi mày tự xem trước. Sách này do một người bạn của anh đến từ Mỹ từng mang sang cho, nhìn có vẻ đắt, chất bìa xịn lắm, giữ gìn cho cẩn thận. Nhớ học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn.
Nếu có chuyện gì mới, mang tính nghiêm trọng liên quan đến miền ngoài đó, anh sẽ báo sớm.
Mong rằng lá thư và gói hàng sẽ an toàn.
Anh nhớ cả nhà và Hà Nội nhiều.
K."
K. K là mật danh của anh Văn Khuê, người anh họ con bác thân thiết mà lớn lên từ bé với cô. Hiểu Phương không biết mật danh đó có tác dụng hay được sử dụng với mục đích gì. Nhưng anh dặn khi hai người trao đổi thư từ Nam ra Bắc hay ngược lại, cô phải gọi anh bằng mật danh đó, cấm được tạo ra manh mối nào có liên quan đến tên thật của anh. Và bức thư này, theo trong thư, Văn Khuê viết nó từ hôm cuối tháng Hai. Bằng một cách lạ lùng nào đó, tận đúng tròn một tháng sau, bức thư mới hạ cánh xuống tay Hiểu Phương.
Đọc lướt qua xong bức thư, cô cười hờ một tiếng, lật qua lật lại cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ Tây hay Tàu mà cô không biết tí gì cả. Ừ, công nhận sách trông rất đắt tiền, rất đẹp. Vỏ bìa da cứng, đường chỉ khâu hay họa tiết, tất cả rất hoàn hảo. Không hoàn hảo duy nhất ở mỗi chỗ, Hiểu Phương chả hiểu nó viết gì.
"Chú ơi, anh Khuê gửi có thế này thôi đúng không ạ?"
"Có thế thôi, chú kiểm tra lại kỹ rồi, không sót gì đâu. Cháu có hồi âm gì cho thằng bé không, ngồi viết luôn đi, lát chú phải về đơn vị tập hợp rồi!"
"Chắc là không đâu ạ!" Hiểu Phương đứng dậy, mạnh tay đóng quyển sách dày lại khiến chúng va vào nhau và tạo ra một "Bụp" nhỏ "Bọn cháu về đây, sau có gì chú gọi cháu nhé."
"Ừ, hai đứa đi cẩn thận."
Chào chú xong, Hiểu Phương ra hiệu cho Hạnh Vân biết điều nhấc người dậy đi về. Con bé này buồn cười gớm! Cứ sang nhà chú Trường là chú thương các cháu, mời ăn mời uống đủ thứ trong khi đi lái xe trên đường xa thì chịu thiếu thốn đủ điều. Nãy nếu Hiểu Phương không bắt đứng dậy sớm, có khi nó xơi hết miếng lương khô thứ ba từ đời nào rồi.
Hai chị em dắt xe ra khỏi ngõ, chuẩn bị leo lên xe đi thì chú Trường đi ra cửa, gọi to:
"Hai đứa ơi về sớm nhé, đừng có la cà lâu la. Nhà đang có việc đấy!"
Hiểu Phương dừng chân, ngoái nhìn hỏi lại:
"Việc gì vậy ạ? Bố cháu dặn vậy hay sao chú?"
Chú cười, xua tay:
"Theo chú nhớ thì là vậy! Thế nhớ, chú phải vào chuẩn bị đây!"
BẠN ĐANG ĐỌC
(đang sửa) ngày thống nhất ; j
Historical Fiction"𝘼𝙡𝙡 𝙛𝙤𝙧 𝙩𝙝𝙚 𝙛𝙧𝙤𝙣𝙩 𝙡𝙞𝙣𝙚, 𝙖𝙡𝙡 𝙛𝙤𝙧 𝙫𝙞𝙘𝙩𝙤𝙧𝙮." - tất cả cho chiến tuyến, tất cả để chiến thắng. Từ khi cậu Tuấn trở lại, Hiểu Phương đã có mục đích sống, một lý do tiếp tục tồn tại. Như lời Văn Khuê nói, đất nước thống nh...