NLVH: Lí luận về thơ ca

17.2K 85 6
                                    

Khái niệm:

Thơ hay thơ ca hoặc thi ca, là một loại sản phẩm của sáng nghệ thuật ngôn từ theo những cách thức nhất định dựa trên quy luật hài hòa về vần điệu, âm điệu. Thơ có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, cô đọng và hàm súc, có thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.

"Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu"  (Từ điển thuật ngữ văn học).

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim sĩ trước cuộc đời. Cảm xúc đóng vai trò quyết định, là nguồn cội của mọi sáng tạo nghệ thuật.

Một bài văn cũng có thể là một bài thơ nếu sự chọn lọc các từ trong đó súc tích và gây cảm xúc cho người đọc một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, một bài thơ thường còn mang tính vần giữa câu nọ với câu kia và tổ hợp của các câu gây ra âm hưởng nhạc tính trong bài. Thơ thường dùng như hình thức biểu tả cảm xúc trữ tình, hoặc tình cảm xúc động trước hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, như khi người ta đứng trước phong cảnh ngoạn mục, hoặc đứng trước thảm cảnh. Sự tương tác giữa tình cảm con người và hoàn cảnh tạo nên những cảm nghĩ mà người ta muốn bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc chiết.
Có thể coi thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. Chính vì vậy mà có một thời gian rất, dài thuật ngữ thơ được dùng chỉ chung cho văn học. Thơ có lịch sử lâu đời như thế nhưng để tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của nó cho việc nghiên cứu thơ ngày nay thì thật không dễ.

Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn). Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: "Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa.
Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa". Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.

Trong tiểu luận "Thơ là gì", Jacobson viết: "Nhưng tính thơ được biểu hiện ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ không phải như vật thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà còn có trọng lượng riêng, giá trị riêng". "Chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp". Jacobson nhấn mạnh ý nghĩa của đối tượng gọi tên và ý nghĩa ngữ pháp nảy sinh từ những mối quan hệ giữa các thành tố cấu trúc có tính chất khép kín của văn bản. Điều đó cũng có nghĩa là khái niệm ý nghĩa được hiểu một cách hạn hẹp. Bởi trong thực tế, như ta thấy, ý nghĩa của thơ nhiều khi đã vượt ra ngoài giới hạn của văn bản.
Lý giải về bản chất của thơ, các tác giả nhóm Xuân thu nhã tập cho rằng: "Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thuý, cao siêu". Còn nhà thơ Tố Hữu thì quan niệm: "Thơ là cái nhuỵ của cuộc sống". Dưới cái nhìn cấu trúc, nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: "Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này". Định nghĩa này của giáo sư Phan Ngọc đã kế thừa được những khám phá quan trọng về thơ của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các trường phái khác nhau của Tây Âu trong mấy chục năm qua. Đặc biệt, đã gợi ra một trường nghiên cứu thơ hết sức rộng rãi: thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần tuý mà chủ yếu là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn trong ý nghĩa đầy đủ của từ này.

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ