Văn 12: Người lái đò sông Đà

3K 30 1
                                    

Tác phẩm Người lái đò sông Đà

a. Vị trí

"Sông Đà" là một mốc son trong lộ trình nửa thế kỷ sáng tác, đánh dấu bước chuyển quan trọng của nhà văn Nguyễn Tuân đi từ thế giới của cái "tôi" đến thế giới của cái "ta". Hay nói như nhà thơ Pháp Êluya "từ chân trời một người đến chân trời tất cả". "Người lái đò Sông Đà" là một trong những thiên tùy bút xuất sắc, thêm một lần nữa khẳng định phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân và là một minh chứng tiêu biểu cho quá trình "ngòi bút ấy đã đạt tới độ chín mới về tư tưởng và nghệ thuật".

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- "Người lái đò Sông Đà" là bài tùy bút được in trong tập" Sông Đà" xuất bản năm 1960.

- "Sông Đà" ra đời là nhờ sự thai nghén của chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn của Nguyễn Tuân. Hành trình mới ấy không chỉ thỏa mãn khát khao "xê dịch" của nhà thám hiểm tới những miền đất lạ là mà còn gieo vào lòng Nguyễn ấn tượng về vùng trời của cái đẹp. Trong miền đất chở những cái đẹp, Nguyễn Tuân tìm thấy chất vàng của thiên nhiên và "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở tâm hồn những người lao động nơi đây. Vì vậy ông đã khai sinh ra tùy bút "Người lái đò Sông Đà" nói riêng và tập "Sông Đà" nói chung.

I. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Tìm về lời đề từ trong "Người lái đò Sông Đà"

Bước vào tùy bút "Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân người đọc dễ dàng bị lôi cuốn bởi hai lời đề từ vô cùng hấp dẫn giúp độc giả hình dung rõ ràng hơn cảm hứng sáng tác và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Lời đề từ đầu tiên "Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông!". Nguyễn Tuân chắc hẳn phải mê đắm lắm những thi hứng trên sông nước của Broniewski. Điều gì đã khiến thi sĩ sửng sốt mà cất lên "đẹp vậy thay", vế thơ sau đã giãi bày nguyên do của lời ngợi ca ấy: "tiếng hát trên dòng sông". Sông nước mênh mông nên thơ hữu tình đã làm say đắm bao trái tim nghệ sĩ để rồi trở thành một địa chỉ lớn của nhạc họa văn thơ. Xưa Broniewski mượn thơ để bày tỏ tiếng ca ngưỡng mộ của mình trước dòng sông say đắm lòng người. Nay Nguyễn Tuân mượn chính ý thơ đó để cất tiếng hát say mê, lời hoan ca, phấn khích khi đứng trước vẻ đẹp của Đà giang. Tiếng hát kia phải chăng cũng là tiếng hát của người anh hùng lao động sông nước, của nghệ sĩ ba lê giữa muôn trùng thác đá. Đặt ý thơ vào tác phẩm của mình, cụ Nguyễn muốn ngợi ca nhân vật chính của bản hùng ca ấy. Đồng thời tác giả cũng sung sướng reo lên quan niệm nghệ thuật mới của mình sau Cách mạng: những con người dù lặng thầm, bình dị, dù ở bất kể nơi đâu, trong bất kể địa vị và nghề nghiệp nào, chỉ cần sống trọn với sứ mệnh, trách nhiệm của mình đều đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh.

Lời đề từ thứ hai "Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu". Tạm dịch: "Mọi dòng sông đều chảy về phía Đông, duy chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc". Chính hướng chảy độc đáo kia của sông Đà đã khơi gợi hứng thú của cái tôi ngông nghênh với đời như Nguyễn Tuân. Một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật, ham mê xê dịch để thay đổi thực đơn cho tâm hồn mình như Nguyễn Tuân đã mê mẩn ngay với sự khác biệt đó của sông Đà. Vì thế sông Đà dưới ngòi bút Nguyễn Tuân không phải là thiên nhiên vô tri vô giác, mà hiện lên như một sinh thể phức tạp, đa dạng có cuộc sống riêng, có đặc điểm riêng không thể trộn lẫn với hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau: hung bạo và trữ tình. Đôi dòng đề từ thứ hai gợi cho độc giả nhiều suy tư, người ta nghĩ rằng Nguyễn Tuân cũng giống như chính dòng Đà giang ấy. Trên hành trình đến với thiên nhiên kỳ thú, nhà văn đồng thời muốn khẳng định dòng sông văn học độc đáo của mình – một dòng sông cá tính của cái tôi uyên bác và tài hoa. Maxim Gorki từng nói "cái bình thường là cõi chết của nghệ thuật", vì vậy Nguyễn Tuân luôn muốn "Đã là nhà văn, mỗi người phải có cái vision riêng. Mất cái riêng đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ thiên chức nghệ sĩ của mình". Giống như ông lái đò đang cố gắng tìm đúng luồng sinh giữa vô vàn cửa tử trên chiến trường sông Đà, văn nhân cũng muốn tìm cho kì được nguồn cảm hứng "sống" giữa dòng thác ngôn từ ngổn ngang. Và ông đã tìm được sông Đà. Tờ hoa về sông Đà chính là luồng sinh, góp phần khẳng định cái bản chính Nguyễn Tuân giữa thế giới mênh mông biển người.

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ